Trị 8 "bệnh" thường gặp trong dạy và học môn tiếng Anh

ANTĐ - Việc dạy và thi ngoại ngữ ở nước ta từ phổ thông tới cao đẳng, đại học đã tiến bộ rõ rệt. Nhiều cách dạy, ra đề thi rất hay. Tuy nhiên, một số vấn đề sai lệch vẫn song song tồn tại tới mức báo động. Bài viết này chủ yếu bàn về những tồn tại trong dạy và thi môn tiếng Anh ở các lớp không chuyên.

15.6336
Kết hợp với người bản ngữ trong việc soạn sách, từ điển, đề thi, giảng dạy là một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Anh 

8 “bệnh” phổ biến, thường gặp nhất

“Bệnh” thứ nhất, “nghiện” ngữ pháp và trọng âm. Vì sức ép của các đề thi, việc dạy và học ngoại ngữ đang trở lại “vết xe đổ”. Công tác giảng dạy thường thiên về ngữ pháp và hình thức ngôn ngữ, lơ là tính giao tiếp (mục đích của ngôn ngữ là giao tiếp). Giáo viên giỏi đành ngậm ngùi đi theo trào lưu chung, thế mới có chuyện do không biết cách học nên học sinh có thể chê oan thầy giỏi và khen nhầm thầy chưa giỏi.

Thời lượng học dành quá nhiều để chép ngữ pháp, trọng âm, độ dài… Trong khi, nhiều trường hợp người bản ngữ cũng chưa chắc đã chuẩn (VD: trọng âm của “contact, employee, intact, intake”...). Phần ngữ âm cũng tiêu phí thời gian học không hề nhỏ. Học sinh giỏi cũng kêu: “Em phát điên lên vì các ngoại lệ, họ đọc từ riêng một kiểu, nhưng vào câu đọc một kiểu”. Trong câu cảm thán “This food is so good!” (Món ăn này ngon thật!), người Anh nào dám bảo “food” phát âm dài hơn “good”? Những từ này quả là đánh đố học trò. 

Một số bài thi cao đẳng, đại học tập trung 2/3 vào ngữ pháp và từ. Theo tôi, những yếu tố này chủ yếu chỉ đo đếm được kiến thức tích lũy, máy móc, ít đo năng lực ngoại ngữ, tư duy lôgic... 

“Bệnh” thứ hai: luyện quá ít, giảng quá nhiều. Nhiều lớp ngoại ngữ không khác gì lớp triết học, văn học… Học sinh say sưa ghi chép và luyện kỹ năng… nghe giảng.

“Bệnh” thứ ba: thầy - trò đều ngại nói tiếng. Đây là “căn bệnh” khá phổ biến, trong giờ ngoại ngữ song các từ thông dụng đều “bị nói” bằng tiếng Việt. Nhiều học sinh cấp 3 không nói hoặc viết được những câu vào đề kiểu như: “Let's go on with the 3rd ex” (Hãy tiếp tục bài …). Đây là khuyết điểm của giáo viên. Hơn 10 năm học ngoại ngữ phổ thông, những cấu trúc trong các tình huống thông dụng, đáng lẽ phải “mòn tai” phải như cháo chảy.

Những câu đơn giản hơn, nếu được nghe/nói lặp lại hàng trăm lần trong giờ ngoại  ngữ thì phản xạ của học sinh chắc chắn sẽ tốt hơn. Ở đây, tôi cho rằng chúng ta cần kết hợp hữu thức với vô thức, đồng thời phải luôn khai thác tình huống thực tiễn trong giờ ngoại ngữ, rèn phản xạ trên lớp. Học sinh lớp 4-5 (chúng tôi đang thí điểm) cũng có thể nói ro ro nhiều câu tiếng Anh dài. Nếu bạn dự lớp, sẽ rõ.

“Bệnh” thứ tư: lạm dụng bài trắc nghiệm về hình thức. Trắc nghiệm về nội dung thì tốt, song tìm câu/chữ đúng trong một biển câu sai lệch ngữ pháp, trọng âm… là vô cùng nguy hiểm. Chúng có thể gây nhiễu trí nhớ đối với chúng ta, chỉ nên dùng để thi thì tốt. Học với bài trắc nghiệm thì dễ gây nhiễu trí nhớ. Vậy thì, chúng ta cần phải dạy cách nhớ và cả cách quên. Sao cho, học trò quên cái sai, hướng tới cái chuẩn.

