'Trời nóng không nên để máy lạnh cho trẻ dưới 28 độ C'

15.5655

Nắng nóng khiến trẻ thường nổi rôm sảy, hăm da nên cần được giữ thoáng mát. Tuy nhiên, điều hòa nhiệt độ không nên để dưới 28 độ C và phải vệ sinh thường xuyên để tránh bệnh cho trẻ, bác sĩ Ngô Minh Xuân tư vấn trực tuyến chiều 5/3 trên VnExpress.net.

- Con tôi vừa tròn một tháng. Thời gian đầu cháu ăn ngủ bình thường. Gần đây cháu ăn hay bị trớ, quấy và có biểu hiện hơi sốt. Cháu biểu hiện như vậy là do đâu? Và tôi phải làm gì? (Ngô Văn Toản, 37 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội)

- Phó giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Ngô Minh Xuân, Trưởng khoa Sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ: Bạn thân mến, trong tháng đầu con bạn ăn ngủ bình thường. Gần đây cháu hay bị trớ, quấy khóc và hơi sốt, đó là những triệu chứng không bình thường. Trong câu hỏi bạn không cho biết cháu có bị khò khè hay ho không. Thông thường nếu cháu bị sốt, hay ói, ọc hoặc bị trớ, nếu cháu có thở khò khè hoặc ho đi kèm thì thường đó là triệu chứng của viêm họng hay viêm đường hô hấp trên, từ đó cháu thường hay bị ói ọc và sốt đi kèm. Bạn cho cháu há miệng và xem lưỡi của cháu có bị bợn trắng hay không. Nếu cháu sốt trên 38 độ và nôn trớ kéo dài thì bạn hãy mang cháu đến bác sĩ chuyên khoa nhi để được chẩn đoán và điều trị ngay.

- Em chuẩn bị sinh con đầu lòng trong tuần này hoặc tuần sau thôi. Ông bà ta cứ bảo mẹ phải kiêng tắm khoảng... một tháng, khoản này thì em chịu. Vậy em có thể tắm bằng nước ấm ngay sau khi sinh được không? Về việc tắm cho em bé, mọi người cũng bảo không nên ngâm người em bé vào nước khi rốn chưa khô, nhưng hình như điều này không tốt vì như vậy sẽ làm bé bị lạnh. Vậy cho em biết cách tắm cho bé tốt nhất với ạ? (Nguyễn Tố Nhi, 28 tuổi, Quảng Ninh)

- Diễn viên Thanh Thúy: Về khoản này, Thúy cũng "đau khổ" như bạn. Mẹ Thúy cũng bắt phải kiêng. Cuối cùng cả hai đi đến thống nhất là một tuần tắm một lần bằng nước ấm.

Về việc tắm cho bé, bác sĩ có nói rằng ngâm em bé dưới nước cũng không ảnh hưởng đến cuống rốn và Thúy có làm theo. Đúng là không sao cả bạn ạ. Rốn bé Cà Phê không bị nhiễm trùng hay xuất hiện dấu hiệu khác thường gì.

Cách tắm bé: gội đầu cho bé trước, lau khô, sau đó mới tắm đến người của bé. Chúc bạn mẹ tròn con vuông nhé. 

Bác sĩ Ngô Minh Xuân và diễn viên Thanh Thúy nhận hơn 1.500 câu hỏi từ độc giả VnExpress.net trong hai giờ tư vấn trực tuyến về chăm sóc da cho trẻ trong 3 tháng đầu đời. Ảnh: Thiên Chương

- Đầu tháng 6 này tôi sẽ sinh đôi hai bé, mong được bác sĩ tư vấn một số thông tin. Liệu tôi có đủ sữa cho cả 2 bé hay không? Có cần cho bé uống sữa ngoài thêm từ những tháng đầu tiên? Hai bé ngủ cùng với mẹ hay ngủ riêng ngay từ bé sẽ tốt hơn? Có cần cho 2 trẻ ngủ mỗi trẻ một nôi để tránh bé này quấy bé kia? (Minh Châu, 28 tuổi, Nam Định)

- Bác sĩ Xuân: Chào bạn, trước tiên, nếu bạn khỏe mạnh, ăn uống tốt thì dù bạn sinh đôi vẫn có thể có đủ sữa cho hai cháu bú sữa mẹ hoàn toàn. Trong trường hợp bạn đầy đủ sữa mẹ thì hãy cho hai cháu bú sớm ngay trong giờ đầu sau sinh. Hiện nay Tổ chức y tế thế giới đã khuyên các bà mẹ cho con bú sữa mẹ hoàn toàn cho đến sáu tháng tuổi. Bạn hãy cố gắng ăn uống và dinh dưỡng cho tốt để có đầy đủ nguồn sữa cho hai cháu. Chỉ nên cho cháu bú sữa ngoài thêm trong những trường hợp bạn thiếu sữa mẹ thật sự và chỉ nên cho cháu bú bình sau khi đã bú hết sữa mẹ mà vẫn không đủ.

Việc cho cháu ngủ riêng mỗi trẻ một nôi trong tầm quan sát tốt hơn là cho hai cháu ngủ chung một giường, nhất là khi hai cháu có biểu hiện bệnh lý như: viêm đường hô hấp hoặc tiêu chảy. Vì nếu ngủ chung thì sẽ có nguy cơ lây bệnh từ cháu này sang cháu kia. Hơn nữa, khi hai cháu ngủ riêng nôi thì giấc ngủ sẽ sâu hơn vì không bị ảnh hưởng do tiếng động của cháu bên cạnh gây ra lúc các cháu khóc hay trở mình.

- Xin cho hỏi trẻ nhỏ hay bị nấc cụt là biểu hiện của bệnh gì và cách chữa trị ra sao? (Le Dieu Linh, 29 tuổi, Bắc Ninh)

- Bác sĩ Xuân: Chào bạn, trẻ nhỏ bị nấc cụt không phải là một biểu hiện bệnh lý nên bạn không có gì phải lo lắng. Nếu tình trạng nấc cụt không gây ra khó chịu cho trẻ hoặc không gây tình trạng nôn ói ở trẻ, thì không cần phải xử trí gì. Nếu trẻ nấc cụt kéo dài bạn có thể làm động tác gì đó để lôi cuốn sự chú ý của trẻ hoặc là làm trẻ cười lên thì thông thường tình trạng nấc cụt sẽ hết.

