Tranh chất liệu: Ngẫu hứng tìm điểm đến nghệ thuật

SKĐS - Ngày nay, trong hội họa, ngoài việc sử dụng chất liệu công nghiệp như sơn dầu, sơn tổng hợp, màu acrylic, màu nước...

0

Ngày nay, trong hội họa, ngoài việc sử dụng chất liệu công nghiệp như sơn dầu, sơn tổng hợp, màu acrylic, màu nước... thì giới họa sĩ còn có thể đưa những chất liệu “ngẫu hứng” vào tranh. Vải vụn, len, sỏi, sọ dừa khô, giấy cuộn, mùn cưa hay vỏ trứng... đều có thể mang đến những tác phẩm nghệ thuật đầy cảm xúc. Nhưng tranh chất liệu không phải lúc nào cũng được giới chuyên môn đánh giá cao.

Hòa sắc của thiên nhiên

Trong hội họa, tranh chất liệu là một nhánh nghệ thuật độc đáo, được tạo nên bằng việc ghép chất liệu theo khối hình và màu sắc để làm nên một bức tranh có hồn. Với tranh chất liệu, hầu hết màu sắc là màu tự nhiên vốn có của chất liệu và người làm tranh phải lựa chọn rất kỹ lưỡng. Thế mạnh của tranh chất liệu là tạo cảm giác rất chân thật. Những phong cảnh, sự vật được mô tả trở nên sống động hơn. Các dòng tranh của chất liệu bao quát toàn bộ mọi đề tài mà các loại tranh khác khó thể hiện. Có lẽ vì thế mà khi đã làm quen với dòng tranh này, người ta rất dễ đam mê và khó dứt ra được.

Một số dòng tranh chất liệu trên thị trường hiện nay chưa phải là thứ nghệ thuật đỉnh cao thuyết phục được số đông.

Khi làm tranh, tác giả rất hiếm khi phải nhuộm màu cho các chất liệu. Chẳng hạn riêng mùn cưa đã có nhiều màu khác nhau tùy vào chất gỗ và độ thô mịn của hạt. Vì thế, có loại mùn cưa cho sắc vàng tươi, có loại mang màu nâu thẫm, có loại lại óng ánh như ngọc trai… Hay như vỏ trứng vịt có màu trắng ngà, trứng gà có màu hồng phơn phớt, trứng chim cút lại mang hai sắc trắng và đen độc đáo… Trước khi đưa vào sử dụng, các chất liệu được xử lý bằng cách sấy hoặc phơi khô để đảm bảo trong quá trình sử dụng tranh không bị mốc mà màu sắc vẫn tươi và bền đẹp. Để thực hiện một bức tranh, việc đầu tiên là phải phác họa ý tưởng bằng bút chì. Trên bản phác thảo, người thực hiện dùng một chiếc bay nhỏ để phết hồ, sau đó dùng nhíp để gắp và gắn từng mảnh chất liệu nhỏ cho đến khi hoàn thành toàn bộ bức tranh. Bằng sự khéo léo, tỉ mỉ và chính xác, những mảnh vỏ cây xù xì có thể trở thành một thân cây chắc khỏe, vài cọng rơm có thể biến thành mái nhà vàng tươi, vài nhánh cây khô trở thành một vườn cỏ dại…

