Trẻ sơ sinh học hỏi như thế nào?

Nhiều bậc phụ huynh cho rằng trẻ sơ sinh không thể tiếp thu được gì vì trẻ còn quá bé nhỏ. Vì vậy mà cha mẹ cũng không cần thiết phải dạy dỗ trẻ một điều gì cả. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh hoàn toàn học hỏi được nhiều điều ngay khi trẻ vừa chào đời.

16.2028

1. Trẻ nhỏ học hỏi thông qua các giác quan
Trẻ em là những sinh vật đầy thú vị. Từ lúc vừa chào đời, bé đã bắt đầu tìm hiểu về thế giới xung quanh bằng các giác quan – thính giác, thị giác, vị giác, khướu giác và xúc giác. Trẻ sơ sinh có thể nhìn thấy và nghe thấy những gì đang diễn ra gần chúng, và bé còn biết thể hiện nhu cầu bằng cách khóc to lên. Không chỉ thế, trẻ sơ sinh còn có khả năng nhận ra giọng nói của người mẹ lẫn giữa tiếng nói của những phụ nữ khác.

Là người làm cha làm mẹ, bạn đóng vai trò quyết định trong việc học tập của bé. Những kinh nghiệm đầu đời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của bé về sau. Việc bạn dành thời gian nói chuyện và chơi đùa cùng con chính là một cách hiệu quả để khuyến khích con học hỏi. Khi bạn nói chuyện và cười đùa với con, bé sẽ hình thành một ý thức rằng gương mặt và giọng nói của bạn chính là nguồn động viên và là chỗ dựa cho bé. Thiên thần của bạn sẽ rất nhanh hiểu được bạn là người nuôi dưỡng bé với tất cả sự ấm áp và tình thương.

Bạn có thể khuyến khích trẻ học hỏi bằng việc kích thích các giác quan của bé hoạt động nhiều hơn với thật nhiều những nụ cười, những vuốt ve nhẹ nhàng và những thanh âm trìu mến. Hãy thử những phương pháp dưới đây để giúp bé khởi đầu hành trình học tập của mình. (Và dĩ nhiên, những việc này cũng giúp cho bạn và con trở nên gắn kết hơn).

2. Trẻ em yêu những khuôn mặt!
Trẻ em rất thích nhìn thấy những khuôn mặt, đặc biệt là của mẹ. Các nghiên cứu đã cho thấy trẻ nhỏ có khả năng bẩm sinh trong việc nhận diện các khuôn mặt.

Những lúc như thế này sẽ giúp gắn kết mẹ con với nhau ngay từ khi bé còn rất nhỏ. Những khuôn mặt thường đi kèm những tính chất khiến trẻ thích thú, có thể là một khuôn mặt đang cử động, một khuôn mặt lạ bé mới gặp, một khuôn mặt đang nói chuyện, đó là chưa kể mỗi gương mặt sẽ có hình khối khác nhau và màu da khác nhau.

Khi con của bạn đang trong trạng thái thoải mái, không đói và không mệt mỏi, hãy đặt trẻ ở tư thế mà trẻ có thể nhìn thật rõ khuôn mặt bạn. Sau đó hãy làm những biểu cảm khác nhau, cười tươi hay lè lưỡi là tùy bạn. Và đừng bất ngờ khi bé cố gắng bắt chước theo bạn. Trẻ nhỏ rất thích trò bắt bước ba mẹ của chúng.

Tuy nhiên, hãy cẩn thận để không đi quá trớn. Nếu bạn để ý thấy bé quay mặt đi hướng khác hoặc có vẻ không thích thú gì với trò đùa này của bạn nữa, hãy ngừng lại ngay. Đây là những dấu hiệu chứng tỏ bé đã bắt đầu chán và cần một khoảng nghỉ. Khi bé không thích điều gì đó, bé sẽ biểu hiện ngay ra mặt, ví dụ như không nhìn vào mắt bạn, tỏ ra buồn ngủ hay ngọ nguậy lung tung, lấy tay bịt mắt, thậm chí là ho khan hoặc nôn mửa.

