Trẻ nông thôn, miền núi cũng cần cả những “món ăn” tinh thần

VOV.VN - Khi một nhiếp ảnh gia có ý định tập hợp trẻ em nông thôn lại, dạy các em chụp ảnh, nhiều người đã cho rằng đó là ý tưởng phù phiếm, viển vông

0

Đối với học sinh thành phố, nghỉ hè là một khoảng thời gian đầy lý thú, bởi các em không chỉ được đi du lịch, nghỉ ngơi, mà còn có thể tham gia các chương trình sinh hoạt hè ở các trung tâm mở tại trường, tại các điểm văn hóa. Các nhà hát, các đoàn nghệ thuật cũng xây dựng hàng loạt chương trình phục vụ thiếu nhi trong dịp hè.

 
Trò chơi của trẻ em nông thôn (tác giả: em Lê Minh Đức. 13 tuổi, Thanh Hóa)

Trong khi đó, đời sống tinh thần của trẻ em ở vùng nông thôn, miền núi còn rất thiệt thòi. Ở nhiều nơi, mỗi năm may mắn lắm các em mới được xem một chương trình nghệ thuật, có thể là xiếc, ca nhạc, hài kịch… và là dịp hiếm hoi.  Cũng có những nơi ở miền núi, nông thôn xuất hiện những điểm sáng, nơi có nhà văn hóa thiếu nhi hay điểm vui chơi giải trí cho các em. Nhà Thiếu nhi ở huyện Quỳ Hợp, Nghệ An là một ví dụ. Nhà thiếu nhi được xây dựng nên, trong dịp hè có mở các lớp năng khiếu như: đàn, múa, vẽ, võ thuật, ngoại ngữ... Tuy nhiên, số trẻ em đến tham gia các hoạt động do Nhà thiếu nhi huyện tổ chức chủ yếu sống ở khu vực thị trấn và vùng lân cận, còn hàng chục ngàn em khác, dù mong muốn cũng không thể tham gia, do điều kiện đi lại xa xôi, do nhận thức của các bậc phụ huynh, hoặc do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên các em phải làm việc giúp cha mẹ, không có thời gian đi sinh hoạt.

Trên thực tế phần đông  học sinh ở các vùng, miền nông thôn trên cả nước hầu như không hề được nghỉ hè, bởi thời gian nghỉ hè của các em chính là thời gian phải lao động giúp gia đình, thậm chí có em phải bươn chải kiếm tiền như: làm thuê làm mướn, bán hàng...

Bắt đầu từ cách đây vài tháng, VOV.VN bảo trợ thông tin cho “My Day- Ngày của em”, một dự án dạy nhiếp ảnh cho trẻ em nông thôn. Người lập và thực hiện dự án là nhiếp ảnh gia Vũ Thị Bích Hồng, cô gái quê ở Thanh Hóa, cử nhân ngành Nhân học của ĐH KHXH& NV- tp. HCM.

Bích Hồng đi quyên góp các máy ảnh cũ, mang về nông thôn, tập hợp các em bé lại, dạy chụp ảnh rồi hướng dẫn các em thực hành, chụp lại những cảnh sinh hoạt ở làng quê của mình. Sau đó, cô chọn ảnh, tổ chức trưng bày cho bà con làng xóm đi xem những tấm ảnh do con em họ chụp. Ngày trưng bày ảnh cũng như ngày hội ở làng quê, người dân nô nức đến xem những hình ảnh quen thuộc hàng ngày giờ trông thật đẹp trên những “tác phẩm nghệ thuật” nhiếp ảnh. Và tác giả của những tác phẩm ấy, không ai khác, lại chính là con, cháu của họ, những đứa trẻ hàng ngày mặt mũi lấm lem đùa nghịch khắp làng… Biết đâu trong số ấy, mai ngày có em trở thành nhiếp ảnh gia nổi tiếng!

Những tấm ảnh do các em bé nông thôn chụp được mang ra thành phố. Các bạn nhỏ thành phố đến xem, để hình dung ra cuộc sống ở làng quê có những điều thú vị như thế nào; để thấy và chia sẻ với những khó khăn của các bạn nhỏ ở nông thôn mà điều kiện vật chất còn kém so với thành thị.
Những tấm ảnh mà các em chụp hiện còn đang được đem đi giới thiệu với bạn bè nước ngoài (đã triển lãm tại 2 thành phố ở LB Đức), cho họ cảm nhận những hình ảnh thú vị về cuộc sống đời thường của làng quê Việt Nam thanh bình, giàu bản sắc. Đó cũng là cách tốt để quảng bá du lịch Việt Nam với khách quốc tế.