“Bệnh”thứ năm: ghi chép thiếu khoa học. Việc ghi chép của thầy - trò còn tùy tiện, không theo tính nhất quán hoặc quy luật nhập tâm... Bệnh hình thức còn rất nặng, theo đó học sinh còn bị lãng phí thời gian để xóa hoặc viết cho đẹp. Hãy bớt thi vở sạch chữ đẹp, mà giờ học ngoại ngữ cần thay bằng nhanh và đúng.

“Bệnh” thứ sáu: thi cử - kiểm tra phi khoa học. Đề thi còn nhiều câu phi lôgic, chẳng hạn như yêu cầu học sinh chọn câu sát nghĩa nhất thì người ra đề lại bị lẫn lộn  giữa bình diện ngữ nghĩa và ngữ pháp. Đây cũng là một hội chứng có ở nhiều hội đồng thi và sách vở. Quả thật, nhiều bài thi và  giáo trình quá “lập dị”, thế giới ít nơi có.

Từ thời kỳ manh nha của khoa học giáo dục ngoại ngữ, chúng ta đã được cởi trói khỏi sách vở lạc hậu song bước tiến còn chậm. Hiện nay, xuất hiện nhiều học sinh xuất sắc làm bài rất nhanh. Do đó, khi soạn bài thi, chúng tôi còn phải thảo luận rất nhiều về tỉ lệ thời lượng và khối lượng, bởi thiếu thời gian không nguy hiểm bằng thừa thời gian. Bệnh học thuộc lòng cũng đáng báo động. Một số giáo viên bắt học bài dài không có tình tiết ngôn bản, việc học trở nên “lợi bất cập hại”. Trong khi, học thuộc một vài chuyện vui với học sinh có khi mới là hiệu quả.

“Bệnh” thứ bảy: giáo trình và sách tham khảo in bừa bãi. Một số sách thiếu khoa học, nhiều lỗi nhưng in tràn lan. Có sách còn sai ở cả đầu đề, (không kể lỗi in ấn, vì ngay sách của chúng tôi ở ĐH cũng còn lỗi sai). 

“Bệnh” thứ tám: Chưa nhất quán tiếng Anh hay tiếng Mỹ. Có hai biến thể nổi bật là Anh-Anh và Anh-Mỹ, mỗi thầy phát âm một kiểu. Nói nôm na trong tiếng Việt, thầy thì dạy “Thịt heo mắc vậy” thầy thì dạy “Thịt lợn sao đắt thế”. Thế thì học sinh biết nghe ai?

Đừng bực mình với những gì tôi trải bày

Ở các hội nghị, hội thảo quốc tế, tôi vẫn phát biểu rằng: “Nhiệm vụ chính của người thầy ngoại ngữ không phải truyền thụ kiến thức, mà là: giúp học sinh ghi nhớ, sử dụng và nâng cao tư duy”. Khi dạy cũng như viết sách, người thầy cần tránh sa lầy vào lý thuyết nặng nề, cần dạy học sinh cái gì thiết thực nhất.

Tôi xin nêu vài ý tưởng mới: Trước hết, phải có phần PHƯƠNG PHÁP HỌC cho bất cứ bộ môn nào. Nội dung này nằm ở đầu bất cứ sách giáo khoa/giáo trình nào, có thể từ một đoạn tới vài trang (tùy bộ môn). Thứ hai, phải có chương MẸO HÀI HƯỚC trong Giáo học pháp của bất cứ môn nào. Bên cạnh đó, tôi cho rằng, tại sao chúng ta lại không sử dụng yếu tố THIỀN để hình dung, định vị, tưởng tượng cho học sinh những điều tối quan trọng trong học tập và sáng tạo. Biết nhiều thủ thuật qua Thiền, giáo viên chỉ cần 25% thời lượng cũng tạm đủ luyện nghe nói... (trong bối cảnh thời lượng ít, khối lượng nhiều). 

