Trầm cảm - Kẻ thù "phá hoại" hạnh phúc gia đình

(Webphunu.net) - Từ trước đến nay, y văn thường nói đến hiện tượng trầm cảm sau sinh, sau ly hôn, sau đổ vỡ trong công việc chứ ít khi nói đến hiện tượng trầm cảm sau… kết hôn.

15.425
Trong thực tế, hiện tượng này không phải là hiếm tuy chưa có con số thống kê chính xác bởi đây là vấn đề khá tế nhị và thường bị người trong cuộc giấu giếm.

Con gái “yêu bằng tai” nên khi nghe chàng hứa “yêu em suốt đời” là sẵn sàng “yêu như điên”. Một nhà tâm thần học nói vui khi yêu cả hai giống như bệnh nhân tâm thần. Điều nguy hiểm là trong lúc “bệnh” như vậy thì họ đưa ra quyết định cưới nhau. Cưới xong hết bệnh “yêu” lại rơi tõm vào thực tế, nên có cô đi từ thất vọng về tình dục đến thất vọng về tài chính để rồi sinh bệnh trầm cảm.

Nguyên nhân gây trầm cảm sau ngày cưới


Có nhiều cặp vợ chồn rơi vào tình trạng trầm cảm nghiêm trọng dù họ cưới nhau trước đó chưa được bao lâu. Ảnh minh hoạ

Đối với nhiều cặp, việc lên kế hoạch cho đám cưới trở thành một tâm điểm lớn và vô tình trở thành vật cản khiến họ không thể suy nghĩ về điều gì khác ngoài ngày trọng đại đang đến gần.

Ngay sau khi bạn trở về từ tuần trăng mật, đời sống hôn nhân sẽ có cả niềm vui và nỗi buồn. Một khoản tiền khá lớn đã được dành cho đám cưới cùng các vấn đề về tài chính phát sinh có thể là nguyên nhân gây ra sự chán nản.

Vậy não trạng con người thời đại nghĩ gì về hôn nhân? Ðó là một khế ước song phương giữa hai người. Tôi đến với anh, anh đến với tôi bằng sự chấp nhận nhau. Ngoài ra, quan niệm về tình yêu của con người thời nay cũng rất lạ. Theo đó, tình yêu cũng được quan niệm như một trò chơi tình ái. Rất rõ ràng và sòng phẳng. Do đó mà những ràng buộc, những đòi hỏi của tình yêu như trung thành, chịu đựng và hy sinh là những gì xem như hoang tưởng, thiếu thực tế.

Nguy hiểm của não trạng trên là một cánh cửa mở ngỏ để con người có thể lợi dụng mà phá hủy giá trị thật và hạnh phúc thật của hôn nhân. Tại sao tôi phải trung thành với một người mà người đó không hề trung thành với tôi? Tại sao tôi phải chịu đựng một người mà người đó không bao giờ nhường tôi một bước? Và tại sao tôi phải hy sinh cho một người mà cuộc sống là một chuỗi ngày dài ích kỷ và chỉ tìm lợi ích cho riêng mình? Một người với suy nghĩ bình thường, có cuộc sống bình thường mà khi gặp phải những khó khăn của đời sống hôn nhân cũng cảm thấy bị xao xuyến và cám dỗ trước quan điểm và lối sống này, huống chi phải sống với một người mang những triệu chứng trầm cảm mà lại nhất định từ chối và coi thường mọi phương pháp chữa trị. Trong những tình trạng như vậy, ảnh hưởng của trầm cảm không chỉ tác dụng trên hạnh phúc hôn nhân của người bệnh, mà còn tạo điều kiện dễ dàng cho người phối ngẫu có cớ để mà ly dị.

Ảnh hướng tới hôn nhân


Những giấc ngủ chập chờn. Những cau có, giận hờn, bẳn gắt, và tức bực vô cớ. Những lời nói nóng nẩy, cộc cằn. Những cơn nhức đầu triền miên. Những lần ợ chua, sình hơi, tiêu chảy. Những bữa cơm nhạt miệng ăn không vô. Những sợ hãi vô cớ. Những lần ân ái vợ chồng nhàm chán, miễn cưỡng. Những lo lắng làm đời mất vui. Những lần quên đầu quên đuôi các việc phải làm. Những vội vã hấp tấp. Những tư tưởng chán đời. Những ý nghĩ cho là mình vô dụng. Những ý nghĩ muốn bỏ cuộc hay muốn chết.
Nếu bạn đang ở trong những cái “những” trên, bạn rất có thể đang bước vào chứng trầm cảm (depression). Và một khi đã bị trầm cảm, đời của bạn coi như “mất vui” thực sự. Điểm đến cuối cùng của trầm cảm là sự chia lìa, đổ nát của hạnh phúc. Nhiều gia đình tan vỡ, nhiều cuộc hôn nhân đã kết thúc bằng ly dị chỉ vì một hay cả hai người đã để cho những áp lực của công ăn việc làm, của sự ham muốn giàu sang và quyền lực khống chế, điều khiển cuộc sống để rồi không ai còn có thời giờ riêng cho mình cũng như cho nhau. Kết cuộc chính do những sức ép ấy đã đưa đẩy họ vào những bế tắc và khủng hoảng. Do đó, cũng có thể nói trầm cảm đã ảnh hưởng và làm đổ vỡ hạnh phúc hôn nhân của những cặp vợ chồng này. Nhưng một điều khó hiểu ở đây chính là những người mang chứng trầm cảm, phần lớn đều phủ nhận và cho rằng mình không hề bị trầm cảm. Và vì vậy, không muốn hoặc không cần đến nhu cầu trị liệu.