- Chị Thúy ơi, chị có kinh nghiệm gì trong việc lôi kéo anh xã vào việc chăm con không? (Đông Hà, 26 tuổi, Đông Anh, Hà Nội)

- Thanh Thúy: :-) Đó là cả một nghệ thuật bạn ạ. Ban đầu bạn cứ giả vờ nhờ vả anh ấy những việc linh tinh mà bạn vẫn có thể tự mình làm được. Nếu bé bú ngoài, bạn có thể nhờ anh ấy pha sữa hoặc cho bé bú nhưng bạn sẽ ở bên cạnh trò chuyện với cả hai cha con để tạo không khí vui vẻ, ấm cúng. Còn khi bé thức để chơi, bạn hãy ẵm bé đến chơi cùng chồng để ông xã thấy được những nét ngộ nghĩnh, đáng yêu của bé.

Nói chung, ngay từ lúc vừa sinh, bạn hãy san sẻ công việc chăm sóc bé cho chồng. Tất nhiên những việc này nên nằm trong khả năng thực hiện của ông xã.

Khi con mới chào đời, niềm vui còn đang tràn ngập thì Thúy nghĩ bạn nhờ gì chồng cũng sẽ vui vẻ thực hiện, từ từ sẽ hình thành thói quen. Còn nếu bạn ôm hết việc chăm con ngay từ đầu, thì sau này sẽ khó nhờ lắm đó. Chúc bạn thành công nhé.

- Con trai tôi sinh 5/12/2009. Bé rụng rốn vào ngày thứ 8 sau sinh. Bé rất hay gồng mình, nên càng ngày rốn càng lồi lên to hơn. Khi bé đủ tháng tôi đưa bé đi khám, bác sĩ bảo lấy đồng xu đè lên rốn rồi băng lại. Tôi làm theo vẫn thấy rốn ngày càng lồi. Sau khoảng 20 ngày, tôi đưa bé đến Bệnh Viện Nhi Đồng 1. Sau khi khám, bác sĩ đưa cho tôi một miếng nhựa tròn để tôi đè lên rốn bé. Nay đã hơn một tháng, rốn bé vẫn to. Mong bác sĩ và chị Thúy mách cho tôi biết phương pháp nào giúp bé bớt lồi rốn. (Đoàn Thị Mộng Tuyền, 26 tuổi, Lâm Đồng)

- Bác sĩ Xuân: Chào bạn, con của bạn hay gồng mình nên rốn ngày càng lồi lên to hơn chứng tỏ rằng phần thành bụng xung quanh rốn của cháu còn mỏng nên khi cháu gồng mình hay khóc to hoặc khi cháu rặn đi vệ sinh thì rốn sẽ phồng to lên. Hiện tượng này do áp lực trong thành bụng đẩy ruột vào phần chân rốn nên khiến chân rốn phồng to lên. Vấn đề này không nguy hiểm đến tính mạng của cháu nhưng sẽ có thể làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ.

Thông thường các bác sĩ sẽ khuyên phụ huynh lấy đồng xu loại 2.000 đồng hoặc một miếng nhựa tròn như bạn mô tả cũng được. Bạn gói lại bằng băng gạc sạch, để lên lỗ rốn, sau đó dùng băng thun (có độ đàn hồi) quấn xung quanh bụng bé. Đồng thời nên hạn chế việc la khóc hoặc rặn quá nhiều do táo bón để giảm bớt áp lực trong bụng đẩy ra. Sau vài tháng thường thì rốn sẽ nhỏ lại. Trong trường hợp rốn ngày càng to và phồng lên nhiều thì bạn nên mang cháu đến bệnh viện Nhi Đồng để khám lại và được tư vấn theo chuyên khoa.

- Thanh Thúy: Chào bạn, trường hợp con của Thúy cũng giống như con bạn vậy. Thúy cũng nghe lời bác sĩ lấy đồng xu đè lên rốn và bây giờ thì rốn của cháu hết lồi rồi. Nhưng phải một thời gian rất lâu mới được như vậy. Vì vậy bạn đừng nôn nóng nhé. Điều quan trọng là bạn phải canh liên tục để đồng xu không bị rơi ra vì trẻ con rất hiếu động, đồng xu sẽ khó giữ đúng vị trí ở rốn đâu. Chúc bạn thành công.

Cả bác sĩ Xuân và Thanh Thúy cùng trả lời câu hỏi của độc giả Đoàn Thị Mộng Tuyền. Ảnh: Thiên Chương

- Con tôi sinh ra đủ tháng, cân nặng 3.5kg. Tôi có đủ sữa cho cháu bú. Sau khoảng một tuần tuổi, cháu ngủ rất ít, hầu như ban ngày cháu chỉ ngủ một giấc khoảng 2 tiếng buổi trưa, đêm cháu ngủ khoảng 9-10 tiếng. Cho đến hơn một tháng tuổi, thời gian ngủ của cháu (ban ngày) trung bình khoảng 2-4 tiếng ban ngày, ban đêm vẫn là 9-10 tiếng. Tôi thấy cháu có vẻ mệt mỏi, nhất là về chiều tối, có lẽ do thức quá lâu. Nhưng tôi ru thì cháu chỉ ngủ chợp một chút rồi lại dậy. Tôi phải làm gì cho cháu? (Thu Nga, 30 tuổi, Đà Lạt)

- Bác sĩ Xuân: Chào bạn, trẻ sơ sinh thường phải ngủ nhiều, trong tháng đầu thường các cháu ngủ khoảng 16-18 giờ đồng hồ một ngày. Để cháu ngủ ngon trước hết cháu phải được bú đủ và phải được thay (bỉm) tã nếu cháu đã đi tiểu hoặc đại tiện. Để cháu ngủ ngon, bạn cần phải tạo một môi trường thuận lợi: yên tĩnh, ít tiếng động, ánh sáng dịu nhẹ. Đôi khi bạn có thể mát xa nhẹ nhàng cho cháu để cháu dễ chịu. Bạn có thể hát ru hoặc mở nhạc nhẹ nhàng cũng có thể làm cho cháu dễ ngủ hơn. Nếu bạn thấy con bạn khó ngủ và mệt mỏi, bạn cũng nên đưa cháu đi khám bác sĩ để xem cháu có bị bệnh gì hay không. Từ đó, bác sĩ sẽ có hướng xử lý thích hợp giúp cho bé ngủ tốt hơn. Chúc bạn thành công.

- Thúy nuôi con bằng sữa mẹ hay sữa bột? Chăm sóc da cho bé thế nào, có cần dùng mỹ phẩm không? Mẹ xinh thế chắc chăm con rất khéo nhỉ (trộm vía):-) (Ha Mai, 33 tuổi, Hà Nội)

- Thanh Thúy: Cám ơn lời khen của chị. Thúy nuôi cháu bằng sữa mẹ được đến 2,5 tháng thì mất sữa nên phải cho bé bú bình đến bây giờ (hiện giờ bé được gần 6,5 tháng).

