Trẻ con cũng bị viêm khớp

Khi bị viêm khớp mãn tính, trẻ thường sốt, mệt mỏi, đau nhức cơ toàn thân và các triệu chứng này không giảm khi dùng aspirine liều thông thường.

0
Viêm khớp mạn tính trong độ tuổi thiếu niên là một trong những bệnh phổ biến nhất ở lứa tuổi này. Bệnh có thể gây ra những tổn thương ở màng ngoài tim, các mạch máu trong và ngoài tim, viêm cơ tim.
 
5-15 tuổi dễ mắc bệnh
 
Đây là nhóm bệnh tự miễn dịch, nguyên nhân gây bệnh chưa rõ, được định nghĩa là tình trạng viêm khớp mạn tính kéo dài ít nhất 6 tuần, khởi phát bệnh trước 16 tuổi. Bệnh thường khởi phát sau khi nhiễm virut, Chlamydia mycoplasma, Streptococus, Salmonella, Shigella.
 
Khi bị viêm khớp mãn tính, trẻ thường sốt, mệt mỏi, đau nhứctoàn thân và các triệu chứng này không giảm khi dùng aspirine liều thông thường. Trẻ có thể bị nổi mẩn đỏ ở thân mình và các gốc chi, nhưng các mẩn đỏ này mất rất nhanh. Triệu chứng viêm khớp có thể xảy ra ngay từ đầu hay sau vài ngày, thường là trẻ bị sưng đau các khớp cổ tay, khớp gối và mắt cá chân. Ở trẻ lớn thường là thể viêm ít khớp, chủ yếu ở một vài khớp to như khớp gối, khuỷu tay, háng, nhưng cũng có thể gặp ở khớp thái dương hàm và khớp cổ. Nơi khớp sưng thấy phù nề, sờ ấm nhưng không đỏ và ít đau. Khi sụn khớp đã bị dính và xơ thì khớp trở nên cứng và hạn chế sự vận động kèm theo các cơ ở chi đó bị teo.
 
Một ca can thiệp cho trẻ bị dính khớp tại BV Nhi TƯ. Ảnh: P.Ninh.
 
Các tổn thương khác cũng có thể gặp như trẻ bị nổi hạch, gan lách to, viêm đa màng như tràn dịch màng phổi,viêm màng tim hay viêm cầu thận.
 
Theo các chuyên gia tim mạch, trên 38% trẻ bị viêm khớp mạn tính có biểu hiện các bệnh về tim mạch như: viêm cơ tim, bệnh van tim... Đặc biệt là những bệnh nhân bị tổn thương khớp lan rộng, viêm đa khớp và rối loạn miễn dịch. Những bệnh nhân này tập trung chủ yếu ở hai nhóm tuổi chính là 5 - dưới 10 tuổi và nhóm 10 - 15 tuổi. Trong đó hơn 10,9% bị viêm cơ tim, 10,9% mắc bệnh van tim với tổn thương van hai lá chủ yếu, 9,1% rối loạn dẫn truyền.
 
Dinh dưỡng tốt, ngủ đủ
 
Khi mắc bệnh, bệnh nhân cần phải được khám và điều trị của bác sĩ chuyên khoa khớp vì có thể trẻ bị thể bệnh nặng gây nguy hiểm. Mục đích của điều trị là kiểm soát tiến triển của bệnh càng sớm càng tốt, nhằm hạn chế đến mức tối đa những thương tổn gây phá hủy và biến dạng khớp. Điều trị bao gồm các biện pháp không dùng thuốc (vật lý trị liệu, duy trì sinh hoạt thường ngày), dùng thuốc và điều trị ngoại khoa.
 
Vật lý trị liệu nhằm duy trì đến mức tối đa tầm vận động của khớp, tránh cứng khớp, dính khớp. Có thể dùng các biện pháp như sóng ngắn, tia hồng ngoại, tắm suối khoáng, tập các bài tập phục hồi chức năng vận động khớp... Tuy nhiên trong thời gian đau nhiều có thể tạm thời bất động khớp nhưng cần lựa chọn tư thế sao cho giữ được biên độ vận động lớn nhất.
 
Cố gắng duy trì các sinh hoạt thường ngày như khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động xã hội, học tập ở trường lớp bình thường như những đứa trẻ khác. Tuy nhiên trong những đợt tiến triển nên cho trẻ nghỉ ngơi, chế độ dinh dưỡng tốt và đặc biệt có giấc ngủ đầy đủ.
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]