Bích Hồng chia sẻ, cô nảy ra ý định tiến hành dự án này vì bản thân mình từng sinh ra, lớn lên ở nông thôn, hiểu được sự thiệt thòi của trẻ em ở nông thôn chưa được chăm sóc nhiều về đời sống tinh thần. Cô cũng e ngại sẽ nhiều người cho rằng, trẻ nông thôn cái ăn cái mặc còn chưa được đủ đầy, thì học nhiếp ảnh có thể bị coi là thứ xa xôi phù phiếm. Nghe cô nói vậy, một vị giáo sư đại học người Đức đã nói: “Nếu chỉ lo đủ ăn, đủ mặc, thì nghĩa là mới là thỏa mãn nhu cầu ở mức động vật. Con người ta phải được hướng tới những giá trị văn hóa tinh thần. Điều đó mới làm cuộc sống tốt đẹp hơn”.


Vũ Thị Bích Hồng và các em bé ở Thọ Xuân, Thanh Hóa
Ban đầu, cô cũng lo rằng những em nhỏ lớn lên ở làng quê hầu hết chưa bao giờ được chạm vào chiếc máy ảnh… liệu có bỡ ngỡ và gặp nhiều khó khăn với thứ “đồ chơi công nghệ” như vậy. Nhưng hóa ra các em học rất nhanh, và đã chụp được những tấm ảnh khiến các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp phải khen ngợi.

Trẻ em nông thôn không bằng được trẻ em thành phố… Có thể đấy là lối suy nghĩ thông thường, bởi trẻ nông thôn ít có điều kiện tiếp xúc, học hỏi như trẻ em thành phố. Khi TS Giáo dục học Nguyễn Thụy Anh tham gia vào dự án của tổ chức World Vision, huấn luyện đọc sách cho trẻ em các địa phương miền núi, vùng sâu, mọi người cũng lưu ý chị về cách làm việc với trẻ em nơi đây: “tiếng Việt phổ thông còn chưa thạo, nên cho các em học đọc cũng học dễ thôi; đặt câu hỏi cũng hỏi dễ thôi, hỏi khó quá các em không trả lời được”.

 
TS Nguyễn Thụy Anh kể về những lần đến các huyện miền núi ở Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Quảng Trị, Điện Biên… Ban đầu, chị cũng soạn những câu hỏi khá dễ, nhưng sau đó phát  hiện được ra rằng nhiều em bé rất nhanh ý và thông minh, những câu hỏi quá dễ hóa không thú vị. Với trẻ em miền núi, nếu được hướng dẫn đúng cách để yêu thích việc đọc sách, các em sẽ tiếp nhận được nhiều kiến thức bổ ích, bởi sách chính là người thầy cần mẫn, giúp người đọc học hỏi về cuộc sống và tìm hiểu chính mình để phát triển các tiềm năng của bản thân. Những cuốn sách hay cũng là phương tiện giải trí tuyệt vời cho trẻ- đó là điều hiển nhiên.


TS Nguyễn Thụy Anh đang dạy cảm thụ đọc cho thiếu nhi ở Mường Chà- Điện Biên
Điều TS Nguyễn Thụy Anh băn khoăn, là sau khi dự án kết thúc, làm sao để duy trì những mô hình CLB Đọc sách cho trẻ em ở những nơi đây; bởi không đơn thuần là có sách, cần phải có người dạy cho các em cách đọc.
 

Cũng tương tự như vậy, nhiếp ảnh gia Vũ Thị Bích Hồng vẫn miệt mài đi xin từng chiếc máy ảnh cũ, rồi gặp gỡ mọi người thuyết phục họ tham gia vào dự án, về nông thôn dạy trẻ em chụp ảnh. Cô cũng lo lắng làm sao để dự án được kéo dài và nhân rộng ra nhiều nơi.

Trẻ miền núi cũng như trẻ em vùng xuôi, trẻ vùng nông thôn cũng như trẻ em thành thị… các em cần được chăm sóc và nuôi dưỡng cả về mặt tinh thần. Thật đáng quý bởi đã và đang có những tấm lòng, cá nhân và tổ chức quan tâm đến trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng cao; như các chương trình “Cơm có thịt”, quyên góp chăn ấm và giày dép, sách vở, xây trường học cho các em… Và mong sao ngày càng có nhiều người hơn nữa cũng nghĩ rằng “cuộc sống không chỉ cần cơm ăn, áo mặc”, khi quan tâm đến những trẻ em còn thiệt thòi vì sinh ra ở nông thôn và miền núi./.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]