Về việc chăm sóc da: sau khi tắm bé xong, Thúy có nhỏ một ít dầu dành cho bé vào thau nước tắm rồi ngâm em bé xuống (khoảng 15 giây), sau đó lau khô người bé. Thúy không dùng phấn cho bé vì sợ bột phấn sẽ bay vào mũi. Nếu bé bị hăm thì bạn nên dùng kem chống hăm cho bé, sau đó mặc bỉm (tã) và quần áo cho bé.

Buổi chiều vào khoảng 4-5h, bạn nên lau mình bé bằng nước ấm.

Sau khi bé tiêu tiểu xong, bạn nên dùng bông gòn hoặc khăn giấy ướt để lau lại cho bé và đợi da bé khô hẳn rồi hãy mặc tã cho bé nhé.

- Cháu bé nhà tôi hiện nay được một tháng rưỡi, bé hay có hành động uốn mình, vặn mình. Mỗi lúc như thế người bé cứ tím tái lại và rốn của bé bị lồi ra. Không biết là bé có hiện tượng gì không tốt không ạ. Phương pháp khắc phục như thế nào. Rất mong nhận được sự tư vấn hỗ trợ của bác sĩ. (Nguyễn Anh Ngọc, 32 tuổi, Hoa Lư, Ninh Bình)

- Bác sĩ Xuân: Chào bạn, hiện tượng uốn mình, vặn mình ở trẻ sơ sinh rất phổ biến. Hiện tượng này thường sẽ giảm dần vào những tháng sau đó. Nếu vặn mình và uốn mình ít thường không gây ra vấn đề gì cho sức khỏe của bé. Tuy nhiên, nếu cháu vặn mình quá nhiều, khó ngủ, thường hay quấy khóc thì bạn nên kiểm tra lại xem cháu có gì khó chịu không. Ở một số trường hợp bạn có thể đem cháu đi khám bác sĩ nhi để được khám tổng quát, và nếu cần thì bác sĩ sẽ cho cháu thử máu để xem có hiện tượng hạ canxi huyết không. Nếu có thì bác sĩ sẽ có chỉ định cho cháu sử dụng thuốc thích hợp.

- Bé nhà tôi hiện được 3 tháng tuổi. Từ lúc 2 tháng tuổi đầu cháu đã bị bẹt ở sau và có hiện tượng rụng tóc. Xin hỏi bác sĩ có phải do cháu thiếu canxi không? Tôi có cho cháu uống canxi nhưng không thấy tròn, bác sĩ có thể tư vấn cho tôi cách khắc phục không? Xin cám ơn bác sĩ. (Thu Hang, 32 tuổi, Thanh Xuan, Hanoi)

- Bác sĩ Xuân: Chào bạn, ở trẻ nhỏ do hộp sọ còn mềm nên ở một số trẻ có thể bị bẹt đầu do tư thế nằm ngửa tạo áp lực lên hộp sọ. Tuy nhiên vấn đề này không nguy hiểm gì đến sức khỏe của trẻ mà chủ yếu là ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Tuy nhiên, thường hiện tượng bẹt đầu này sẽ được tự điều chỉnh vào những tháng sau đó. Hiện tượng này không hoàn toàn là do thiếu canxi.

Do vậy, trước khi bạn cho cháu uống canxi, bạn nên mang cháu đi khám bác sĩ. Có thể bác sĩ sẽ cho cháu thử máu để biết cháu có bị hạ canxi thực sự hay không. Nếu đúng là cháu bị hạ canxi thì bác sĩ sẽ cho chỉ định điều trị với liều lượng canxi cần thiết. Việc bạn cho cháu uống quá nhiều canxi vì lý do cháu bị bẹt đầu có thể làm cho cháu bị thừa canxi và có thể gây hậu quả không tốt cho cháu. Để khắc phục tình trạng bẹt đầu của cháu bạn nên cho cháu thay đổi tư thế cho cháu. Khi ngủ, bạn có thể cho cháu nằm nghiêng và thay đổi tư thế cho cháu. Chúc bạn thành công.

- Là một diễn viên bận rộn và lại làm mẹ lần đầu, chị có thể chia sẻ một chút kinh nghiệm chăm sóc bé Cà Phê trong hai tháng đầu tiên? Những điều gì chị thấy khó khăn nhất? (Nguyễn Thị Minh Thư, 36 tuổi, Vũng Tàu)

- Thanh Thúy: Vì mới sinh con lần đầu nên Thúy chưa có kinh nghiệm. Mình không biết khi nào con đói, tại sao khóc... Lúc trước, mỗi lần cho bé bú, gần hết bình sữa thì bé giãy nảy và la khóc rất nhiều nhưng mình không biết là do bé đã no rồi mà cứ cố đút tiếp. Có khi bé bị hăm (ở hai bên bẹn, nách...) nhưng Thúy cũng không biết đó là vết hăm mà cứ nghĩ đó là những nếp gấp. Thúy cứ nghĩ hăm là nổi những hạt nhỏ li ti như nổi rôm sảy. Sau này được mọi người chia sẻ kinh nghiệm nên mới biết.

Bạn nên kiểm tra tã của con thường xuyên để kịp thời thay tã cho bé. Nếu con bạn mới sinh thì hãy chọn những sản phẩm dành riêng cho trẻ sơ sinh vì thông thường những sản phẩm này có bề mặt mềm mại sẽ an toàn cho da bé hơn.

Thanh Thúy: "Nên thường xuyên để nhà cửa và phòng của con được thông thoáng". Ảnh: Thiên Chương

- Thưa Bác sĩ: Con trai chúng tôi đẻ ra được 1 tháng tuổi cháu đã mọc răng, xin bác sĩ cho biết như vậy có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của cháu bây giờ và về sau không ạ. (Nguyễn Xuân Nam, 27 tuổi, Công ty cổ phần đầu tư Á Châu)

- Bác sĩ Xuân: Chào bạn, thông thường thì các cháu sơ sinh chưa mọc răng. Tuy nhiên có một số trường hợp cháu vừa sinh ra đã có một hai cái răng rồi nhưng các răng này có đặc điểm là rất mềm và dễ gãy, thường sẽ rụng sau vài tuần. Thông thường vấn đề này không ảnh hưởng đến sức khỏe của cháu. Bạn nên mang cháu đến bệnh viện Răng Hàm Mặt hoặc Bệnh viện Nhi Đồng để được bác sĩ tư vấn trực tiếp và có hướng xử lý. Bạn hãy yên tâm, chúc con bạn khỏe.

