Trẻ thông minh mà vẫn học kém

Trà Mi thông minh, hoạt bát nên cả nhà đều nghĩ khi đi học, cô bé sẽ luôn dẫn đầu lớp. Vậy mà chưa hết lớp 1, bố mẹ đã liên tục bị cô giáo phàn nàn vì Mi học kém, thường quên làm bài tập, hay nghịch ngợm, nói chuyện riêng trong lớp.

15.5715

Trẻ thường thích nghịch ngợm, không chăm chú lắng nghe trong lớp. Ảnh: Corbis.com.

Trà Mi là cô con gái út của anh Long chị Mai ở Từ Liêm, Hà Nội. Từ nhỏ, cả nhà đã rất cưng vì cô bé xinh xắn, hay nói, hay cười, có khiếu kể chuyện, ca hát và làm vui lòng người khác. Khi đi mẫu giáo, bé cũng nổi bật nhất nhóm trẻ và hay được các cô giáo chọn vào đội văn nghệ trường. Cả nhà đặt rất nhiều kỳ vọng vào em. Bạn bè của bố mẹ đến chơi hay so sánh rằng, cô chị Thùy Dương chậm chạp, nhút nhát, khô khan, không được thông minh, hoạt bát như cô em út Trà Mi.  

Thế mà, từ ngày đi học, cả nhà mới ngã ngửa khi Mi toàn bị điểm kém. Anh Long, chị Mai cũng ra sức chăm lo và thường xuyên dạy con, nhưng cứ bảo trước bé lại quên sau, chỉ có mấy chữ cái, mấy phép tính đơn giản mà bé mãi vẫn không thuộc. Không những thế, theo cô giáo phản ánh, trong giờ học, Trà Mi thường lôi kéo các bạn nói chuyện riêng, lại còn tự do ra ngoài chơi mà không xin phép. Ngoài môn hát nhạc, bé có vẻ chẳng thích thú môn học nào, thường tỏ ra rất lơ đễnh, không tập trung khi cô giáo giảng bài.

Theo tiến sĩ Lã Thị Bưởi, Trưởng phòng khám Tu Na, có một số trẻ rất thông minh, lanh lợi nhưng lại học không tốt, khó tiếp thu bài vở ở lớp. Các cháu này bị bệnh tăng động giảm chú ý, hay còn gọi là quá hiếu động. Trẻ mắc chứng này thường rất nghịch ngợm, không lúc nào chịu ngồi yên một chỗ, hay chạy quanh hoặc leo trèo quá mức... Ngoài ra, các em thường không thể chú ý kỹ lưỡng trong công việc, ít lắng nghe những gì người lớn nói và không thể làm theo chỉ dẫn hay hoàn thành các việc được giao.

Có những cháu hay đánh mất vật dụng như vở, bút chì, hay quên các hoạt động thường ngày, dễ sao nhãng bởi những thứ bên ngoài, chẳng hạn đang học lại muốn chạy nhảy đi chơi, học bài trong phòng nhưng chỉ dỏng tai nghe người khác nói chuyện hay các chương trình TV. Các bé này cũng thường cẩu thả, hay mắc lỗi khi làm việc nhà.

Về mặt cảm xúc, các cháu có thể thường xuyên buột miệng nói trước khi người khác hỏi, không chờ đến lượt mình trong các sinh hoạt nhóm, hay ngắt, xen vào cuộc nói chuyện của người lớn hoặc trò chơi của các trẻ khác.

Tiến sĩ Bưởi cho biết, chứng hiếu động thái quá thường khởi phát ở trẻ dưới 7 tuổi, bộc lộ rõ nhất khi các bé bắt đầu đến trường. Các bé sẽ khó khăn trong việc học kỹ năng ở trường như đọc, viết, tính toán.

Điều nguy hiểm là bố mẹ thường khó phát hiện con mắc bệnh này. Khi thấy con có những biểu hiện trên, phụ huynh hay cho rằng bé quá nghịch ngợm, lười nhác không chịu học bài nên mới có kết quả kém. Thậm chí, có người còn quy kết là con bướng bỉnh, chống đối.

Theo tiến sĩ Bưởi, bên cạnh nguyên nhân di truyền, nhiều bé bị tăng động giảm chú ý là do môi trường sống hoặc cách giáo dục của gia đình. Bố mẹ quá nuông chiều hoặc chưa quan tâm, thiếu thời gian cho con cái, không rèn luyện cho con nếp sống đúng mực từ nhỏ cũng có thể là nguyên nhân khiến trẻ bị bệnh này.

Trường hợp của bé Tuấn Linh (6 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội) là một ví dụ. Tuấn Linh rất thông minh, biết sử dụng máy tính từ khi còn chưa biết đọc. Đến nay, em có thể thực hiện rất nhanh các thao tác mở máy, nhấp chuột, cắm ổ USB, thế nhưng kết quả học tập ở trường lại cực kỳ kém. Em còn bị thày cô nhắc nhở vì hay tự ý chuyển chỗ ngồi, không làm bài tập ở nhà và phá hỏng bàn ghế, đồ dùng học tập ở lớp. Bố mẹ em cũng phát mệt khi cậu con trai liên tục đòi mua vở, bút, sách... vì hay bỏ quên ở trường.

Theo các bác sĩ ở phòng khám Tu Na, bệnh của Tuấn Linh có nguyên do chính từ gia đình em. Mẹ Linh làm giám đốc tiếp thị của một công ty lớn nên rất bận rộn, thường xuyên phải đi công tác. Bố em cũng mải mê công việc nên ít quan tâm đến con. Vì thế, nhiều khi, Linh cố tình nghịch ngợm, có khi còn phá đồ ở nhà để lôi kéo sự chú ý của bố mẹ. Khi em làm như thế, bố mẹ càng bực bội, nghĩ con hư, phá phách nên hay nhiếc móc hơn. Điều này khiến tình trạng của cậu bé ngày càng xấu.

Khi đến phòng khám, Linh nhất định không chịu ngồi một chỗ, cứ chạy đi chạy lại ở cầu thang uỳnh uỳnh, thấy chiếc ngăn kéo ở bàn bác sĩ thì kéo ra kéo vào cho đến khi nó gãy mới thôi. Bố mẹ em nhìn con mà bất lực không biết nói gì.

Theo bà Bưởi, khi thấy con có những dấu hiệu quá hiếu động, học kém, cha mẹ phải quan tâm đặc biệt. Không nên quát tháo hay đánh mắng các cháu mà càng phải dành sự gần gũi nhiều hơn, khéo léo tìm hiểu nguyên do. Với những cháu bé mắc bệnh này, điều bố mẹ cần nhất là sự kiên nhẫn, quan tâm.

Bố mẹ nên bắt đầu từ những gì khiến bé thích thú nhất, hướng con đến sự tập trung khi giao việc, và cần có thưởng phạt cho từng hành vi. Không nên vì kết quả học tập của con không như ý mà ép trẻ học quá nhiều. Nếu trẻ không tiến bộ hoặc sự hiếu động ngày càng tăng, nên đưa con đến các chuyên gia. Việc trị liệu chứng bệnh này tốn khá nhiều thời gian và đòi hỏi phải kiên trì, nhẫn nại.

Minh Thùy

 

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]