Trẻ bị suy hô hấp phải làm sao?

Trẻ thở nông, nhanh không đều, da tím tái, co kéo lồng ngực là những biểu hiện của bệnh suy hô hấp.

15.6
Khi thấy trẻ có những biểu hiện này các mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra.

Biểu hiện của trẻ bị suy hô hấp

Sau khi trẻ lọt lòng mẹ, các cơ quan nội tạng bắt đầu hoạt động và phối hợp rất nhịp nhàng để duy trì chức năng hô hấp. Nếu khả năng thích ứng đó bị rối loạn thì ở trẻ sẽ xuất hiện những triệu chứng suy hô hấp. Đây là triệu chứng của nhiều bệnh không chỉ ở hệ hô hấp mà còn có thể ở tim mạch, màng não, hoặc chỉ đơn thuần do trẻ bị hạ thân nhiệt, hạ đường huyết...

Theo dõi trẻ, nếu thấy một trong những triệu chứng sau thì có thể trẻ đang trong tình trạng suy hô hấp:

- Rối loạn nhịp thở: Quan sát và đếm nhịp thở. Trẻ thở nông, nhanh không đều, nhịp thở trên 60 lần/phút.

- Màu sắc da: Da trẻ bị tím hoặc tái. Tím tái toàn thân hoặc tím quanh môi và tứ chi.

- Trẻ khó thở, co kéo lồng ngực và các cơ liên sườn, lõm xương ức. Di động của ngực và bụng không nhịp nhàng theo nhịp thở. Cánh mũi phập phồng có tiếng rên ở thì thở ra.

Trẻ thở nông, nhanh không đều, da tím tái, co kéo lồng ngực là biểu hiện của bệnh suy hô hấp (Ảnh minh họa)

Các yếu tố nguy cơ

- Sinh non: Sinh non là yếu tố quan trọng nhất liên quan đến suy hô hấp. Tế bào phế nang loại 2 có số lượng ít cho đến tuần lễ thứ 34. Do đó, suy hô hấp ít gặp ở trẻ sinh sau 34 tuần.

Trẻ sinh non (nhất là trẻ sinh cực non), do thiếu surfactant và cấu trúc phổi chưa đầy đủ (các phế nang chỉ bắt đầu hình thành từ tuần lễ thứ 30); sự trao đổi khí có thể không hiệu quả vì nó xảy ra chủ yếu qua các tiểu phế quản trong khi các cơ hô hấp chưa phát triển đầy đủ và lồng ngực mềm làm phổi dễ bị xẹp.

- Yếu tố di truyền: Khi một bà mẹ sinh con non tháng bị suy hô hấp, cơ hội lần sinh sau cũng non và bị suy hô hấp lên đến 90%. Suy hô hấp chiếm tỷ lệ cao ở trẻ da trắng hơn trẻ da đen. Trẻ nam thường gặp và bị suy hô hấp nặng hơn trẻ nữ.

- Mẹ bị tiểu đường: Ðường huyết của mẹ cao dẫn đến nồng độ Insulin của thai cao. Insulin làm chậm trưởng thành tế bào phế nang loại 2, dẫn đến tần suất sinh trẻ suy hô hấp ở bà mẹ tiểu đường cao gấp 6 lần bà mẹ không tiểu đường.

- Tổn thương chu sinh: Ngạt và xuất huyết trước sinh làm tăng nguy cơ suy hô hấp. Thiếu oxy máu và toan máu ức chế tổng hợp surfactant. Thiếu oxy máu và tụt huyết áp phá hủy tế bào phế nang loại 1 và mao mạch phổi.

Tổn thương hàng rào phế nang - mao mạch dẫn đến phù phổi, từ đó làm suy giảm chức năng surfactant. Hạ thân nhiệt gây thiếu oxy máu và toan máu, do đó cũng ức chế chức năng surfactant.

- Sinh mổ: Sinh mổ khi bà mẹ chưa chuyển dạ kèm tỷ lệ suy hô hấp ở trẻ sơ sinh cao. Chuyển dạ phóng thích các nội tiết tố nhóm catecholamin và steroid giúp kích thích sản xuất và phóng thích surfactant và gây tăng tái hấp thu dịch phổi qua hệ bạch huyết phổi. Do đó trẻ sinh mổ lúc bà mẹ chưa chuyển dạ sẽ thiếu surfactant và có lượng dịch trong phổi cao.

Điều trị cho trẻ bị suy hô hấp

Khi trẻ bị suy hô hấp, cơ thể bị thiếu dưỡng khí, nếu không được khắc phục sẽ có hậu quả nghiêm trọng. Trẻ phải được khám và chẩn đoán chính xác để có cách xử lý thích hợp.

Trong thực tế, có những trường hợp suy hô hấp không thể điều trị khỏi bằng nội khoa mà phải giải quyết bằng phẫu thuật hoặc thủ thuật cấp cứu, chẳng hạn như tắc thực quản - rò khí thực quản, thoát vị cơ hoành, tràn khí màng phổi.

Trong lúc chuẩn bị đưa trẻ đến bệnh viện, cần nhanh chóng thông đường thở, đặc biệt là đối với trẻ suy thở do sặc sữa hoặc sặc đờm, dãi. Dùng ngón tay quấn khăn sô lau sạch miệng và họng.

Nhanh chóng dùng miệng hoặc dụng cụ hút mũi cho trẻ. Phải làm nhanh và nhẹ nhàng, tránh làm tổn thương niêm mạc miệng. Nới rộng tã, áo để trẻ dễ thở. Phải giữ ấm bằng chăn, túi nước ấm, chú ý không được làm bỏng trẻ. Bế trẻ ở tư thế đầu hơi cao, ngửa cho dễ thở.

Khi chăm sóc trẻ nên cho trẻ ăn bằng miệng, ăn thành nhiều bữa, nhỏ giọt và chậm. Năng lượng cần thiết cho trẻ khi này cần tăng thêm 30-50% so với trẻ bình thường để bù đắp tránh bị kiệt sức, tăng hô hấp…

Để phòng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh, ngoài việc phát hiện sớm các bệnh lý, yếu tố chăm sóc nuôi dưỡng cũng rất quan trọng. Không được để trẻ bị lạnh, giữ trẻ ở nhiệt độ ngoại cảnh 27-280C, nhất là vào mùa đông.

Bảo đảm bú mẹ tốt, cho trẻ bú theo nhu cầu nhưng nếu trẻ ngủ lâu quá 3h không dậy thì phải đánh thức dậy cho bú. Nhiều bà mẹ thấy con ngủ say cứ để cho ngủ, có khi 5-6h liền. Như vậy trẻ sẽ bị đói, bị hạ đường huyết, hạ thân nhiệt và có thể dẫn đến suy thở.

Theo Song Ngư  - Gia đình Việt Nam

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]