- Chị Thúy ơi, sau khi sinh có phải kiêng cữ gì trong việc ăn uống hay không? Làm cách nào để bụng gọn lại và những vết nứt mờ đi? (Kim Phương, 29 tuổi, HCM)

- Thanh Thúy: Thúy không kiêng gì cả. Thúy nghĩ rằng mẹ ăn đầy đủ thì con mới đủ chất.

Để bụng gọn lại, bạn nên thường xuyên tập thể dục hoặc đi bộ. Riêng những vết nứt thì tùy cơ địa mỗi người bạn ạ. Thúy cũng có bôi kem nhưng vẫn thấy có những vết nứt. Tuy nhiên, bạn cũng có thể thử nhiều cách khác nhau mà bạn bè, người thân mách lại xem sao. Chúc bạn luôn xinh đẹp!

- Khi trẻ mới ra đời thì tắm cho bé lúc nào và khoảng cách giữa 2 lần tắm là bao nhiêu? (Phạm Ngọc Dũng, 37 tuổi, 118/2 tổ 2B-KPI-P. Hiệp Thành -Q12)

- Bác sĩ Xuân: Chào bạn, thông thường khi trẻ sinh ra thì trên da có chất gây bảo vệ da, các cô nữ hộ sinh có thể lau cho bé bằng nước chín ấm trước khi đem về cho ba mẹ nhưng không cần phải lau sạch các chất gây này. Bình thường các cháu phải được tắm và chăm sóc da mỗi ngày. Tuy nhiên bạn cần để ý là khi rốn chưa rụng thì không được để nước hoặc chất bẩn vấy bẩn vào rốn. Khi rốn đã rụng thì bạn có thể tắm cho trẻ bình thường và chăm sóc, lau khô cho bé sau khi tắm.

- Em bé trong tháng đầu tiên có cần phải sưởi ấm bằng lò than hay không? Nếu không sưởi ấm bằng lò than thì bà mẹ nên làm gì để trẻ không bị bệnh vặt? (Võ Thị Tuyết Nhung, phường 14, quận 11, TP HCM)

- Bác sĩ Xuân: Chào bạn, vấn đề giữ ấm cho trẻ sơ sinh trong tháng đầu tiên rất quan trọng và cần thiết để tránh trẻ bị cảm lạnh. Tuy nhiên, không nên dùng lò than để sưởi ấm cho bé vì có thể cháu sẽ bị hăm da do quá nóng hoặc cháu sẽ hít phải những khí độc hại do quá trình than cháy thải ra (khí CO, CO2). Để tránh bị bệnh vặt, bạn cần chú ý phải giữ vệ sinh thật tốt cho bé. Cho bé bú đủ sữa và giữ ấm cho cháu thường xuyên.

- Bé nhà em được hơn 3 tháng, vài ngày nay tóc bé rụng nhiều, như vậy có sao không ạ? (Thao Tran, 25 tuổi, TP HCM)

- Thanh Thúy: Chào bạn. Con Thúy trước đây cũng bị rụng tóc rất nhiều. Thúy có nghe mọi người bảo nên cạo đầu cho cháu để thay tóc máu và Thúy đã làm theo. Bây giờ tóc bé Cà Phê đã mọc lại nhiều hơn và không còn rụng nữa. Bạn có thể thử áp dụng cách này xem sao nhé. Chúc bạn vui.

- Con gái em 2 tháng, bú mẹ hoàn toàn. Lúc bé 1,5 tháng em có uống Vitamin tổng hợp 3 lần và bé bị táo 7 ngày tuy vẫn bú, ngủ ngoan. Em đã kích thích bé đi ị bằng dung dịch bơm vào hậu môn. Sau đó 2 ngày bé lại tự đi ị được. Nhưng một tuần gần đây bé lại tiếp tục bị bón, không tự đi ị mà chỉ trung tiện rất nhiều. Em sợ bé sẽ mất phản xạ buồn đi nặng. Hiện giờ bé lại táo, em có nên tiếp tục bơm vào hậu môn bé nữa không ạ? (Tường Nhân, 27 tuổi, Trung Kính, Hà Nội)

- Bác sĩ Xuân: Chào bạn, bạn nên duy trì cho cháu bú sữa mẹ hoàn toàn và cố gắng ăn uống cho tốt để có đủ sữa cho cháu bú. Vì nếu cháu bú không đủ lượng sữa mẹ thì có thể cháu sẽ bị táo bón kéo dài và ít tăng cân. Ngoài ra, bạn có thể cho cháu uống thêm nước cam tươi pha loãng, mát xa xung quanh bụng theo chiều kim đồng hồ khi cháu rặn đi vệ sinh.

Nếu cháu bị bón lâu quá 3 ngày, cháu muốn đi vệ sinh mà không được do phân quá cứng thì bạn có thể dùng thuốc bơm hậu môn để kích thích cho cháu đi vệ sinh. Tuy nhiên không nên lạm dụng thuốc thường xuyên vì có thể làm cho cháu bị quen thuốc và không chịu tự đi vệ sinh. Nếu cháu vẫn táo bón thì bạn nên đưa cháu đi bác sĩ để được chẩn đoán một số nguyên nhân có thể gây táo bón kéo dài và có chỉ định điều trị thích hợp.

- Chị Thúy nè. Anh Đức Thịnh có tham gia nhiều trong việc chăm sóc cháu bé không? Việc làm thường xuyên của anh là gì? Vì là đàn ông tôi cũng muốn giúp vợ nhiều nhưng chưa kinh nghiệm. Nhờ chị Thúy chia sẻ để tôi học nơi chồng Thúy cách phụ vợ chăm sóc con....Hehe (Nguyễn Gia Bảo, 28 tuổi, Đồng Nai)

- Thanh Thúy: Trước hết Thúy rất hoan nghênh ý định muốn giúp vợ của bạn. Còn về anh Thịnh, anh cũng có phụ Thúy chăm sóc con nhưng chỉ là những việc nho nhỏ thôi (chơi với con, phụ lấy đồ, dỗ cho bé nín...). Bạn cũng nên thăm hỏi bà xã thường xuyên để cô ấy đỡ mệt, ví dụ như: "Em có mệt lắm không?" hoặc "Em có cần anh giúp gì không?"... Chỉ cần nghe vậy là vợ bạn đã vui rồi đấy. Bạn cũng có thể thay tã cho con, hoặc phụ tắm cho con...

