Tránh ngộ độc vitamin A cho bé

Không ít phụ huynh tự ý cho bé uống vitamin A với suy nghĩ là giúp bé có đôi mắt sáng. Tuy nhiên điều này có thể khiến bé bị ngộ độc vitamin A.

0

Không ít phụ huynh tự ý cho bé uống vitamin A với suy nghĩ là giúp bé có đôi mắt sáng. Tuy nhiên điều này có thể khiến bé bị ngộ độc vitamin A.

Triệu chứng

Ngộ độc vitamin A ở bé chia làm 2 loại:

Ngộ độc mạn tính: Dùng vitamin A liều cao kéo dài có thể dẫn đến ngộ độc vitamin A. Các triệu chứng đặc trưng là: mệt mỏi, dễ bị kích thích; chán ăn, sút cân, nôn, rối loạn tiêu hóa; sốt, gan - lách to, da bị biến đổi, rụng tóc, tóc khô giòn, môi nứt nẻ và chảy máu; thiếu máu, nhức đầu, canxi huyết cao, phù nề dưới da, đau ở xương và khớp.

Ở bé, các triệu chứng ngộ độc mạn tính còn gồm cả tăng áp lực nội sọ (thóp căng), phù gai mắt, ù tai; rối loạn thị giác, sưng đau dọc các xương dài. Khi ngừng dùng vitamin A thì các triệu chứng cũng mất dần nhưng xương có thể ngừng phát triển do các đầu xương dài đã cốt hóa quá sớm.

Ngộ độc cấp: Uống vitamin A liều rất cao dẫn đến ngộ độc cấp với các dấu hiệu buồn ngủ, chóng mặt hoa mắt, buồn nôn, nôn; dễ bị kích thích, nhức đầu, mê sảng và co giật, tiêu chảy... Các triệu chứng xuất hiện sau khi uống từ 6 tới 24 tiếng.

Bổ sung vitamin A đúng cách cho bé dưới 5 tuổi

Vai trò của vitamin A: Vitamin Avi chất quan trọng và cần thiết cho sự tăng trưởng của cơ thể, phòng các bệnh về mắt và tăng khả năng miễn dịch. Cụ thể, thiếu vitamin A khiến bé dễ mắc các bệnh về thị giác (khô mắt, đau mắt đỏ, lẹo mắt, cận thị…), chậm lớn cả về cân nặng lẫn chiều cao và dễ bị nhiễm trùng nặng ở đường hô hấp và tiêu hóa.

Nguyên nhân bé dưới 5 tuổi thiếu vitamin A: Nguyên nhân chủ yếu khiến tỷ lệ vitamin A trong huyết thanh thấp ngoài lý do khẩu phần thức ăn hằng ngày của bé chưa khoa học, còn do bản thân sữa mẹ cũng thiếu vi chất này.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm (Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia), thậm chí ngay bé dưới 6 tháng tuổi (tầm tuổi mà sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng duy nhất), tỷ lệ vitamin A trong huyết thanh cũng thấp, chứng tỏ sau khi sinh cơ thể người mẹ không được bổ sung vitamin A đầy đủ.

Thực phẩm chứa nhiều vitamin A: Vitamin A có nhiều trong các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật (váng sữa, sữa nguyên chất, gan, thịt, cá, trứng,…); tiền Vinatmin A có trong rau xanh (rau muống, rau dền, mồng tơi, rau đay…) hoặc các loại rau củ có màu vàng đậm (carrot, súp lơ xanh, bí đỏ, xoài, đu đủ, gấc…).

Các mẹ cần kết hợp các thực phẩm này khi chế biến món ăn cho bé để giúp bé hấp thu vitamin A hay tiền chất vitamin A một cách hiệu quả. Ngoài ra, mẹ nên chú ý khẩu phần ăn của bé không thể thiếu chất béo vì vi chất này tan trong dầu, dầu mỡ sẽ khiến bé hấp thụ vitamin A tốt trong thực phẩm.

Lượng vitamin A và cách bổ sung phù hợp:

-  Đối với bé dưới 6 tháng tuổi, bé cần được bú sữa mẹ, đặc biệt là sữa non để có đủ vitamin A cần thiết cho cơ thể. Các mẹ sau khi sinh trong vòng một tháng cần đ­ược bổ sung vitamin A liều cao 200.000 IU, theo chỉ dẫn của bác sĩ.

-  Đối với bé bị suy dinh dưỡng, bé trùng tái phát nhiều lần, tiêu chảy, viêm đường hô hấp, sởi cần đ­ược uống 1 viên vitamin A liều cao (200.000 IU), theo chỉ dẫn của bác sĩ.

-  Đối với bé từ 6 tháng đến 5 tuổi, lượng vitamin A cần được bổ sung trong khẩu phần ăn hằng ngày và trong mỗi chiến dịch cho bé uống vitamin cho bé hằng năm của quốc gia.

Sau đây là thông tin về lượng vitamin thích hợp dành cho mỗi độ tuổi của bé trong giai đoạn đầu đời:

Bé 6-11 tháng: Lượng vitamin A mỗi ngày: 1.667 IU. Lượng vitamin A mỗi chiến dịch: 100.000 IU (1/2 viên).

Bé 12- 35 tháng: Lượng vitamin A hàng ngày: 1.000 IU. Lượng vitamin A mỗi chiến dịch: 200.000 IU (cả viên).

Bé 36-59 tháng: Lượng vitamin A mỗi ngày: 1.320 IU. Lượng vitamin A mỗi chiến dịch: 200.000 IU (cả viên).

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]