Theo khảo sát của Trung tâm Dinh dưỡng TP. HCM về đặc điểm khẩu phần của 360 học sinh 2 trường tiểu học tại TP. HCM là Hồ Thị Kỷ (quận 10) và Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi) cho thấy, lượng tiêu thụ thịt các loại trung bình mỗi ngày lần lượt gần 160g và gần 107g, trong khi khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng chỉ khoảng 50g/ngày. Tức là khẩu phần thịt đã gấp 2 đến 3 lần so với mức khuyến cáo dinh dưỡng. Trong khi ngược lại, lượng rau tiêu thụ rất ít.

Tình trạng trẻ béo phì tăng cao

Riêng rau các loại, Bộ Y tế khuyến nghị học sinh tiểu học nên ăn 200g - 300g rau mỗi ngày. Tuy nhiên, kết quả khảo sát khẩu phần rau hàng ngày trung bình của học sinh 2 trường nói trên chỉ gần 170g. Mặc dù về mặt dinh dưỡng, rau cung cấp nhiều vitamin và chất xơ. Trẻ thiếu vitamin dễ có nguy cơ chậm phát triển thể chất, chậm chạp, hay buồn ngủ… Khảo sát còn cho thấy tất cả học sinh ăn đủ ba bữa chính (sáng, trưa và chiều tối). Tuy nhiên, bữa ăn chiều tối của học sinh cung cấp quá nhiều năng lượng làm tăng quá trình tích lũy mỡ vào cơ thể, dẫn đến nguy cơ thừa cân, béo phì…

Cứ 10 người trưởng thành và học sinh phổ thông thì xấp xỉ 3 người bị béo phì

GS. TS Lê Thị Hợp, Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho biết tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi ở TP. HCM đã gia tăng gấp 3 lần trong hơn 10 năm qua, từ 3,7% (năm 2000) lên 11,5% (năm 2013) và tỷ lệ thừa cân béo phì ở học sinh phổ thông tại TP. HCM tăng gấp đôi, từ 11,6% (năm 2002) lên 21,9% (năm 2009).

Như vậy, tính ra cứ 10 người trưởng thành và học sinh phổ thông đã có xấp xỉ 3 người bị béo phì. Đối với trẻ mầm non, nghiên cứu của cử nhân Mai Thị Mỹ Thiện (Trung tâm Dinh dưỡng TP. HCM) và cộng sự về thừa cân béo phì ở trẻ mầm non cho thấy 47% trẻ mầm non ở nội thành bị thừa cân béo phì do hầu hết đều thuộc gia đình khá giả, ăn nhiều thức ăn giàu dinh dưỡng và chất béo.

Tường Lâm – Theo healthplus.vn