Nói chung, nếu liệt kê ra hết những việc bạn cần giúp vợ chăm sóc con thì nhiều lắm. Cái quan trọng nhất là bạn luôn biết quan tâm đến vợ và con, bạn sẽ biết được mình cần làm những gì. Chúc bạn và gia đình luôn hạnh phúc. Một lần nữa, Thúy hoan nghênh bạn lắm đấy.

- Xin chào bác sĩ, bé của em nay đã được hơn một tuổi nhưng thời gian trước cũng như hiện tại cháu rất hay bị sốt và mỗi lần sốt đều rất cao 38 - 39 độ. Kèm theo mỗi lần sốt vậy cháu hay có hiện tượng co giật, dù khi thấy cháu nóng gia đình đều lấy khăn nóng và đặt thuốc vào hậu môn trước khi đưa đến bệnh viện nhưng vẫn không đỡ. Vậy xin được hỏi bác sĩ hiện tượng của cháu là do đâu và có cách nào điều trị dứt điểm không? Em xin cám ơn bác sĩ rất nhiều. (Ngô Thị Oanh, 26 tuổi, Phường 1, thị xã Tây Ninh, Tỉnh Tây Ninh)

- Bác sĩ Xuân: Chào bạn, con của bạn có thể đang bị tình trạng sốt cao co giật. Mỗi khi cháu sốt thường dễ bị co giật. Hiện tượng này hay xảy ra ở các trẻ dưới 6 tuổi. Quan trọng nhất là cần phải tìm ra nguyên nhân gây tình trạng sốt cao của trẻ để điều trị dứt điểm (cháu bị viêm họng, viêm phế quản, nhiễm trùng...). Từ đó mới có thể khống chế được hiện tượng sốt và sẽ giảm dần tình trạng co giật do sốt cao.

Việc bạn điều trị hạ sốt bằng lau khăn nóng và đặt thuốc hậu môn chỉ là điều trị triệu chứng tạm thời nên khi hết thuốc cháu có thể bị sốt và co giật trở lại. Bạn nên đem cháu tới bệnh viện Nhi Đồng để được các bác sĩ khám và điều trị thích hợp càng sớm càng tốt vì nếu tình trạng co giật lặp đi lặp lại có thể gây hậu quả không tốt cho cháu sau này. Chúc bạn thành công.

Bác sĩ Xuân: "Khi cháu chưa ý thức được khi nào muốn đi vệ sinh thì bạn nên quấn tã. Còn khi cháu đã biết báo cho bố mẹ lúc cần đi vệ sinh thì có thể cho trẻ mặc quần. Thông thường 2 tuổi trẻ đã có ý thức báo đi vệ sinh". Ảnh: Thiên Chương

- Bé của em được 2 tháng tuổi. Cổ của bé rất yếu, mỗi lần cho bé uống sữa xong là phải dốc thẳng dứng để cho bé ợ được, nhưng cổ của bé gục qua bên này hoặc bên kia. Muốn giữ đầu bé thẳng phải lấy tay giữ thì mới được. Vậy bác sĩ có cách nào làm cho cổ của bé khỏe và tự xoay trở được. Xin cảm ơn (Le Diem, 30 tuổi, Dien Bien Phu, Quận 1)

- Bác sĩ Xuân: Chào bạn, trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi thường cổ vẫn còn yếu nên chưa có khả năng tự giữ đầu thẳng. Do vậy, phụ huynh cần phải chú ý hỗ trợ tránh cổ cháu bị gục sang một bên.

Nếu cổ của cháu quá mềm có thể do trương lực cơ cổ quá mềm, hoặc có bất thường gì về mặt thần kinh, thì bạn nên đưa cháu đi khám chuyên khoa nhi tại Bệnh viện Nhi Đồng để được khám, xét nghiệm và chẩn đoán để có hướng điều trị thích hợp. Chúc bạn chăm sóc bé tốt.

- Chào Thanh Thúy! Mình rất thích những vai diễn trên sân khấu và phim truyền hình của Thúy. Mình biết trong 3 tháng đầu là khoảng thời gian để em bé thích nghi với môi trường mới, vậy Thúy có kinh nghiệm gì khi biết lúc nào trẻ muốn gì? Ví dụ khi buồn ngủ, khi đói bụng, hay quấy khóc vì đòi mẹ? Với kinh nghiệm Thúy có thể cho biết những hành động nào biểu hiện những phản ứng của bé. Chúc Thúy nhiều sức khỏe và thành công hơn trong công việc nhé. (Lê Thành Trung, 30 tuổi, Quận Gò Vấp, TP HCM)

- Thanh Thúy: Chào bạn. Về kinh nghiệm của riêng Thúy thì khi đói, bé không khóc mà chỉ cắn tay. Còn nếu buồn ngủ thì làm gì bé cũng không thích, ví dụ như: đưa đồ chơi, bé cũng không thèm chơi...

Và một kinh nghiệm nữa là nếu bạn làm cái này mà bé vẫn khóc thì hãy đổi sang cái khác cho đến khi nào bé nín khóc. Ví dụ: cho bé bú nhưng bé vẫn khóc thì hãy xem thử tã có bị ướt không, nếu tã không ướt thì hãy xem lại bình sữa có nóng quá không... Bạn hãy làm nhiều cách để tìm ra nguyên nhân, rồi từ từ bạn sẽ hiểu những phản ứng của con mình. Khi đó, chỉ cần nghe tiếng bé khóc là bạn sẽ biết bé muốn gì. Chúc bạn luôn vui.

- Thưa bác sĩ, con tôi 2 tháng tuổi, bị nổi hạt nhỏ trên mặt và cả người, cháu rất khó chịu. Tắm lá khổ qua và lá chè xanh thì không thấy khỏi, như vậy tôi phải làm sao để cháu hết bị? Bị như vậy có nguy hiểm không? Cảm ơn Bác sĩ. (Kim Phương, 29 tuổi, HCM)

- Bác sĩ Xuân: Bạn thân mến, con bạn 2 tháng tuổi bị nổi hạt nhỏ trên da nhưng bạn không mô tả có màu gì hoặc có nổi mụn mủ không. Có thể cháu bị rôm sảy nhiều gây ngứa ngáy. Bạn đã dùng các biện pháp dân gian là tắm khổ qua, chè xanh mà không khỏi. Tốt nhất bạn nên đưa cháu đi khám bác sĩ để phân biệt rõ xem cháu có bị nhiễm trùng da không.

