Triệu chứng bé bị sốt xuất huyết

SKĐS - Sốt xuất huyết là bệnh do vi rút gây ra, phần lớn bệnh nhi có thể tự hồi phục nếu được chăm sóc tốt và điều trị kịp thời.

62.3658

Sốt xuất huyết (SXH), sốt xuất huyết Dengue là bệnh lưu hành quanh năm ở Việt Nam nhưng thường tăng cao từ tháng 6 đến tháng 11, đặc biệt tại các tỉnh/thành phía Nam ở nước ta bệnh có xu hướng phổ biến khi mùa mưa đến. Báo cáo từ Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, hơn 85% các trường hợp SXH Dengue và 90% những trường hợp tử vong xảy ra ở các tỉnh phía Nam của Việt Nam, trong đó khoảng 90% các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết Dengue xảy ra ở trẻ em dưới 15 tuổi.

Những triệu chứng phổ biến ở trẻ bị bệnh SXH

Sốt xuất huyết là bệnh do vi rút gây ra, phần lớn bệnh nhi có thể tự hồi phục nếu được chăm sóc tốt và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, hiện tại cũng còn khoảng 25% số bệnh nhân có biến chứng sốc, xuất huyết tiêu hóa, đặc biệt tỉ lệ tử vong ở những bệnh nhân bị biến chứng sốc là khoảng 2 - 3%. Việc phát hiện sớm bệnh SXH ở trẻ em cần chú ý những dấu hiệu sau đây:

- Trẻ em thường khởi phát bệnh với sốt cao đột ngột, trước đó trẻ hoàn toàn khỏe mạnh, thời gian sốt từ 2 - 7 ngày, kèm những biểu hiện như đỏ bừng mặt, da sung huyết, đau nhức cơ, đau khớp, đau đầu. Trong một số trường hợp, trẻ có thể kèm đau họng, viêm kết mạc mắt, mệt mỏi, buồn nôn và nôn. Vào thời điểm này, những triệu chứng của bệnh thường không đặc hiệu, không thể phân biệt với nhiễm các loại virút khác.

- Tiếp sau đó, trẻ có thể biểu hiện dấu hiệu xuất huyết như: chấm xuất huyết, còn gọi là petechiae (những chấm đỏ không biến mất khi ấn vào) thường ở cẳng tay, cẳng chân, nách, ngực, thắt lưng; xuất huyết niêm mạc như chảy máu mũi (chảy máu cam), chảy máu răng, đi cầu ra máu. Ở nữ tuổi dậy thì có thể xuất huyết âm đạo. Những triệu chứng xuất huyết này ít xảy ra vào những ngày đầu. Gan có thể to sau một vài ngày. Xét nghiệm công thức máu vào thời gian này, kết quả cho thấy giảm bạch cầu, đó là dấu hiệu cảnh báo khả năng SXH Dengue.

- Từ ngày thứ 3 - 7 của bệnh, trẻ giảm sốt hoặc hết sốt hẳn với những biểu hiện hồi phục dần dần như trẻ tỉnh táo, ăn uống ngon miệng, tiểu nhiều…Tuy nhiên phụ huynh cần hết sức lưu ý, có một số bệnh nhi xuất hiện các dấu hiệu trở nặng, những trường hợp này cần cho trẻ nhập viện ngay để điều trị tích cực hơn.

- Một số trường hợp có thể diễn tiến đến sốc SXH rất nguy hiểm cho trẻ. Một số trường hợp biểu hiện tổn thương các cơ quan nội tạng như viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim hoặc xuất huyết trầm trọng, có thể kèm hoặc không kèm theo tình trạng cô đặc máu và sốc.

Thông điệp phòng ngừa bệnh SXH từ Bộ Y tế

Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát tỉ lệ tử vong do bệnh SXH Dengue. Từ năm 2005 đến nay, tỉ lệ tử vong do bệnh SXH Dengue là dưới 1/1.000 trường hợp. Tuy nhiên, kết quả phòng chống để giảm số trường hợp mắc SXH cũng còn hạn chế, đặc biệt chu kỳ bệnh SXH thường từ 3 - 5 năm. Thông điệp phòng chống bệnh SXH được khuyến cáo như sau:

- Mọi gia đình hãy đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng nhằm ngăn chặn bệnh SXH.

- Hãy thả cá vào các lu, chum, vại, bể chứa nước để diệt bọ gậy (lăng quăng), phòng chống SXH.

- Lật úp các dụng cụ chứa nước và loại bỏ các vật liệu phế thải để loại trừ bọ gậy, phòng chống SXH.

ThS.BS. ĐINH THẠC

Trưởng đơn vị Truyền thông, BV. Nhi Đồng 1 TP.HCM

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]