Trao đổi kinh nghiệm về ngành dệt may tại Mátxcơva

0
Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga đã tổ chức cuộc gặp các doanh nghiệp hoạt động trong ngành dệt may nhằm trao đổi và phổ biến kinh nghiệm hoạt động cũng như chấn chỉnh những mặt yếu kém của lĩnh vực này.

Phát biểu khai mạc cuộc gặp, Công sứ Phạm Thị Ngọc Bích, Trưởng ban Công tác cộng đồng, đã báo cáo tóm tắt về tình hình xử lý hậu quả vụ cháy xưởng may tại Egorevsk thuộc ngoại ô Mátxcơva vào ngày 11/9 vừa qua.

Tính đến nay, Ban công tác cộng đồng của Đại sứ quán phối hợp với các cơ quan chức năng của chính quyền địa phương đã giải quyết ổn thỏa hậu quả vụ cháy, đưa thi hài và di hài 14 nạn nhân về nước, đưa một người bị thương nặng về tiếp tục điều trị ở Việt Nam, cũng như phát động quyên góp ủng hộ các nạn nhân.

Tính đến ngày 7/10, tổng số tiền quyên góp được lên tới hơn 120.000 USD và đã được sử dụng đúng mục đích.

Thay mặt Đại sứ quán, bà Phạm Thị Ngọc Bích đã biểu dương tinh thần tích cực của các đơn vị và cá nhân cộng đồng trong việc tham gia khắc phục hậu quả vụ cháy, cảm ơn bà con người Việt đã tương thân tương ái ủng hộ vật chất và chia sẻ nỗi đau với gia đình các nạn nhân.

Tại cuộc gặp, ông Vũ Bảo,Tổng Giám đốc Công ty may Liva, một trong những công ty may hàng đầu của người Việt tại Liên bang Nga, đã nêu những kinh nghiệm về chuẩn bị cơ sở hạ tầng, tổ chức đời sống vật chất và chăm lo đời sống tinh thần của công nhân cũng như quan hệ với chính quyền địa phương.

Ông Đỗ Quý Dương, Chủ tịch Hội dệt may Việt Nam tại Nga, đã tập trung vào hai vấn đề nóng gồm phòng chống cháy nổ, bảo đảm an toàn tính mạng cho công nhân và bảo đảm để công nhân yên tâm làm việc.

Ông Trần Đăng Chung, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Liên Nga, phát biểu trên danh nghĩa chủ doanh nghiệp may, đã nêu đặc điểm tình hình nền công nghiệp nhẹ của Nga, cụ thể là ngành dệt may, để các doanh nghiệp Việt Nam có sách lược kinh doanh phù hợp như chú trọng xây dựng thương hiệu...

Nhiều ý kiến của các đại biểu khác tập trung phê phán những chủ xưởng để công nhân làm việc và sinh hoạt trong điều kiện không bảo đảm vệ sinh và an toàn, trả lương không tương xứng và trả lương chậm, cạnh tranh không lành mạnh.

Các đại biểu đã tập trung thảo luận về các biện pháp khắc phục tình trạng này và chấn chỉnh hoạt động của lĩnh vực dệt may người Việt tại Nga./.


0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]