Tránh tai biến tim mạch trong ngày Tết

Năm nào cũng thế cứ vào dịp Tết, tỷ lệ bệnh nhân nhập viện do tăng huyết áp, bệnh mạch vành đều tăng đột biến.

15.6065
Lý do vì Tết đúng vào mùa lạnh, cộng thêm ăn uống không kiểm soát, vui quá độ, đi lại nhiều, uống rượu bia...
 
Số bệnh nhân tim mạch cấp cứu thường tăng vào trong và sau Tết. Ảnh minh họa: BV
Dưới đây TS Dương Đức Hùng, Trưởng đơn vị phẫu thuật tim mạch, Viện Tim mạch Bạch Mai và ThS Ngô Chí Hiếu, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, BV Tim Hà Nội đưa ra một số lời khuyên giúp hạn chế tai biến tim mạch trong ngày Tết:
1. Ăn uống, nghỉ ngơi phù hợp

Trong những ngày Tết, ăn uống không điều độ là điều khó tránh khỏi với mọi người nói chung và bệnh nhân mắc bệnh tim mạch nói riêng. Người bệnh cần xác định mình là đối tượng có nguy nên cần tiết chế, ăn uống, vui chơi có chừng mực. Cố gắng giữ sinh hoạt hằng ngày ít bị tác động, xáo trộn nhất.

Cái gì cũng phải có chừng mực, không nên quá đà, uống rượu đến mức say xỉn, nôn mửa. Sau mỗi đợt say, cơ thể bị tàn phá ghê gớm, ảnh hưởng đến thần kinh, gan, tim... Nếu xét nghiệm chức năng gan sau uống say, có lẽ sẽ không ai dám uống nhiều.
2. Cần có biện pháp phòng
 
Ngày Tết thường rét, vì thế đối với bệnh nhân tim mạch đây là một yếu tố thuận lợi dễ dẫn đến biến chứng tim mạch. Vì thế, một điều quan trọng là cần đảm bảo đủ ấm. Đang ngồi trong nhà, đi chúc Tết ra ngoài trời lạnh, cộng thêm ít rượu, đây là điều kiện dễ khiến huyết áp tăng đột biến. Chưa kể các chất kích thích khác như rượu, chè, cafe làm thay đổi tác dụng thuốc đều cần phải hạn chế.

3. Không quên uống thuốc

Thuốc là một điều không thể thiếu đối với các bệnh nhân tim mạch nói chung, đặc biệt là những bệnh nhân mắc chứng tăng huyết áp, suy tim, tiền sử mắc bệnh mạch vành... Bình thường đang uống thuốc thì trong những ngày Tết này càng đặc biệt lưu ý, uống thuốc đúng, đều đặn.

Chuẩn bị thuốc đầy đủ và nhớ uống đều đặn trong những ngày Tết theo đơn của bác sĩ sẽ giúp cho các bệnh nhân tim mạch ổn định.

4. Đừng ngại đi khám

Khi có các biểu hiện bất thường như: đau ngực, hồi hộp, cảm giác ngạt thở, khó thở, chảy máu lâu cầm... thì cần đến cơ sở y tế ngay. Nếu mặt mũi đỏ bừng lên thì đừng nghĩ đó là do rượu bia mà hãy kiểm tra huyết áp.

Đừng ngại đi khám, ngày nghỉ Tết nhưng các bệnh viện vẫn có bác sĩ túc trực. Vì thế nếu có bệnh thì nên đến bệnh viện, chứ không đợi bệnh nặng lên mới đến thì đã muộn.

5. Một số lưu ý với từng nhóm bệnh

- Với bệnh nhân tăng huyết áp thì lưu ý ăn uống tránh quá nhiều đạm, mỡ, các chất mặn. Kiểm tra bằng máy đo huyết áp chuẩn, đo ít nhất 2 lần một ngày, cách nhau 10-15 phút, đo khi nghỉ ngơi. Nên đo vào một giờ nhất định trong ngày.

- Bệnh nhân có tiền sử mạch vành thì cần kiểm soát và theo dõi sát, dùng thuốc theo chỉ định, lưu ý thuốc chống đông và thuốc giãn mạch vành. Không ăn quá nhiều rau, mỡ do làm ảnh hưởng tới tác dụng của thuốc chống đông.

- Với người có bệnh lý van tim, mang van nhân tạo thì nên nhớ dùng thuốc chống đông, chống rối loạn nhịp đều, đúng giờ. Nên kiểm tra đông máu, các xét nghiệm tổng thể trước và sau Tết để điều chỉnh thích hợp.

- Bệnh nhân rối loạn mỡ máu thì nên hạn chế tối đa thực phẩm nhiều mỡ, các phủ tạng động vật...

AloBacsi.vn
Theo Phương Trang - VnExpress

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]