Tránh sai lầm khi chăm sóc rốn trẻ sơ sinh

Việc chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh, nhất là các kỹ năng, biện pháp xử lý nhiễm trùng rốn hết sức quan trọng, bởi nếu chăm sóc rốn không đúng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của bé.Bác sĩ Ngô Thị Bạch Vân (Trưởng khoa sơ sinh, bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ) cho biết

0
>
 
Hằng năm, Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ tiếp nhận và điều trị cho nhiều trẻ bị nhiễm trùng rốn. Một số trường hợp rất nặng, khó điều trị và để lại di chứng như: nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ, vàng da... mà nguyên nhân là do trẻ chưa được sự chăm sóc rốn đúng.
 
Sai lầm mà các bậc phụ huynh thường mắc phải khi chăm sóc rốn cho trẻ là: không dám đụng vào rốn của trẻ, chờ đến khi trẻ rụng rốn mới đụng đến; rắc tiêu lên rốn khi rốn rụng để làm ấm bụng trẻ; mang băng rốn quá kín, kéo dài 2-3 tháng mới mở ra... Những thói quen này đã ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ.
 
Chăm sóc rốn cho trẻ là việc rất quan trọng. Đó là một quá trình liên tục, phải làm từ ngay sau sanh tới khi rốn rụng, lên sẹo khô. Phải bảo đảm vô khuẩn khi cắt rốn và làm rốn. Dây rốn bình thường gồm: một bao xơ bên ngoài, mô liên kết nhầy 1 tĩnh mạch và 2 động mạch. Sau khi thai nhi được đưa ra khỏi bụng mẹ, các bác sĩ sẽ cắt, buộc và băng rốn trẻ lại. Rốn bình thường rụng sau 5-10 ngày (trung bình 7 ngày), do hiện tượng hoại tử khô của các mô trên và hiện tượng bốc hơi khô đi của mô nhầy. Vì vậy, việc để hở rốn sau khi mở kẹp Barr là hết sức quan trọng.
 

Nhân viên điều dưỡng Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh. Ảnh: B.NG

Nếu người mẹ vẫn ở tại các cơ sở y tế thì việc chăm sóc rốn chủ yếu do các bác sĩ, điều dưỡng viên thực hiện. Nếu sinh thường, không có nguy cơ, sản phụ được thầy thuốc cho về nhà tự theo dõi tiếp. Nếu sản phụ và bé được đưa về nhà thì việc chăm sóc, theo dõi để phát hiện các bất thường của rốn lại do chính các sản phụ hoặc người nhà sản phụ thực hiện. Trong từng hoàn cảnh cụ thể, việc chăm sóc rốn sẽ được thực hiện như sau:

- Tại Khoa Sản: sau khi cắt cuống rốn, rốn được kẹp lại bằng kẹp Barr và chăm sóc bằng povidine 1-2 %, 1 lần/ ngày. Mở kẹp rốn sau 24-48 giờ (khi mặt cắt rốn khô); nên để hở rốn.

-  Tại nhà: hằng ngày, nên rửa rốn bằng dung dịch cồn 70% với bông sạch. Để thoáng, không băng rốn sau khi mở kẹp rốn; dùng bông sạch tẩm cồn 700 lau nhẹ nhàng từ chân rốn lên dần. Lặp lại như trên từ 2-3 lần. Sát trùng rộng da xung quanh rốn.

-  Tại Khoa Sơ sinh của bệnh viện: sử dụng dung dịch povidine 2% (dung dịch povidin 10% 1ml pha 4ml nước muối sinh lý 0.9%), bông, que vô trùng để chăm sóc rốn cho trẻ. Nên mở kẹp rốn sau mặt cắt khô và để thoáng.

Nên chú ý, việc tắm, lau mình, chăm sóc rốn cho trẻ không ảnh hưởng đến rốn nhưng phải để rốn khô thoáng sau chăm sóc. Tránh rắc tiêu lên rốn trẻ sau khi rụng rốn; không rắc bột kháng sinh, không bôi thuốc đỏ vào rốn; không đắp lá cây, xác sinh vật... kể cả thuốc lên rốn trẻ. Nếu trong quá trình chăm sóc, thấy rốn rỉ máu, chảy máu (cả khi rốn chưa rụng hoặc khi rốn đã rụng), rốn hôi, chảy nước màu vàng, rốn sưng đỏ, có mủ, rốn có u hạt to, không khô... cần đưa ngay trẻ tới cơ sở y tế. Tại các cơ sở y tế, tùy từng trường hợp, trẻ sẽ được khâu buộc lại rốn, dùng vitamin K chống chảy máu, kháng sinh chống nhiễm khuẩn...

Tóm lại, khi chăm sóc rốn cho trẻ, cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, điều dưỡng viên; theo dõi thường xuyên để phát hiện và xử trí sớm các trường hợp bất thường, tránh được các biến chứng không đáng có.
 
Theo Báo Cần Thơ
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]