Về mặt tâm sinh lý, trầm cảm là một trong những triệu chứng tâm lý đang làm nhiều người hoảng sợ, và là một mối nguy cơ cho cuộc sống con người ngày nay, nhất là tại những quốc gia tân tiến, đó là hội chứng trầm cảm. Nguyên nhân của triệu chứng này là những suy nghĩ, lo lắng, băn khoăn, và căng thẳng quá độ trong những sinh hoạt hằng ngày, và cũng do những thao thức về mặt tâm lý, tình cảm, hoặc thác loạn trong cuộc sống.

Hậu quả của chứng trầm cảm xét về mặt thể lý, là làm cho người ta ra uể oải, mệt mỏi, chóng mặt, khó tiêu, biếng ăn, mất ngủ. Ngoài ra, nó còn là một cơ hội tốt cho những biến chứng như cao máu, tim mạch, lở loét dạ dầy, nhức đầu kinh niên, tai biến mạch máu não, và ung thư.

Về mặt tâm lý, nó biến bệnh nhân thành cau có, bực tức, bẳn gắt, chán nản, buồn phiền, thất vọng, buông xuôi, và đôi lúc mang cảm nghĩ chán đời, muốn tự tử.

Về mặt tâm thần, ảnh hưởng của trầm cảm còn lan rộng đến tâm trí con người, khiến con người có thể trở thành tâm bệnh với những biến chứng ảo tưởng, ảo giác, ảo ảnh, và mất đi khả năng phán đoán.

Hăng say hoạt động. Hăng say làm giàu. Hăng say nghề nghiệp. Hăng say với đường công danh, sự nghiệp. Rất tốt. Nhưng nếu hăng say quá đến trở thành nô lệ cho những ham muốn quá độ ấy khiến quên ăn, quên ngủ, thì lúc ấy phải coi chừng. Hăng say với ý tưởng cho rằng mình là tất cả, và là trung tâm điểm của mọi hoạt động, của mọi thay đổi đối với xã hội thì e rằng đã quên mất mình là ai, và không còn tin tưởng, đặt mục tiêu hành động vào đúng vị trí của nó. Những ý nghĩ tự kiêu, tự đại, tự tôn, và tự đắc ấy sẽ làm cho người say mê nó sống trong ảo ảnh, ảo giác, và ảo tưởng về những nỗ lực và thành quả của chính mình. Chỉ cần một thất bại nhỏ cũng đủ làm cho con người trở nên bất mãn, bực tức, và cáu giận. Trạng thái bất ổn tâm lý này thường sẽ kéo dài một thời gian cho đến khi mà sức chịu đựng của một người không còn nữa. Cho đến khi tất cả hào quang chiến thắng, và thành quả đạt đến tột đỉnh như một trái bóng đầy hơi và nổ tung.

Hậu quả đầu tiên trong đời sống hôn nhân khi trầm cảm xảy ra là những tư tưởng, thái độ, lời nói và hành động tiêu cực làm cho cay đắng, tạo sự rạn nứt trong tương quan vợ chồng, đánh mất niềm tin, và làm tăng sự nghi ngờ. Đời sống vợ chồng trở nên nhạt nhẽo, căng thẳng, và nặng nề.

Nhiều lần chính ta đã tự cảm nghiệm, hoặc đã là nạn nhân của chứng trầm cảm trong đời sống hôn nhân và gia đình. Vì để mình bị chi phối nhiều vấn đề, vì muốn trở thành người có tiếng tăm đạo đức, hấp dẫn, và tài giỏi, ta thường có cảm nghĩ cho rằng nếu không có mình, thế giới này, xã hội này, gia đình này sẽ không thể tồn tại một cách tốt đẹp được, và vì thế, ta đã lăng xăng lo lắng, bằng mọi cách thay thế, sửa đổi, và sửa sai mọi người trong gia đình theo ý mình. Kết quả ta đã bị mệt mỏi và kiệt sức. Vì không được như ý mình, ta đâm ra phiền trách Trời, Phật, phê phán xã hội, nghi kỵ, ghen tuông, và gây khó chịu cho chính mình cũng như chồng hay vợ con mình.