Hút người trẻ vì mới mẻ

Dễ hiểu vì sao tranh chất liệu ngày càng thu hút giới trẻ - những người luôn hào hứng với sự sáng tạo và những bất ngờ. Cách đây không lâu, 3 gương mặt trẻ đã tạo được sự chú ý trong giới hội họa bằng niềm đam mê với tranh chất liệu, đó là Nguyễn Đình Quân, Trần Huyền Chi và Nguyễn Thu Thảo. Họ kết hợp với nhau và lập nên nhóm OurWay với ý tưởng đưa những chất liệu thật từ cuộc sống vào tranh, đã mang đến những màn trình diễn chất liệu vô cùng ấn tượng. 3 họa sĩ trẻ từng giành được khá nhiều giải thưởng như giải Khuyến khích cuộc thi Khởi nghiệp cùng Kawai năm 2009 (giải thưởng do Câu lạc bộ Nhà Doanh nghiệp tương lai, Trường Đại học Ngoại Thương tổ chức) và giải Nhất cuộc thi Khởi nghiệp 2010 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Nguyễn Đình Quân cho biết: “Làm tranh chất liệu đòi hỏi người thực hiện phải rất công phu, kiên trì. Để có các nguyên liệu phù hợp, nhóm đã phải cất công đi tìm ở rất nhiều nơi. Muốn có được những vỏ ốc nhỏ xíu chỉ bằng đầu móng tay, chúng tôi lặn lội vào tận tỉnh Thanh Hóa. Ngay cả những thứ tưởng như không liên quan gì đến nghệ thuật như xác bèo khô, cỏ khô… cũng có thể trở thành thứ nguyên liệu quan trọng dùng để làm tranh của cả nhóm”. Theo Nguyễn Đình Quân, công đoạn khó nhất là lên ý tưởng cho từng sản phẩm bởi dòng tranh này đòi hỏi rất nhiều chi tiết tỉ mỉ và phải thể hiện bằng nhiều chất liệu khác nhau. Khi đã có được ý tưởng về bức tranh, người thực hiện phải lựa chọn các chất liệu phù hợp với từng chi tiết; còn màu sắc trong tranh hoàn toàn phụ thuộc vào gu thẩm mỹ của mỗi người. Chính vì thế mà các tác phẩm tranh chất liệu không có bức nào giống nhau, mỗi bức đều là một sự sáng tạo mới mẻ.

Hay chỉ là “đồ chơi”?

Hơi khác so với ý tưởng của OurWay, Thái Thị Kim Oanh - một nữ sinh ở Đà Nẵng lại có niềm đam mê với... sỏi. Những tác phẩm tranh sỏi của Oanh chất lượng không thua kém những họa sĩ có tay nghề, thậm chí Oanh còn đang dần chứng tỏ thực lực với loạt sản phẩm đẹp mê hồn. Trong khi đó, Nguyễn Quang Huy (SN 1990, TP. Hồ Chí Minh) lại có cách làm khác cho những bức tranh của mình khiến ai xem qua đều ngạc nhiên và bất ngờ. Hầu hết các sản phẩm của Huy đều được thực hiện trong lúc ngẫu hứng. Tranh Huy vẽ có sự “cộng tác” của tỏi, dây chun và rau quả rất dễ thương.

“Thực ra ý tưởng lần đầu đến với Huy khá ngẫu nhiên, vì hết giấy vẽ màu nước, không có gì chơi nên lấy dây thun ra nghịch, hí hoáy, thế là ra cái tranh đầu tiên”, Huy chia sẻ. Huy còn cho biết, vẽ tranh phải có... duyên và tùy thuộc vào cảm xúc vì có nhiều lần nhìn đâu cũng ra ý tưởng nhưng cũng có lần, ngồi cả ngày nghĩ chả được gì hay ho. Các bức vẽ của Huy dường như đã “chạm” vào trái tim của những người xem bởi tranh Huy vẽ dường như có chút gì đó gần gũi, lại có chút gì hài hước và dễ thương.

Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên môn, tranh chất liệu bằng sỏi hay... tỏi của Oanh và Huy có thể đạt đến một trình độ nghệ thuật nhất định nhờ ý tưởng, sự sáng tạo và độ khéo léo. Nhưng có lẽ tranh của họ chỉ phục vụ cho một đối tượng khán giả nhất định, chủ yếu là giới học sinh, sinh viên chứ không phải là thứ nghệ thuật đỉnh cao thuyết phục được số đông.

Làm tranh chất liệu không dễ, biến hóa nó thành nghệ thuật lại càng khó, chưa kể thị trường tranh nói chung hiện nay đang quá tải về lượng. Hơn nữa, độ bền cũng là một điểm yếu của dòng tranh chất liệu. Vì vậy, để dòng tranh này có thể đi vào lòng công chúng, người trong giới cần chú tâm hơn đến giá trị nghệ thuật và nghiên cứu cách bảo quản nó.

Quang Sơn

 

 

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]