Trẻ vị thành niên có thể bị ung thư tinh hoàn

BV Ung bướu vừa điều trị cho bệnh nhân bị ung thư tinh hoàn. Em trai 16 tuổi này khi chơi đá bóng bị bóng văng vào vùng kín gây đau, gia đình đưa đi khám và phát hiện bệnh.

15.5771

BS Nguyên Hà, Trưởng khoa Nội 4, nơi điều trị cho bệnh nhân cho biết, cậu bé đã được phẫu thuật và hóa trị. Hiện em đi lại, sinh hoạt bình thường, việc sinh sản sau này có thể bình thường do đã kịp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.

Ảnh: Huffpost

Nhiều người thường ngạc nhiên khi thấy học sinh phải nhập viện vì ung thư tinh hoànn. Tuy nhiên, theo Ths.BS Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học BV Bình Dân TP HCM, từ 16 đến 30 là độ tuổi có nhiều bệnh nhân ung thư tinh hoàn nhất. Là một trong những đơn vị hàng đầu về Nam học tại khu vực phía Nam, trung bình mỗi tuần, khoa tiếp nhận 2 bệnh nhân như vậy.

Theo bác sĩ Tiến Dũng, nguyên nhân bị ung thư tinh hoàn chủ yếu là bẩm sinh, một số không rõ nguyên nhân. Những người bị tinh hoàn ẩn hay có vấn đề với giới tính có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người bình thường 100 lần.

Không ít người từng lo lắng hỏi bác sĩ liệu nhiễm trùng hay bị quai bị̣ có thể dẫn đến ung thư tinh hoàn không? Theo bác sĩ Tiến Dũng, nhiễm trùng không thể dẫn đến ung thư, bởi bản chất của ung thư là sự phát triển đột biến của các tế bào, phát triển các tế bào không đúng chức năng khiến chúng có vai trò và tác dụng ngược lại với cơ thể. Sự nhiễm trùng chỉ có thể dẫn đến viêm nhiễm, nếu nặng có thể viêm hoại tử, buộc phải cắt bỏ. Ngoài ra, nhiều người bị viêm do lao, còn gọi là viêm lao tinh hoàn mào tinh cũng phải cắt bỏ tinh hoàn. Quai bị cũng không phải là nguyên nhân gây ra ung thư dù người bệnh có thể bị virus quai bị chạy tới tinh hoàn gây viêm. Thông thường virus quai bị gây viêm và teo một bên tinh hoàn. Vô sinh do quai bị thường do lượng tinh trùng ít.

Để có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh ung thư tinh hoàn, bác sĩ Dũng khuyên, nam giới nên có ý thức tự khám xem vị trí của tinh hoàn có bình thường không, có xuất hiện nốt nào đặc biệt không, tinh hoàn có bỗng nhiên lớn bất thường, hay bỗng dưng bị sưng, có nốt cứng không? Nếu có những dấu hiệu này, hãy nhanh chóng đến gặp các bác sĩ chuyên khoa.

Khi khám ung thư tinh hoàn, bệnh nhân sẽ được khảo sát xem có hạch ở vùng bẹn, vùng xương chậu hay không. Sau siêu âm, bác sĩ sẽ làm xét nghiệm đánh giá các dấu ấn về ung thư, có 3 loại xét nghiệm cần thiết là AFP, PSA, CEA. Bệnh nhân cũng được chụp X quang phổi để khảo sát có sự di căn hay không.

Khi đã chẩn đoán được mắc bệnh ung thư tinh hoàn rồi, bệnh nhân bắt buộc phải phẫu thuật, cắt bỏ khối u, lúc đó lấy được 80-90% khối lượng tế bào ung thư ra khỏi cơ thể. Sau đó, bệnh nhân sẽ được hóa trị hoặc xạ trị, tùy theo các loại bướu mà phác đồ điều trị khác nhau.

Một điều an ủi cho bệnh nhân ung thư tinh hoàn là hiện nay, hầu hết thuốc điều trị đều nằm trong danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả nên nếu người bệnh đã đóng bảo hiểm y tế đầy đủ thì không quá lo ngại về các khoản chi phí khi nằm viện. Bác sĩ Dũng cho biết thêm, hiện tại, Bệnh viện Bình Dân đã có khoa Hóa trị chuyên về điều trị ung thư ở đường tiết niệu giúp bệnh nhân có nhiều thuận lợi hơn khi chữa bệnh.

Mặc dù ung thư tinh hoàn ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng sinh sản của bệnh nhân nhưng không có nghĩa là bệnh nhân sẽ vô sinh 100%. Tỷ lệ bệnh nhân bị bướu tinh hoàn ở cả hai bên là rất thấp, thông thường chỉ bị bướu ở một bên. Tất nhiên, khi hóa trị sẽ ảnh hưởng đến toàn thân, trong đó có cả bên tinh hoàn không bệnh. Nếu bệnh nhân muốn có con, các bác sĩ sẽ có những biện pháp giúp giữ lại tinh dịch.

AloBacsi.vn
Theo Hoàng Anh - VnExpress
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]