Tràn lan phần mềm spam đội lốt "giải pháp marketing"

Những phần mềm spam được bày bán tràn lan trên mạng, phớt lờ những quy định của pháp luật và làm phiền người dùng... Đáng nói là, chúng cũng chẳng mang lại hiệu quả kinh doanh thực sự cho các doanh nghiệp sử dụng.

15.5669

Với số lượng thuê bao di động khổng lồ như hiện nay, quảng cáo sản phẩm và dịch vụ của mình thông qua tin nhắn sms đang được nhận định là có khả năng truyền đạt ngay lập tức thông tin đến khách hàng. Và để có thể gửi được tin nhắn hàng loạt như vậy cũng không cần phải làm gì quá phức tạp.

Đáp ứng mọi nhu cầu về... "xả rác"

Khi tìm kiếm với các cụm từ có liên quan đến phần mềm gửi tin nhắn spam hay “giải pháp marketing qua tin nhắn”, hàng chục kết quả liên quan đến các công ty hay cá nhân cung cấp phần mềm này được trả về. 

Không chỉ có thể gửi tin nhắn sms, nhiều phần mềm còn có khả năng gửi tin nhắn qua các dịch vụ OTT như viber, zalo. Mức giá chủ yếu cho các phần mềm này thường dao động trong khoảng 1,5 triệu đồng với gói bản quyển sử dụng vĩnh viễn. 

Liên lạc với một trong những địa chỉ cung cấp phần mềm, khách hàng sẽ được nhân viên tư vấn khá cẩn thận về dịch vụ mà họ cung cấp. Khách hàng chỉ cần có một máy tính chạy hệ điều hành windows và một usb 3G là có thể thực hiện gửi tin nhắn hàng loạt. Việc mua phần mềm này khá đơn giản. Chỉ cần chấp nhận mức giá và thanh toán qua chuyển khoản hoặc tại chỗ, công ty này sẽ tiếng hành cài đặt phần mềm từ xa lên máy tính của khách hàng. Ngay cả khi người dùng có nhu cầu cài đặt lại hệ điều hành hoặc chuyển quyền sử dụng sang máy tính khác, công ty này cũng cam kết hỗ trợ ngay khi khách hàng có nhu cầu. 

Phần mềm được quảng cáo có thể vượt qua bộ lọc tin nhắn của các nhà mạng bằng cách tự thay đổi nội dung tin nhắn để tránh bị khoá sim gửi, có thể cài đặt tốc độ, thời gian gửi. Và cũng có thể tự động nhập danh bạ từ các định dạng văn bản khác nhau. Giá cho mỗi tin nhắn được gửi thành công nếu sử dụng sim sinh viên chỉ từ 10 đến 30 đồng.

Cũng theo tư vấn viên của công ty này, để tăng tốc độ gửi tin nhắn và giảm chi phí, khách hàng có thể sử dụng cùng lúc nhiều usb 3G. Khi được hỏi về danh sách số điện thoại thì nhân viên tư vấn cho biết không có danh sách này để bán cho khách hàng. Tuy nhiên khi mua phần mềm, công ty sẽ cung cấp cho khách hàng một phần mềm khác có chức năng tự quét số điện thoại từ các website, diễn đàn, ngoài ra chính nhân viên này cũng sẽ tặng thêm khách hàng một danh sách  khoảng vài chục nghìn số điện thoại do chính họ lập. 

Người dùng sau khi mua phần mềm nhắn tin sẽ được giảm giá 20% cho phần mềm thứ hai như phần mềm gửi email với các chế độ chăm sóc khách hàng tương tự. Đối với khách hàng là doanh nghiệp, công ty này cũng cẩn thận cung cấp cả hợp đồng mua bán mẫu để khách hàng tiện nghiên cứu.

Hiệu quả ít, hậu quả khôn lường

Rõ ràng việc khách hàng hiện nay đang nhận được quá nhiều tin nhắn quảng cáo ngoài ý muốn đã làm cho khách hàng mặc định đây là những tin nhắn rác. Hiện nay các sản phẩm, dịch vụ uy tín đã không còn sử dụng sms như một hình thức marketing.

Anh Đức, phụ trách marketing một hệ thống đào tạo cho biết: “trước đây thương hiệu mà mình đang làm việc cũng sử dụng sms là một kênh quảng cáo tới khách hàng. Thế nhưng trong 2 năm gần đây, tin nhắn quảng cáo xuất hiện quá nhiều và khách hàng cũng dần có ác cảm với những thương hiệu quảng cáo qua sms. Đến nay chúng tôi chỉ sử dụng sms để thông báo các thông tin cho những học viên hoặc đã đăng ký.”

Nhà nước cũng đã có những quy định về việc gửi tin nhắn quảng cáo đối với các tổ chức cá nhân qua Nghị định số 77/2012/NĐ-CP. Theo đó, các tổ chức cá nhân chỉ được gửi thư điện tử, tin nhắn quảng cáo đến người nhận khi có sự đồng ý một cách rõ ràng trước đó của người nhận và chỉ được gửi từ địa chỉ và hệ thống theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Bên cạnh đó, nhiều người dùng cho biết, từ sự "dị ứng" với các tin rác, các hình thức truyền thông kiểu spam này, họ cũng "ghét lây" đến các nhãn hàng và doanh nghiệp tiếp thị thô thiển như vậy.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]