Cũng như người lớn, mỗi đứa bé đều có tính cách riêng. Có những trẻ thích các hoạt động và thích được mọi người chú ý, trong khi cũng có những trẻ không như vậy.

3. Trò chuyện và đọc sách cho bé
Bạn có biết bé có thể nghe thấy tiếng nói của bạn ngay khi còn là thai nhi không? Thực tế, giọng của mẹ chính là thứ đầu tiên mà một đứa bé nhận ra khi chào đời. Và một trong những điều đầu tiên bé học đó là phân biệt các loại âm thanh – ví dụ như phân biệt giọng của ba và mẹ của bé.

Bạn có thể nuôi dưỡng sự phát triển cảm xúc cũng như khả năng ngôn ngữ của bé bằng cách trò chuyện cùng con. Bởi các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng bạn càng dành nhiều thời gian trò chuyện với con thì con bạn có chỉ số thông minh (IQ) càng cao và vốn từ của bé sẽ càng nhiều. Ngay cả khi con của bạn chưa biết nói, bé vẫn lắng nghe những từ bạn phát âm và học cách sắp xếp các từ thành một câu.

Bạn không cần phải huyên thuyên không ngừng, nhưng bạn nên nói chuyện những khi bạn ở gần bé. Hãy kể về việc bạn đang làm, hỏi bé một vài câu hỏi hay đọc truyện cho bé nghe. Chỉ cần nghe bạn nói, bé cũng đã có thêm nhiều vốn từ rồi.

Một lưu ý quan trọng, thường khi nói chuyện với em bé, nhiều người có thói quen nói chuyện tếu táo, vừa nựng nựng vừa nhại nhại từ. Bạn nên tránh điều này nếu không muốn con bạn sau này con bạn phát âm trệu trạo. Hãy cố gắng phát âm chuẩn và dùng đúng ngữ pháp.

4. Chọn đồ chơi đơn giản và hợp lứa tuổi
Trong những tuần tuổi đầu tiên, bạn nên cho bé chơi những món đồ chơi đơn giản và phù hợp với tuổi của bé. Những món đồ chơi này có tác dụng kích thích bé sử dụng các giác quan của mình để cảm nhận chúng.

Những món đồ chơi phù hợp sẽ giúp bé phát triển thị giác và khả năng học hỏi.

Hãy cẩn trọng khi mua cho bé trống lúc lắc, đồ chơi có nhiều hình khối, đồ chơi phát nhạc và gương gắn ở giường cũi của bé. Bạn có thể giúp cho thị giác và tầm nhìn đang trong giai đoạn phát triển của bé bằng những món đồ chơi có nhiều màu sắc, hình khối, đường nét và cấu tạo khác nhau. Một khi tầm nhìn của bé phát triển, bé sẽ dễ dàng tương tác với thế giới xung quanh hơn.

Trẻ em học bằng cách chơi. Có thể bạn nghĩ rằng việc vui chơi không giúp bé học được gì cả nhưng sự thật thì hoàn toàn ngược lại. Khi bé chơi đùa, não của bé tiếp nhận và sắp xếp các thông tin cũng như chuyển hóa thông tin thành hiểu biết của bé.

5. Cho bé chơi với các người khác
Bạn có thể giúp bé phát triển các kỹ năng xã hội bằng việc cho bé chơi cùng với bạn bè hoặc họ hàng. Hãy cứ để mọi người ẵm bé và nói chuyện với bé, miễn là bé luôn trong tầm mắt của bạn. Đây là khi mà bé học cách để liên hệ với người khác. Bé sẽ hiểu được rằng ngoài mẹ của bé thì còn nhiều người khác cũng rất thân thiện và quan tâm tới bé, vì thế không cần phải sợ.

Lưu ý là nếu bạn không thể ở gần khi bé chơi đùa cùng những người khác, cần phải có một người đáng tin tưởng luôn kề bên và để mắt tới con của bạn.

Xuân An

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]