Có một số sản phẩm chăm sóc da có thể được dùng để tắm cho bé theo chỉ định của bác sĩ hoặc nhân viên y tế. Nếu da cháu có nổi mụn mủ, có thể bác sĩ phải sử dụng thêm thuốc bôi ngoài da thậm chí có thể dùng thêm thuốc uống. Nếu cháu chỉ bị rôm sẩy thông thường thì không có nguy hiểm gì cho tính mạng của cháu, nhưng nếu cháu bị nhiễm trùng da thì phải cho cháu đi khám bác sĩ và điều trị chăm sóc tốt hơn.

- Có nên dùng trầu không nhai lên rồi chà vào trán và tay chân để mất hết lông tơ cho trẻ sơ sinh không? (Thu Hương, 30 tuổi, Ngân hàng VPbank Nghệ An)

- Thanh Thúy: Cách này Thúy cũng đã từng nghe kinh nghiệm dân gian. Tuy nhiên, theo các bác sĩ chuyên khoa thì việc làm này không có tác dụng. Bạn không nên làm vì sẽ gây viêm da của bé.

- Lúc bé mới sinh ra thì quấn tã, vậy đến khi nào thôi quấn tã và cho bé mặc quần được ạ? (Nguyễn Thị Bích Liên, 20 tuổi, Hải Phòng)

- Bác sĩ Xuân: Chào bạn, thường các cháu nhỏ phải quấn tã cho đến khi các cháu đủ lớn và đã ý thức được việc muốn đi vệ sinh để báo cho bố mẹ. Do vậy, khi cháu chưa ý thức được khi nào cháu muốn đi vệ sinh, thì bạn nên quấn tã. Còn khi cháu đã biết báo cho bố mẹ lúc cần đi vệ sinh thì bạn có thể cho trẻ mặc quần. Điều này không phụ thuộc hoàn toàn vào tuổi của cháu mà phụ thuộc vào khả năng nhận thức của trẻ. Thông thường khoảng 2 tuổi thì cháu đã ý thức được việc này.

- Chị Thúy ơi, em nghe nói chị phải sinh mổ, vậy chị có cho bé bú không? Và làm thế nào để cho bé bú được tốt nhất trong thời gian đầu hả chị? (Mai Phương, 23 tuổi, Từ Liêm, Hà Nội)

- Thanh Thúy: Thúy cho con bú được đến 2,5 tháng thì bị mất sữa. Thời gian đầu tập cho bé bú cũng rất khó khăn. Bạn hãy kiên nhẫn để bé làm quen với núm vú. Hãy dịu dàng với bé, từ từ bé sẽ thích nghi tốt thôi, quan trọng là bạn phải vui vẻ, không căng thẳng thì mới có thể chăm sóc con tốt được.

Thanh Thúy chăm chú trả lời câu hỏi của độc giả. Ảnh: Thiên Chương

- BS cho em hỏi, bé nhà em gần đây hay chảy nước bọt, đó có phải là bệnh lý bình thường không? Bé ngủ thích được nằm sấp, mình có nên cho bé nằm ở tư thế này không? Chân thành cám ơn BS! (Phạm Quỳnh Anh, 31 tuổi, 36D Tên Lửa, Quận Bình Tân)

- Bác sĩ Xuân: Chào bạn, trong câu hỏi bạn không nói là trước đây cháu có hay bị chảy nước bọt không và gần đây có triệu chứng gì đi kèm không? Ví dụ như cháu có mọc răng hay bị ho khò khè, viêm họng... Nếu trước đây không có triệu chứng này mà gần đây cháu thường hay bị chảy nước bọt, có mùi hôi... thì có thể cháu bị viêm nhiễm vùng họng miệng, bị đau nên không nuốt nước bọt được. Nếu triệu chứng kéo dài bạn nên cho cháu đi khám bác sĩ.

Một số trẻ nhỏ có thói quen nằm sấp khi ngủ, trước đây (thập niên 90) tư thế ngủ nằm sấp được khuyến khích nhưng sau đó do có một số cháu bé bị đột tử trong khi ngủ nên vấn đề này không được khuyến khích nữa. Tuy nhiên, nếu cháu ngủ nằm sấp mà bố mẹ hoặc người chăm sóc theo dõi thường xuyên được, thì thường không có vấn đề gì xảy ra.

- Em được biết sau khi sinh, trong một thời gian ngắn chị đã lấy lại được vóc dáng. Xin chị cho biết bí quyết? (Thanh Hải, 27 tuổi, TP HCM)

- Thanh Thúy: Việc chăm con đã lấy đi của Thúy rất nhiều năng lượng (cười). Nó cũng giúp Thúy nhanh chóng lấy lại vóc dáng. Ngoài ra, nếu bạn không bị mệt thì nên làm thêm việc nhà, đó cũng là cách tập thể dục. Còn nếu bạn có sức khoẻ tốt thì cố gắng dành ra mỗi ngày một giờ đồng hồ để tập thể dục. Chắc chắn bạn sẽ nhanh chóng đẹp lại như xưa thôi. Chúc bạn thành công.

- Bé của em mới được một tháng 10 ngày, nhưng bé rất ít ngủ ban ngày bé ngủ khoảng từ 10h sáng đến 11h đêm, sau đó bé thức từ 11h đêm tới 10h sáng hôm sau. Xin bác sĩ tư vấn cho em về tình trạng này? Liệu bé có bị bệnh gì không? (Lê Quang Định, 27 tuổi, Hà Tĩnh)

- Thanh Thúy: Theo Thúy, đó là do trẻ sơ sinh chưa quen với thời gian biểu mỗi ngày như người lớn chúng ta. Từ từ bé sẽ dần ổn định lại thôi bạn ạ. Trẻ con rất hay thay đổi. Giai đoạn này bé đang như thế nhưng sau đó sẽ khác đi nữa. Bạn đừng quá lo nhé.

- Xin Bác sĩ cho biết dùng tã giấy hoàn toàn cho bé thì có ảnh hưởng gì đến bộ phận sinh dục của bé không ạ? Bác sĩ có thể tư vấn một loại tã giấy mà không gây hăm tã cho bé? (Nguyễn Thị Thùy Trang, 28 tuổi, Biên Hòa - Đồng Nai)

- Bác sĩ Xuân: Chào bạn, nếu bạn chọn được loại tã giấy (bỉm) thích hợp cho trẻ, không gây kích ứng da cho trẻ thì việc dùng tã giấy hoàn toàn cũng không gây ảnh hưởng đến bộ phận sinh dục của bé. Điều quan trọng là bạn phải thay tã (bỉm) ngay khi cháu đi tiêu, đi tiểu để không gây tình trạng hăm lở ở vùng bộ phận sinh dục của cháu.

