Trăn trở cùng mô hình du lịch xanh

Dù đã xuất hiện một số mô hình hay nhưng việc phát triển du lịch xanh ở Huế đang gặp nhiều trở ngại; đặc biệt là vấn đề cơ chế, chính sách.

15.5911

Gắn du lịch với bảo vệ môi trường

Ở Huế, Khách sạn Saigon-Morin là đơn vị đầu tiên áp dụng mô hình tăng trưởng xanh, gắn với bảo vệ môi trường như ứng dụng năng lượng mặt trời, quản lý tiêu thụ điện, nước; tái sử dụng hoa, đồ vải, nguyên liệu thực phẩm, ưu tiên sử dụng hàng hóa địa phương, khuyến khích du khách tham gia bảo vệ môi trường... trong hoạt động kinh doanh. Mô hình vừa đem hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp, vừa góp phần bảo vệ môi trường, tuy nhiên, nó không mấy được nhân rộng ở Huế trong khi tại đây có hàng trăm khách sạn lớn nhỏ.

Hiện, Huế đã hình thành được 6 mô hình du lịch cộng đồng, gắn phát triển du lịch, tạo công ăn việc làm với bảo tồn di sản văn hóa và môi trường. Điển hình như mô hình du lịch cộng đồng gắn với làng cổ Phước Tích, làng hoa giấy Thanh Tiên. Tại Quảng Điền, mô hình “nông dân làm du lịch” bước đầu tạo được chuyển biến về ý thức làm du lịch cho một bộ phận người dân gắn với khai thác và bảo vệ nguồn lợi Tam Giang. Tương tự, tại thôn Hà Úc (Vinh Phú - Phú Vang), mô hình du lịch cộng đồng tại đây bước đầu xây dựng được một số tour, tuyến du lịch mới lạ như khám phá Tam Giang bằng xe đạp, tham quan danh thắng Túy Vân, di tích tháp Chăm Phú Diên, thưởng thức đặc sản Hà Úc... Đặc biệt, mỗi du khách tham gia tour sẽ trồng một cây xanh ven phá góp phần bảo vệ môi trường. Tại Nam Đông, mô hình du lịch cộng đồng bước đầu đã tập trung khai thác giá trị văn hóa bản địa, tài nguyên sinh thái theo hướng bền vững.

Ngoài quần thể di tích Cố đô, Huế có tiềm năng lớn về du lịch sinh thái, gắn với vườn quốc gia Bạch Mã, phá Tam Giang, đầm Cầu Hai... Riêng khu vực T.P Huế có sông Hương, cồn Hến, Dã Viên, sông Đông Ba, Kẻ Vạn, Bao Vinh... Các cấp chính quyền đang tập trung cải tạo môi trường sông Ngự Hà, hệ thống ao hồ trong Kinh thành, giải tỏa dân cư trên Thượng Thành, giảm mật độ cư dân khu vực Thành Nội... góp phần tích cực bảo đảm môi trường du lịch bền vững.

Chưa có cơ chế, chính sách

Theo T.S Trần Thị Mai, Thừa Thiên Huế đang sở hữu nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, có giá trị cao nhưng cũng rất nhạy cảm với tác động của môi trường. Tuy nhiên, nhận thức của người dân và các cơ sở kinh doanh về phát triển du lịch xanh còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, công tác qui hoạch, phát triển sản phẩm du lịch của tỉnh chưa đề cập đến việc đáp ứng nhu cầu du lịch xanh đang có xu hướng gia tăng. Đến nay, chưa có chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia chương trình xây dựng sản phẩm du lịch xanh. Riêng 6 mô hình du lịch cộng đồng nói trên chủ yếu được thành lập từ hỗ trợ của tổ chức SNV (Hà Lan) nên dự báo mô hình có nguy cơ khó phát triển khi dự án kết thúc. Đặc biệt, hầu hết mô hình này đang gặp một số khó khăn về hạ tầng cơ sở, năng lực hoạt động của người dân, dịch vụ lưu trú...

Dưới góc độ quản lý ngành, ông Phan Tiến Dũng, TUV - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao - Du lịch cho rằng, muốn giữ cho Huế một môi trường du lịch trong sạch, cần ưu tiên xây dựng chiến lược khuyến khích phát triển mô hình du lịch xanh; tạo cơ chế để cộng đồng tham gia; đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, nghiên cứu chính sách, mục tiêu cụ thể...

Điều đáng bàn là trong khi đợi cơ chế, kế hoạch cụ thể thì môi trường sống nói chung và du lịch Huế nói riêng đang báo động vấn nạn ô nhiễm rác thải. Trong khi các chuyên gia khuyên Huế nên phát triển du thuyền không động cơ trên sông Hương thì thực tế là tại hạ lưu, rác thải nhiều đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tour du lịch trên tuyến sông di sản này.
 


Báo Thừa Thiên Huế
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]