'Trần Dần là người cách tân thơ số 1'

Lần đầu tiên sau gần nửa thế kỷ im lặng trong bóng tối, tuyển tập Thơ Trần Dần sẽ được Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam liên kết với một nhà xuất bản để công bố. Dưới đây là cuộc trao đổi với nhà thơ Dương Tường, người biên soạn tuyển thơ.

15.578

Linh Liên - 

- Theo ông, công bố thơ Trần Dần vào lúc này liệu có thể tạo nên một “cú hích” bất ngờ không?

Có là một “cú hích” không thì chưa rõ... Nhưng tôi chỉ muốn đem tới cho người đọc một phần di cảo đã bị vùi sâu dưới lớp sơn dày của thời gian, của giai thoại, và của cả những ngộ nhận ngoài thơ... Thơ Trần Dần có nhiều chặng, mỗi chặng tôi chỉ chọn một số bài tiêu biểu. Những tác phẩm để được tham gia vào tuyển tập này cần đáp ứng một nguyên tắc: Có thể trình bày lại được bằng những cách đánh máy thông thường. Tất nhiên, chỉ một nguyên tắc đơn giản này đã loại bỏ ra ngoài phần lớn di cảo thơ Trần Dần, nhưng tôi không tìm được một cách trình bày nào khác. Về cấu trúc, tuyển Thơ Trần Dần được chia thành nhiều chương, vừa tuân theo trình tự thời gian (để đi theo những thăng trầm của thời cuộc đã để lại dấu ấn trong nhà thơ), vừa xáo trộn trật tự thời gian (để hệ thống lại những dòng thử nghiệm thơ và lưu ý những sự kiện mang tính then chốt trong toàn bộ tiến triển của chuyện thơ - chuyện đời)... Qua đó, người đọc có thể thấy được chân dung nhìn nghiêng của nhà thơ. Bởi vì lâu nay nhiều người vẫn nhìn nhận thơ Trần Dần và thơ của nhóm Nhân Văn – Giai Phẩm chủ yếu ở góc độ ngoài thơ, mà chưa đánh giá đúng mức ở góc độ văn chương.

- Tức là ông mới chỉ phác ra một chân dung thơ chưa trọn vẹn, mà đã muốn thay đổi cả một quan niệm?

Nhà thơ Trần Dần.

- Tuy là chưa trọn vẹn, nhưng theo tôi, cũng đủ để thấy được tầm vóc của một nhà thơ lớn. Ông ấy là người tận tụy với thơ hiếm có trong lịch sử thi ca hiện đại VN, và có thể coi là người cách tân thơ số 1. Một người dám đi đến tận cùng con đường cách mạng và cách tân thơ... Một người luôn đòi hỏi người làm thơ, trước hết, phải có chữ ký riêng của mình. Ông ấy luôn ham muốn vượt qua, hoặc ít nhất là khác đi với cái cũ, hoặc cái đã trở thành cái cũ, ở bên ngoài mình đã đành, lại còn liên tục tự làm mới với chính mình, tự vượt qua mình, mà lại làm điều ấy trong từng chi tiết, cho đến tận nét chữ chẳng hạn.

- Lâu nay, nhắc đến thơ Trần Dần, người ta đều tụng ca “tính hiện đại” hay “phẩm chất cách tân” của thi sĩ. Song không phải ai cũng có thể nói một cách rõ ràng và khoa học về điểm này... Ông nghĩ sao?