Ta cũng thường ngày chứng kiến nhiều cặp vợ chồng vì quá bon chen, lo lắng nên đã không có thời giờ đủ cho họ và cho gia đình. Kết quả tuy kiếm được nhiều tiền nhưng đời sống vợ chồng vẫn luôn luôn lục đục, cãi vã. Con cái hư hỏng hoặc bỏ nhà đi hoang. Trong những tiếp xúc với các bệnh nhân, tôi vẫn thường được nghe nhiều về những nỗi bất hạnh này mà căn nguyên chính vẫn là nhiều người đã tự mình hay cố tình muốn “cái thú đau thương” do căn bệnh bất trị nhưng hiểm nghèo là trầm cảm. Nhiều người vợ đã tham phiền chồng vì không có thời giờ cho mình. Họ không còn hứng thú về mặt sinh lý và tình cảm họ bị sứt mẻ. Nhiều người chồng khó chịu vì vợ quá lo lắng và chú tâm vào tiền của, kết quả là đời sống hôn nhân gia đình trở nên không còn ý nghĩa. Con cái thiếu vắng tình mẹ. Không còn những bữa cơm thân mật. Không còn những nụ cười thân thương của cha hay của mẹ. Trong rất nhiều trường hợp, người ta đã nói với nhau, khuyên bảo nhau: “Đừng quá phí phạm sức khoẻ vì tiền bạc, để sau này khỏi phải hối hận dùng tiền bạc mua lại sức khoẻ!”. Nhưng có lẽ ít người thực hành lời khuyên này mặc dù vẫn cho đó là lời khuyên đúng.
 


Những rối loạn về tâm thần ảnh hưởng nhiều đến hạnh phúc hôn nhân của bạn. Ảnh minh hoạ

Phải thực tế với quan niệm và nhân sinh quan của con người ngày nay về hôn nhân mới thấy rõ cái nguy hiểm đang rình chờ trước mặt. Nhẹ nhất là cãi vã, ồn ào, gây xáo trộn cuộc sống. Nặng nề hơn đưa đến đổ vỡ và ly dị. Không chỉ người trong cuộc bị ảnh hưởng mà người thân như bố mẹ và con cái sau này cũng dễ có nguy cơ bị trầm cảm và các rối loạn khác…

Vượt qua trầm cảm hôn nhân

 
Để giải quyết tình trạng này, các nhà tâm lý học thường khuyên khi yêu nhau cần tìm hiểu kỹ, có câu ngạn ngữ “dễ đến dễ đi”, cần có những lớp học về kỹ năng làm vợ chồng trước khi cưới, giảng giải những điều cơ bản trong đời sống vợ chồng hay còn gọi là kỹ năng xử lý tình huống... Và chớ nên hiểu lầm rằng hôn nhân là đoạn kết của tình yêu mà thực ra hôn nhân mới chỉ là sự khởi đầu đầy chông gai cũng như lãng mạn của ái tình và cần một sự vun đắp liên tục của cả hai phía, tình cảm con người cũng như thời tiết lúc nắng lúc mưa mà ta phải biết thích nghi…

Không bao giờ có sự hoàn hảo, đã yêu thì phải biết chấp nhận tất cả cái tốt xấu của đối tác. Nếu gặp trục trặc thì các đôi uyên ương nên gặp các nhà chuyên môn, nhà cố vấn tâm lý, bác sĩ tâm thần và các bậc cha mẹ có nhiều kinh nghiệm để nhận được những lời chỉ bảo, giúp đỡ, không nên âm thầm chịu đựng. Có trường hợp chỉ cần trị liệu tâm lý như liệu pháp gia đình, liệu pháp tâm lý riêng cho cặp vợ chồng và đôi khi cũng cần đến kết hợp cả thuốc chống trầm cảm.


Nhiều người quên mất một điều rằng: Hôn nhân không phải sự kết thúc mà là sự khởi đầu. Ảnh minh hoạ

Hãy để những sở thích mới làm bản thân luôn bận rộn. Bạn có thể thấy nhàm chán và trống rỗng sau vài tháng bận rộn chuẩn bị đám cưới, vì vậy lựa chọn thích hợp lúc này là các lớp học nấu ăn hay kế hoạch tập thể dục thẩm mỹ.

Hãy nuôi dưỡng và chăm sóc cho cơ thể cùng tâm hồn bằng chế độ ăn uống hợp lý, tham gia các hoạt động thể chất để xua tan tình trạng u ám đang bủa vây.

Và cuối cùng, bạn hãy để một không gian riêng cho cả hai người để làm công việc của cá nhân mình. Đó là cách giúp bạn nhanh chóng xua tan sự trầm cảm sau cưới.
Thuỷ Anh tổng hợp


0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]