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại tã giấy (có đặc tính: mềm, thấm tốt, khử mùi, kín...) được sản xuất từ nhiều hãng khác nhau. Bạn nên chọn những sản phẩm của các hãng có uy tín và thử sử dụng cho cháu nếu thấy cháu dễ chịu và không bị hăm lở thì bạn nên chọn để sử dụng lâu dài. Chúc bạn thành công.

- Xin kính chào bác sĩ! Em bé của cháu được 2 tháng 3 ngày, bú sữa mẹ hoàn toàn. Lúc 1-2 tháng, cháu đi cầu mỗi ngày 5-7 lấn, phân màu vàng tươi, hoa cà hoa cải rất tốt. Nhưng từ khi bước sang tháng thứ 3, phân có màu vàng nâu, nhuyễn và có mùi chua, số lần đi cầu mỗi ngày khoảng 2-3 lần, đôi lúc có pha màu xanh. Xin hỏi bác sĩ có phải là cháu đã bị rối loạn tiêu hóa? Cách chữa trị thế nào ạ? (Minh Nguyệt, 29 tuổi, Thu Duc, TP HCM).

- Bác sĩ Xuân: Chào bạn, thông thường các trẻ ở độ tuổi khoảng 3-4 tháng thì phân thường sệt và có màu vàng. Con của bạn đi phân có màu vàng nâu, nhuyễn và có mùi chua nhưng số lần chỉ khoảng 2-3 lần mỗi ngày là bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn thấy cháu bị hăm lở vùng hậu môn nhiều và khó chịu thì nên đưa cháu đi khám bác sĩ để kiểm tra xem cháu có bị rối loạn tiêu hóa hay không. Từ đó mới có hướng điều trị thích hợp.

- Con tôi được 4 tháng nặng 7.3 kg, bé sinh ra được 2.7 kg, bé bú bình từ lúc mới sinh. Trong tháng bé không ói nhưng từ tháng thứ hai đến nay ngày nào bé cũng ói, có ngày hai lần, thường phun ra thành vòi. Tôi đã cho bé uống Motilium nhưng vẫn không hết. Xin cho biết bé tôi bị bệnh gì, cách chữa trị như thế nào? (Phan Thu Trà, 27 tuổi, Thái Nguyên)

- Thanh Thúy: Bé nhà Thúy cũng bị trường hợp như thế, chỉ có cách là cho bé bú số lượng sữa ít lại và nhiều lần hơn. Ví dụ: nếu sức bé hiện nay bú được 180 ml, 3 giờ đồng hồ mới tiêu hết thì bạn cho bé bú khoảng 120 ml. Sau 2 tiếng đồng hồ bé sẽ tiêu hết, bạn tiếp tục cho bú 120 ml nữa. Cứ như vậy, bé sẽ đỡ ọc sữa hơn và nhớ là khi bé bú xong, nếu bé chưa ngủ liền thì nên ẵm bé chứ đừng đặt bé nằm. Trẻ con rất hiếu động, bé quẫy đạp sẽ làm trào ngược sữa ra ngoài. Còn nếu bé bú tay, bạn nhớ trông chừng đừng để bé ngậm vì như vậy cũng làm cho bé bị ói nữa đó. Chúc bạn nhiều sức khỏe để chăm con thật tốt nhé.

- Con tôi được 3 tháng 20 ngày, nặng 5 kg (lúc sinh 3 kg). Từ lúc sinh cháu toàn bú sữa mẹ nhưng cháu ăn được rất ít mà ngủ thì nhiều. Cháu chỉ bú một lúc là ngủ say. Tôi có gọi cháu dậy ép cháu bú thêm thì cháu lại nôn ra. Tôi cho cháu ăn thêm sữa ngoài nhưng cháu không ăn, nếu cháu có ăn thì lại nôn ra (Xin lưu ý là tôi rất nhiều sữa và cho cháu bú mẹ rất đúng cách). Hiện tại cháu chưa lẫy được, bế cháu cũng chưa thẳng cổ (Nguyễn Thị Thu Hiền, 34 tuổi, Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội)

- Bác sĩ Xuân: Chào bạn Hiền, con bạn được 3 tháng 20 ngày mà cân nặng 5 kg (lúc sinh 3 kg) thì vẫn nằm trong giới hạn cân nặng bình thường. Tuy nhiên, nếu cháu ăn quá ít mà lại ngủ quá nhiều, khi bú thường hay nôn, ói dù bạn đã cho bú đúng cách, cháu chưa biết lật và cổ chưa cứng. Vì trong câu hỏi bạn không miêu tả kỹ các triệu chứng đi kèm như: cháu có khò khè hay không, có ho hay không... Do vậy, tốt nhất là bạn nên mang cháu đi khám bác sĩ khoa nhi để được bác sĩ khám và đánh giá toàn diện về tình trạng của cháu, tìm xem cháu có bệnh lý gì không.

- Con tôi gần được 3 tháng tuổi ,khoảng 2 tuần nay cháu lười bú và đi tiểu ít, thi thoảng đi tiểu cháu có rặn và khóc, nước tiểu đôi khi có màu vàng sậm. Vậy xin hỏi bác sĩ con tôi bị bệnh gì và tôi phải làm sao? (Hà Duy An, 38 tuổi, Tân Thới Nhất, Quận 12, TP HCM)

- Bác sĩ Xuân: Con bạn được gần 3 tháng tuổi, 2 tuần nay cháu lười bú, như vậy có thể cháu tiểu ít và nước tiểu có màu vàng sậm, khi đi tiểu rặn và khóc là do cháu không đủ lượng nước trong cơ thể. Như vậy, bạn phải cố gắng cho cháu bú nhiều hơn. Nếu cháu vẫn không bú hoặc cháu có biểu hiện bị bệnh bất thường thì phải đem cháu đi khám bác sĩ và điều trị càng sớm càng tốt. Vì nếu không cháu sẽ chậm lên cân và tình trạng sẽ trầm trọng hơn.

