Trẻ hay nói dối, bố mẹ phải làm sao?

Nói dối là tình trạng khá phổ biến ở trẻ em. Tùy thuộc vào từng độ tuổi mà mức độ nói dối cũng khác nhau. Nếu cha mẹ không kịp thời tìm hiểu nguyên nhân, có cách “hóa giải” đúng, thói quen nói dối sẽ ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách của trẻ sau này.

15.5916

Bé Phong, 5 tuổi chơi đá bóng trong nhà làm vỡ chiếc ly thuỷ tinh trên bàn. Khi mẹ hỏi ai làm vỡ ly, mặt Phong tái xanh nhưng vẫn cố cãi không phải do mình gây ra mà đổ tội cho con mèo. Khi bố về thấy vậy phạt con mèo của Phong không được ăn. Phong thấy mèo tội quá nhưng không biết làm gì bèn nhận lỗi về mình. Vì có tinh thần tự giác nhận lỗi nên Phong không bị bố mắng nữa mà chỉ bị cảnh cáo.

Còn trường hợp Dũng, 6 tuổi chạy vung tay làm rơi bức tượng đất nung trên kệ xuống đất vỡ tan tành liền đổ luôn cho cậu em đang chạy phía sau làm vỡ. Thấy vậy bố đánh em đỏ hết cả mông làm thằng bé khóc khản cả tiếng. Thấy em bị đánh, Dũng vẫn không nhận lỗi về mình vì nghĩ em còn bị đánh thế nếu là mình chắc bố đánh chết mất.

Theo nhà tâm lý Nguyễn Bá Đạt, giảng viên tâm lý trường ĐH KHXH&NV, Giám đốc Trung tâm tâm lý Trẻ em và Gia đình CEPC (Hà Nội), thông thường trẻ em nói dối do tâm lý sợ hãi. Bởi khi phát hiện trẻ nói dối, các bậc cha mẹ thường trừng phạt bằng đòn roi, mắng chửi, nhẹ nhàng cũng càu nhàu hoặc phàn nàn. Vì vậy, nếu bị đánh mắng khi mắc lỗi thì trẻ càng nói dối ở những lần sau để tránh bị đòn roi.


Trẻ nói dối dù ở tình huống nào cũng đều không tốt cho sự phát triển tính cách về sau

Các bé yêu của chúng ta còn quá non nớt, chưa biết suy nghĩ, chưa nhận thức được vấn đề và vì nhiều nguyên do khác nhau nên đôi khi các bé hay nói dối, thậm chí biến nó thành một thói quen xấu lúc nào không hay.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ sinh tật nói dối. Tuy nhiên, nguyên nhân đầu tiên chính là bắt chước từ người lớn. Có nhiều ông bố không muốn tiếp khách liền sai con ra cổng bảo bố không có nhà; Có những bà vợ vừa đếm tiền xoèn xoẹt trước mặt con, nhưng khi chồng về lại chìa ra chiếc ví rỗng toếch, kêu hết tiền; Có trường hợp người giúp việc cả buổi đưa trẻ sang nhà hàng xóm buôn chuyện, cười khanh khách, song khi chủ nhà về lại nhăn nhó than mệt... Những hành vi rất đơn giản này tưởng như vô hại nhưng vô tình ăn sâu vào tâm trí của trẻ, khiến trẻ bắt chước một cách vô thức.

Nếu bố mẹ không có phương pháp chỉ bảo cho các bé ngay từ đầu thì thói quen nói dối sẽ khiến các bé phát triển lệch lạc, phạm phải nhiều sai lầm khi trưởng thành. Vậy bố mẹ nên làm thế nào khi trẻ nói dối, phương pháp nào để điều chỉnh hành vi này của trẻ là phù hợp. Hy vọng cách hay ứng xử khi trẻ nói dối dưới đây sẽ giúp các bạn giải quyết tốt vấn đề này nhé.

Cách xử lý khi con nói dối

Ở những lứa tuổi khác nhau, mức độ nói dối cũng khác nhau nên cha mẹ phải có những cách giải quyết cho phù hợp với từng tuổi của con.

3-5 tuổi: Trẻ em trước tuổi đi học chưa hiểu được sự khác biệt giữa việc nói dối và nói thật. Vì vậy, phản ứng bằng cách giận dữ và trách móc sẽ không giúp ích gì. Thay bằng cách hỏi: "Con đổ sữa ra đây phải không?", thì tập trung vào điều xảy ra: "Hừm, sữa đổ rồi", và gợi ý cách giải quyết: "Hãy đi lấy giấy và lau đi thôi". Những câu nói phóng đại như: "Con có thể ăn hết 100 cái bánh rán" cũng chỉ là bằng chứng của trí tưởng tượng phong phú, chứ không phải một đứa trẻ lừa dối. "Đó là điều con ao ước phải không", nhận thức về giấc mơ của con và nhẹ nhàng làm rõ sự khác biệt giữa hiện thực và ảo tưởng.

6-10 tuổi: Là thầy chối cãi, trẻ ở lứa tuổi này nói dối bởi chúng muốn làm bạn vừa lòng, trối bỏ trách nhiệm, và trốn bị phạt. Chúng có thể nói dối để có được cái mình muốn (chẳng hạn như được xem TV) hoặc để chiến thắng bạn bè. Đừng bao giờ gọi trẻ là kẻ nói dối, nhưng cho chúng hiểu rõ rằng bạn không chấp nhận sự thiếu trung thực. Hãy nói: "Con cần phải nói thật với mẹ, mẹ sẽ không giận dữ hay quát mắng con - mẹ sẽ rất tự hào nếu con không nói dối". Cho trẻ biết rằng ai cũng phạm lỗi lầm và bạn vẫn yêu con, cho dù con có làm vỡ chiếc bình hoa của mẹ. Nếu con hay nói dối về những việc xảy ra hằng ngày, như chưa làm bài tập, những việc không làm hại ai hoặc gây nguy hiểm, thì thể hiện một cái nhìn không vừa lòng và bày tỏ sự cứng rắn: "Thôi được. Mẹ sẽ kiểm tra bài vở của con. Chúng ta hãy cùng nhau xem bài tập này".

11-14 tuổi: Lúc này trẻ em rất muốn sự riêng tư, chúng có thể "quên" không cho bạn biết về điều gì đó hoặc bỏ qua một số chi tiết nhất định. Chúng có thể nói rằng ngày mai không có bài tập, nhưng thực tế chúng lại có rất nhiều vào những ngày sau và cả bài kiểm tra. Lúc này, bạn bè và vị thế trong lớp là rất quan trọng, vì thế chúng dễ thêu dệt nên các câu chuyện để gây ấn tượng với bạn bè, chẳng hạn: "Bố mình vừa mua cho mình một chiếc ôtô thật to". Thay vì bóc mẽ con, cho trẻ biết rằng bạn biết là con không trung thực và bạn rất không hài lòng về điều đó. "Mẹ biết là con không nói thật. Con có muốn nói lại không?".

Thế giới mà chúng ta đang sống không phải là một hệ kiểu mẫu, cuộc sống không theo một hướng duy nhất mà nó biến đổi và đa dạng. Mặc dù những lời nói dối gây hại cho bản thân, đôi khi, tại một vị trí nào đó, trong một tình huống nào đó, nói dối thực sự cần thiết. Nếu như những lời nói thật đẩy bạn vào tình huống nguy hiểm và cách duy nhất để được an toàn là nói dối thì dù cho trí não có bị tổn thương đi nữa, bạn vẫn phải sử dụng những lời nói thiếu chân thật.

Đức An (Tổng hợp)ĐSPL

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]