Trăn trở làng nghề

Quảng Nam là tỉnh có nhiều làng nghề, trong đó có 89 làng nghề truyền thống. Các làng nghề giải quyết gần 5.000 lao động với mức thu nhập ổn định.

0
Nhiều địa phương trong tỉnh đang tìm mọi cách để đầu tư làng nghề và tìm hướng đi thích hợp để các làng nghề truyền thống phát triển gắn với du lịch theo hướng bền vững. Trong đó, Điện Bàn là huyện đang có nhiều trăn trở với làng nghề hơn cả.

Ông Trần Úc- Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn cho hay, huyện có 6 làng nghề được Nhà nước công nhận làng nghề truyền thống, trong đó có làng đúc đồng Phước Kiều được Trung ương tôn vinh làng nghề tiêu biểu Việt Nam. Sản phẩm của các làng nghề truyền thống và các làng nghề mới đã được tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài nước.

Các làng nghề của huyện, như đúc đồng Phước Kiều, làng bánh tráng, làng mỳ Quảng Phú Triêm, làng chiếu Triêm Tây, làng trồng dâu nuôi tằm ươm tơ dệt lụa Bảo An, làng bê thui Cầu Mống, làng chế biến nước mắm Hà Quảng… đã giải quyết hàng ngàn lao động mỗi năm. Nhiều hộ gia đình bám trụ được với nghề và đã vươn lên làm giàu.

Làng nghề đúc đồng Phước Kiều ở Điện Phương, Điện Bàn đang được chính quyền quan tâm đầu tư để kết nối với tuyến du lịch Hội An - Điện Bàn - Mỹ Sơn.

Hiện nay, các làng nghề của Quảng Nam nói chung và huyện Điện Bàn nói riêng đang đối mặt với nhiều khó khăn. Sản phẩm các làng nghề làm ra có sức cạnh tranh kém, thế hệ trẻ không còn mặn mà với làng nghề vì thu nhập của lao động làng nghề còn thấp so với mặt bằng chung…".

Tuy vậy, việc đầu tư, phát triển các làng nghề truyền thống và các làng nghề mới đang được chính quyền địa phương và các cấp ngành của huyện quan tâm hàng đầu. Bởi, khi làng nghề được vực dậy sẽ giải quyết được công ăn việc làm ở khu vực nông thôn, đồng thời giữ được cái hồn và nét văn hóa truyền thống của làng nghề"- ông Úc nói.

Bà Lê Thị Lĩnh- Phó phòng Kinh tế- Hạ tầng Điện Bàn, cho biết, Đề án phát triển kinh tế- xã hội của huyện Điện Bàn đến 2015 và những năm tiếp theo xác định rõ, thế mạnh trong phát triển du lịch của huyện là du lịch làng nghề gắn với du lịch làng quê, du lịch văn hóa- lịch sử cách mạng. Do đó, việc đẩy mạnh khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống, làng nghề mới theo hướng gắn kết với phát triển du lịch là định hướng đúng nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá... Với việc quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự quyết tâm của các làng nghề, chúng tôi tin tưởng rằng làng nghề ở Điện Bàn sẽ phát triển khởi sắc hơn trong những năm tới.

Ông Úc cho rằng, để đưa các làng nghề vào khai thác phục vụ phát triển du lịch cần có sự phối hợp của các cấp ngành, doanh nghiệp và một trong những công việc quan trọng là Nhà nước cần quan tâm, giúp đỡ các làng nghề về cơ chế, chính sách phát triển, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là bản thân các làng nghề cũng phải cố gắng đứng dậy…

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]