Trĩ, dùng thuốc nhét có hết hẳn?

Nếu dùng Proctolog nhét hậu môn ngày 1-2 viên; hoặc bôi thuốc mỡ Preparation-H lên vùng bị trĩ bất cứ lúc nào có triệu chứng 3 - 5 lần/ngày thì hết vĩnh viễn không hay rồi sẽ bị lại nữa?

0

- Trả lời của phòng mạch online:

Trĩ là bệnh được tạo thành do dãn quá mức các đám rối tĩnh mạch trĩ. Là bệnh rất phổ biến, đứng hàng đầu trong các bệnh lý vùng hậu môn đến nhập viện. Bà con mình mắc bệnh trĩ thường đi khám và điều trị rất muộn sau nhiều năm, vì bệnh tuy có ảnh hưởng tới cuộc sống nhưng không nặng nề, bệnh nhân thường bỏ qua và vì bệnh ở vùng kín đáo nên bệnh nhân thường ngại ngùng, nhất là phụ nữ.

Có hai dấu hiệu chính làm chúng ta đến khám là chảy máu và sa búi trĩ.

Chảy máu là triệu chứng khiến mọi người bấn loạn nhất. Có người nghĩ mình bị ung thư sắp từ giã cõi đời. Có người dùng giấy chùi thấy máu đỏ, có người bị táo bón lâu ngày, ngồi rặn mãi phân ra được lại thấy máu tưới lên trên. Đây là lý do khiến mọi người phải đến khám ở bệnh viện.

Sa búi trĩ là hiện tượng khi đi cầu bạn thấy một khối lồi ra ở hậu môn, sau khi đi cầu nếu trĩ nhẹ nó tự tụt vào. Nếu trĩ nặng bạn phải dùng tay ấn nó chui vào bên trong. Động tác này khiến nhiều người ngại ngần, bối rối. Cuối cùng là búi trĩ ở hẳn bên ngoài, ấn vào nó cũng tự "chạy ra".

Ngoài ra, có thể có kèm theo các triệu chứng khác như đau khi đi cầu, ngứa quanh lỗ hậu môn. Thông thường trĩ không gây đau, triệu chứng đau xảy ra khi có biến chứng như tắc mạch, sa trĩ nghẹt hay do các bệnh khác ở vùng hậu môn như nứt hậu môn, ápxe cạnh hậu môn… Triệu chứng ngứa xảy ra do búi trĩ sa ra ngoài và tiết dịch gây viêm da quanh hậu môn làm bạn cảm thấy hậu môn lúc nào cũng có cảm giác ướt và ngứa.

Bạn sẽ thắc mắc vì sao mình bị trĩ? Nguyên nhân của bệnh chưa được xác định rõ ràng và chắc chắn. Những yếu tố sau đây được coi là những điều kiện thuận lợi cho bệnh phát sinh:

Táo bón kinh niên: Có người nín đi cầu, ăn ít rau nên bị táo bón. Bị táo bón nên khi đi cầu phải rặn đỏ mặt tía tai, áp suất trong hậu môn tăng vọt lên. Các tĩnh mạch ở đây cũng bị tăng áp lực nên dãn ra mỗi lúc một ít. Lâu dần sinh ra những tĩnh mạch ngoằn ngoèo, phồng to. Đó là trĩ.

Hội chứng lỵ mãn tính: Những người bị bệnh lỵ, mỗi lần đi cầu đều đau quặn bụng và rặn rất mạnh. Động tác rặn làm tăng áp suất trong ổ bụng, làm phồng tĩnh mạch. Thành tĩnh mạch gồm nhiều sợi cơ trơn nên dãn rồi không co lại được. Thế là bị lỵ nhiều lần cũng dễ bị trĩ. Một số chị sinh thường, động tác rặn để đẩy em bé ra cũng làm hậu môn bị lồi ra ngoài. Thông thường sau đó nó sẽ tụt vào.

Những người làm công việc đứng nhiều ngày, lao động nặng như khuân vác. Những người ngồi lì ở bàn giấy, tư thế ngồi cũng gây đè ép tĩnh mạch vùng hậu môn gây trĩ.

Sau cùng phải kể đến cấu trúc của hệ tĩnh mạch hậu môn có vấn đề. Chúng rất yếu, dễ dãn nên bệnh trĩ có tính gia đình. Cha mẹ bị trĩ, con cái cũng dễ mắc bệnh.

Bạn rất ngại đi gặp bác sĩ nên hỏi dùng thuốc nhét hậu môn, thuốc bôi liệu có khỏi hẳn không? Vì không biết tình trạng của bạn nghiêm trọng thế nào nên rất khó trả lời. Theo tôi, bạn nên đi khám, bác sĩ chuyên khoa sẽ có cách điều trị tốt hơn. Thuốc nhét hậu môn hoặc bôi chỉ làm tĩnh mạch co tạm thời, sau đó sẽ dãn lại, không thể chữa tận gốc được.

Hiện có nhiều cách chữa :

Có thể chích thuốc làm xơ búi trĩ nó sẽ không chảy máu được. Khi đã xơ hóa thì làm gì có cơ hội để mà phồng lên.

Thắt trĩ bằng vòng cao su: tức là thắt hẹp lòng tĩnh mạch để chúng không phồng, không gây chảy máu nữa. Sau khi thắt tổ chức xơ cũng phát triển và làm tĩnh mạch không có cơ hội phồng được.

Phẫu thuật cắt bỏ búi trĩ: bây giờ dùng laser nên bạn sẽ không thấy đau.

Bạn nên đi khám để được điều trị rõ ràng. Đừng ngại vì bệnh ở nơi kín hay hở đều cần chữa trị. Để lâu sẽ có biến chứng như vỡ tĩnh mạch, chảy máu gây mất máu. Điều quan trọng là trĩ khiến bạn bấn loạn tâm lý, không lúc nào yên. Chữa bệnh giống như giải quyết nỗi buồn đấy bạn ạ.

Theo BS Lê Thúy Tươi - Tuổi trẻ
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]