Đồng thời, chúng tôi từng rút kinh nghiệm và biến học sinh là trung tâm của buổi học. Học sinh phải nói nhiều hơn giáo viên. Ta cần luyện cả ngữ pháp qua NGHE-NHÌN-NÓI-VIẾT kết hợp THIỀN. Để khẳng định hiệu quả của THIỀN, xin nhấn mạnh: chính nhờ yếu tố THIỀN, chúng tôi làm được xấp xỉ toàn bộ 100 câu trong kỳ thi “Proficiency test” tại Úc năm 1976-1977 và may mắn đạt điểm cao nhất so với thí sinh của vài chục nước khác. Tôi còn giữ góp ý của 2.000 học sinh khen phương pháp này hay và rất hữu ích.

Bạn có thể bực mình khi tôi trải bày những kinh nghiệm của mình trong dạy và học môn tiếng Anh, bởi cũng có nhiều nội dung với bạn có thể là “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”. Song, giữa những người thầy chúng ta cần chia sẻ nỗi khổ tâm vì thương học sinh, vì những căn bệnh phổ biến, thường gặp vẫn cứ dai dẳng tồn tại. Bởi thế cho nên, tôi cứ “Viết rồi, khổ lắm, (phải) viết mãi”.

Với tâm huyết nghiên cứu khoa học vì sự nghiệp trồng người, tôi thực sự trăn trở suy nghĩ và mạnh dạn đóng góp một số ý tưởng trên,  mong sự nghiệp giáo dục ngày càng thành công hơn nữa.
Hoàng Tất Trường 
(nguyên Chủ nhiệm Bộ môn, Khoa Anh - ĐH Quốc gia Hà Nội)

GIẢI PHÁP TRỊ 8 “BỆNH” THƯỜNG GẶP

1. Dạy và thi tránh thiên hướng về lý thuyết ngữ pháp và ngữ âm quá, chỉ đi sâu hệ thống cơ bản. Thi đại học, cao đẳng nên có 30% tự luận. Hãy sử dụng loại hình “điền chỗ trống” (cloze), “chuyển hóa”… và có thể tránh viết luận vì khó chấm. Bài thi có thể tăng một chút thời lượng-khối lượng, nhưng độ phân hóa cần rõ hơn. Khoảng 30% cơ bản, thật dễ, 70% khó và rất khó thì mới sàng lọc được học sinh vào ĐH. Điểm chuẩn tốt nghiệp phổ thông nên hạ xuống. Tuy tinh thần chung “học gì thi nấy”, nhưng với bối cảnh “mật ít ruồi nhiều”, trường ĐH không đủ chỗ nên không thể không làm như vậy. 

2. Tăng cường nói ngoại ngữ. Luyện tập bằng lắp ghép, chuyển hóa... Nói cho vui, trong việc học ngoại ngữ, một phần lớn là lao động cơ bắp, khác một số hoạt động duy lý, phân tích trong toán học. Thật oan cho con bò, tại sao ta quen nói “ngu như bò” mà bò có ngu hơn trâu đâu. Ở đây, sự chấp nhận và hình thành thói quen, phản xạ tốt với học sinh là chính.

3. Giảm thiểu bài trắc nghiệm về hình thức.

4. Giúp học sinh rèn thói quen ghi chép thật khoa học.

5. Dạy học sinh thủ thuật ghi nhớ. Giáo viên giỏi phải biết cách dạy học sinh  cách học và… học cùng học sinh. Chúng ta cũng cần nhớ rằng, có hàng trăm thủ thuật: hình dung, liên tưởng, định vị, thiền,...

6. Kết hợp với người bản ngữ trong việc soạn sách, từ điển, đề thi… Những công việc này phải có sự cộng tác của hai bên. Vì thế, Nhà xuất bản Oxford mời chúng tôi tiếp tục góp ý cho từ điển của họ sau khi tôi gửi họ một số ý kiến cải tiến.

7. Học tập phong cách người phương Tây: thoải mái, năng động, hài hước…

8. Hãy nhất quán, chọn tiếng Anh hay tiếng Mỹ khi tiếp cận với học sinh.
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]