- Trần Dần đã tuyên ngôn “phải chôn Thơ Mới”. “Chôn Thơ Mới” không có nghĩa là sổ toẹt tất cả, mà là đặt Thơ Mới vào quá khứ. Không lẽ gì thơ của thời kỳ 1932-1945 đến bây giờ vẫn còn được coi là “mới”? Hãy xem Thơ Mới chỉ là một tiến trình có tính chất bước ngoặt để thơ ca VN phát triển. Vì vậy, Trần Dần luôn tâm niệm phải làm khác những người đi trước. Ông ấy không thích cái lối đèm đẹp của Thơ Mới, và cho rằng thơ ca có thể đi vào cả những cái thường nhật nhất, những cái khó thành thơ nhất, thậm chí cả những câu chữ như “vận tải can đảm lên mặt trận”, “đánh bốc với lịch sử”. Còn về thi pháp, từ chỗ ảnh hưởng thơ bậc thang của Maiakovski đến chỗ ông ấy từ bỏ ảnh hưởng đó như trong Mùa sạch. Về tư tưởng, thơ ông cập nhật với thời cuộc và có tính triết lý, ví dụ như: “Có những chân trời không có người bay/ Lại có những người bay không có chân trời”. Thơ ông ấy cũng mở ra nhiều bình diện, nhiều trường nghĩa... Đó là thơ, là họa, là nhạc, là tổng hợp và liên ngành... ở nhiều tầng, nhiều chiều, cả chiều thị giác lẫn thính giác...

- Trần Dần cũng tự nhận “thơ tôi là một cơn ác mộng”. Rất có thể, sẽ là “ác mộng” với độc giả muốn đi tìm nghĩa trước khi tìm cảm giác. Liệu có cực đoan quá không khi chữ không trói vào nghĩa, chữ không bôi vào chỗ trống của vô nghĩa, và cũng không cần phải tự dinh dưỡng bằng những thi đề rõ rệt?

- Thơ Trần Dần đương nhiên là khó hiểu. Nhưng chính ông ấy cũng nói về sự khó hiểu một cách hết sức giản dị: “Tất cả mọi giá trị chân thiện mỹ đều là khó hiểu”. Vạn sự khởi đầu nan... Thơ Trần Dần sẽ khiến nhiều người bỡ ngỡ. Phần lớn di cảo sẽ không giúp được gì cho những nhu cầu dễ hiểu, đại chúng, cho những thói quen ăn nhanh, đọc nhanh ngày càng phổ biến. Thế nhưng, nếu biết cách khai thác thì thơ Trần Dần chính là những “mỏ quặng” lớn. Vì thực sự ông đúng là cái mỏ lớn. Song, hiện tại, chúng ta mới chỉ đang rục rịch “thăm dò địa chất” cái mỏ đó...

- Sự thực, cho đến nay, sau khi một số văn nghệ sĩ trong nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm được phục hồi, cũng chưa có một công trình nghiên cứu nào thực sự toàn diện, khách quan và khoa học?

- Đáng lẽ ra Trần Dần và nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm có thể là một cái mốc thứ hai (sau Thơ Mới) trên tiến trình hiện đại hóa thi ca tiếng Việt. Nếu đánh giá đúng Nhân Văn - Giai Phẩm và Trần Dần thì có thể chúng ta phải viết lại sách giáo khoa văn học, và viết lại một chương trong lịch sử văn học VN giai đoạn 1955-1956. Song, hiện nay chưa ai làm việc đó vì còn nhiều dè dặt, nhiều e ngại...

- Theo ông, sau Trần Dần, đã có tín hiệu le lói nào cho một diện mạo thơ mới chưa?

- Những gương mặt đáng kể thì đã lộ rõ. Nhưng có bền hay không thì chưa biết... Người sáng tác luôn cần phản hồi từ dư luận. Thế nhưng cái lớn của Trần Dần là ông ấy vẫn lặng lẽ viết trong bao nhiêu năm mà không hề có một phản hồi nào. Một đống di cảo suốt 30 năm không đến được với độc giả, mà ông ấy vẫn cứ cặm cụi làm. Chưa bàn đến hiệu quả nghệ thuật hay tác động xã hội, nhưng thi sĩ thời nay chưa ai có được phẩm chất ấy. Còn xét ở góc độ con người cá nhân thì Trần Dần là người trung thực.

- Tức là người sáng tác cứ phải sống tử tế trước đã thì mới có thể viết tử tế được?

- Đúng vậy...

Linh Liên thực hiện

(Nguồn: Người Lao Động)

 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]