Tôi đến với nhạc Trịnh bắt đầu từ những năm học phổ thông và cũng yêu nhạc Trịnh từ đó cho tới bây giờ  khi đã bước chân vào ghế giảng đường. 
Đấy là những năm tháng bên cạnh sự hồn nhiên, vô tư là vô vàn những trăn trở trong việc lựa chọn những ngã rẽ, những bước ngoặt cho chính mình và cả những suy tư vô cùng non nớt về cuộc đời
Sống xa gia đình, những thất bại trong học tập, vết nứt trong các mối quan hệ khiên tôi cảm thấy mệt mỏi và nhận ra rằng cuộc sống chẳng khi nào công bằng, chẳng như những gì mình mong muốn và tôi rơi vào quãng thời gian chán nản, thất vọng. 
Đúng lúc đó, nhạc Trịnh xuất hiện, như một phép màu kéo tôi ra khỏi những suy nghĩ tiêu cực nhất và gieo cho tôi niềm tin nhiều hơn vào cuộc sống.

Có lẽ không chỉ riêng tôi mà với nhiều những người mến mộ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói chung đều có những kỉ niệm đáng nhớ với các nhạc phẩm của ông. Không chỉ thông các sáng tác mà còn qua cả các bài viết với nhiều thể loại như tản văn, hồi ức… của Trịnh, tôi học được thật nhiều những triết lí sâu sắc mà nhẹ nhàng của một người đã lao vào đời sống này với biết bao trải nghiệm thấm thía. 
Ai trong số chúng ta cũng có lần cảm thấy niềm tin trong mình giống như một cái cây nghiêng ngả, lung lay trong cơn gió bão khi những nỗ lực không được đáp trả xứng đáng, khi thấy xung quanh có biết bao người cố gắng phấn đấu thật nhiều cho lí tưởng mà chẳng được bao nhiêu trong khi có kẻ chỉ bỏ ra chút sức lực mà thu về tất cả. Bởi vì “trò chơi cuộc sống không màu sắc” (Trịnh Công Sơn), vì sự “vô thường” luôn tồn tại. 
Vận động vốn là quy luật của cuộc sống và điều chúng ta cần làm là hãy biết trân trọng, đừng bao giờ hờ hững những ân huệ lớn mà cuộc đời ban cho, có thể rằng “hôm qua gặp nhau đấy, ngày mai lại mất nhau”(Trịnh Công Sơn).  
Sự ra đi đột ngột của má đã khiến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có nhiều những ám ảnh về cái chết, về sự mất mát, đau thương, về thân phận hữu hạn của đời người từ đó chuyển tải vào các ca khúc như là một cách để diễn đạt mình, để nhận được sự cảm thông. Và tôi với tư cách là một người yêu mến ông cũng đã có không ít những ám ảnh về chính các sáng tác ấy. 
Có những buổi chiều hanh hao tôi nằm nghe “Cát bụi”, nghe “Ngẫu nhiên”, xuyên suốt các tác phẩm là hình ảnh cái chết hiện hữu: “Chợt như xác thân không còn. Và cạnh tôi là đồng vắng”, “một lần nằm mơ. Tôi thấy tôi qua đời”, “thôi về đi. Đường trần đâu có gì”. 
Dự cảm về sự sống, cái chết cũng là bởi tình yêu quá lớn mà nhạc sĩ đã dành cho cuộc đời này cũng là để nhắn nhủ với mọi người hãy coi cái chết như một quy luật bất biến của tự nhiên, để thanh thản hơn, nhẹ nhàng hơn. Không những vậy, nghe nhạc Trịnh tôi còn nhận ra được một điều là đằng sau những đau khổ, sau những hiện thực trái ngang, oan khiên mà ta vẫn thường đối mặt hàng ngày là biết bao điều tốt đẹp đủ để trở thành động lực để chúng ta sống tốt đẹp hơn. 
Tôi muốn nói rằng Trịnh đã ‘dạy” cho tôi biết cách yêu thương, biết cách cho đi, biết cách biến mỗi ngày thành một niềm vui nho nhỏ, biết tìm đến tình yêu – nơi nương náu của tâm hồn, biết cách đánh thức những rung động thẩm mĩ về cái đẹp của con người, vạn vật – thứ vốn tiềm ẩn rất sâu xa trong chúng ta. 
Đọc những gì Trịnh viết, nghe những Trịnh sáng tác để khiến cõi lòng thanh thản hơn, sống chừng mực và bao dung với mọi người hơn, ý thức và nâng niu nhiều hơn giá trị sống. 
Dù thế nào thì hãy cứ nhiệt huyết, sống với một niềm tin không bao giờ bị hao mòn vì “Đời cho ta  thế”. Cám ơn Trịnh – Người thay đổi kiến trúc tâm hồn tôi!

Nguyễn Thị Khánh Linh