- Tôi có sinh hai cháu sinh đôi một trai một gái, đến nay các cháu đã được 6 tuần tuổi. Các cháu ra đời vào cuối tuần 37 bằng mổ đẻ, cháu trai nặng 2.6 kg và cháu gái nặng 2.7 kg. Sau 6 tuần một cháu trai được 4 kg và một cháu gái được 4.2 kg. Hiện các cháu ăn uống và ngủ bình thường. Như vậy các cháu có phải sinh non hay không và các cháu có cần phải đi kiểm tra tổng thể sau 6 tuần hay không, như kiểm tra về mắt cũng như phổi…Và nguy cơ mắc các bệnh về mắt và phổi có cao không? (Vũ Quốc Anh, 39 tuổi, 23 Văn Chương II, Hà Nội)

- Bác sĩ Xuân: Chào bạn, nếu cháu được sinh ra từ 37 tuần tuổi thai trở đi thì được cho là sinh đủ tháng. Nếu cháu sinh trước 37 tuần tuổi thai thì mới gọi là sinh non tháng. Đối với các cháu sinh non dưới 33 tuần thai (hoặc cân nặng dưới 2 kg) thì cần phải được đi khám chuyên khoa mắt để phát hiện bệnh lý võng mạc ở trẻ non tháng lúc 1 tháng tuổi. Đối với con bạn thì không nằm trong tiêu chuẩn trên nên việc khám mắt để phát hiện bệnh lý võng mạc là không bắt buộc. Còn vấn đề kiểm tra phổi, nếu cháu có biểu hiện gì về hô hấp thì mới cần đi khám bác sĩ mà thôi. Tuy nhiên bạn chú ý là hai cháu cần được khám và chích ngừa theo đúng lịch hẹn.

- Chị có bí quyết gì để giữ cho da bé luôn mềm mại và không bị hăm? (Vũ Trâm Anh, 23 tuổi, Đà Lạt, Lâm Đồng)

- Thanh Thúy: Khi bé tè hoặc đi ị, bạn nên lau bằng khăn giấy ướt dành riêng cho bé hoặc bông gòn thấm nước. Ít nhất hai lần trong ngày, bạn nên vệ sinh cho bé bằng nước để giữ cho da bé luôn sạch.

Bé Cà Phê vẫn thường xuyên mặc tã. Thúy thường theo dõi xem có vết hằn của tã trên da con không để thay đổi kích cỡ tã cho phù hợp, vì trẻ con phát triển rất nhanh.

- Con tôi hiện đã 80 ngày tuổi. Cháu hay khóc thét và kéo dài vào buổi chiều. Xin bác sĩ cho biết làm thế nào để khắc phục điều này.? Nhiều người nói tắm nước trái khổ qua(mướp đắng) nấu sôi để ấm cho trẻ so sinh thì tốt cho cháu, có đúng không. Con tôi 80 ngày tuổi nhưng đã bắt đầu ăn dặm. Như vậy có tốt không? Xin bác sĩ tư vấn giúp. (Nguyễn Tấn An, 29 tuổi, Quảng Ngãi)

- Bác sĩ Xuân: Chào bạn, con bạn đã 80 ngày tuổi, thường hay khóc thét kéo dài vào buổi chiều. Nếu bạn thấy cháu khóc thét kéo dài nhiều ngày mà không giảm thì cần phải khám bác sĩ để xem cháu có bệnh lý gì gây đau đớn hay không, hoặc cháu có bị tình trạng hạ canxi huyết hay không. Việc tắm cho bé bằng nước khổ qua theo dân gian chủ yếu là để giảm bớt tình trạng rôm sảy trên da em bé. Bạn có thể áp dụng được khi cháu bé bị hăm da, hoặc bị rôm sảy.

Hiện nay Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo các bà mẹ nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn đến 6 tháng tuổi. Con bạn mới 80 ngày tuổi mà đã cho ăn dặm là quá sớm, có thể gây tình trạng rối loạn tiêu hóa kéo dài cho cháu sau này.

- Con tôi được 2 tuần tuổi, tôi muốn hỏi có được dùng mỹ phẩm để tắm cho cháu không, và nếu dùng có ảnh hưởng đến da của bé không? (Hoàng Hải, 32 tuổi, Hà Nội)

- Thanh Thúy: Thúy vẫn dùng sữa tắm dành riêng cho em bé để tắm cho con từ lúc bé mới sinh đến giờ và thấy chưa có vấn đề gì cả. Riêng dầu gội thì bé nhà Thúy không thích hợp. Thúy cũng đã đổi nhiều loại nhưng thấy đầu bé vẫn bị gàu. Bạn hãy lựa chọn những sản phẩm đáng tin cậy để tìm mua nhé.

- Con tôi được 3 tháng tuổi nhưng cháu hay ra mồ hôi ở lưng và đầu , xin hỏi có cách gì để cháu bớt mồ hôi không? Thỉnh thoảng cháu bú xong, ho 1 hay 2 cái lại trớ cầu vồng ra hết, như thế có phải là bệnh không, có loại thuốc nào giúp cháu giảm hiện tượng vọt cầu vồng ? (Đào Thị Nga, 27 tuổi, Bình Dương)

- Thanh Thúy: Việc ra mồ hôi ở trẻ nhỏ theo Thúy nghĩ là không sao. Bạn nên giữ cho phòng được thông thoáng và nhớ lau mồ hôi cho con để bé không bị cảm lạnh. Kiểm tra gối của con thường xuyên xem có bị ướt không, nếu có bạn hãy trở mặt gối hoặc thay gối khác để con không bị khó chịu.

Còn việc bé ho rồi bị nôn sữa ra hết thì cũng là điều bình thường vì ruột của trẻ sơ sinh chưa được hoàn thiện giống như người lớn. Khi bé ho, bạn hãy lấy đồ chơi hoặc làm gì đó để bé quên đi. Dần dần khi bé lớn lên thì việc bị nôn trớ sẽ giảm. Theo Thúy, uống thuốc cũng không giúp bé hết nôn trớ được.

- Con của tôi hiện được 6 tuần tuổi, tuy nhiên lúc 4 tuần cháu bị nổi rất nhiều những mụn nhỏ ở toàn thân. Đi khám bác sĩ cho biết bé bị nổi rôm và bị viêm da và cho thuốc uống, vừa uống thuốc vào là những vết mụn đó biến mất và da của cháu trở lại bình thường, nhưng khi ngưng thuốc thì cháu lại bị nổi lại. Xin hỏi bác sĩ hiện tượng như con của tôi là bị gì, liệu tôi có nên cho cháu đi khám liên tục mỗi khi hết thuốc cháu bị nổi lại? (Phương Thảo, 27 tuổi, Quận 3, TP HCM)

- Bác sĩ Xuân: Chào bạn Thảo, cháu bé được 4 tuần tuổi, bị nổi nhiều mụn nhỏ toàn thân, được bác sĩ chẩn đoán là bị viêm da và đã được uống thuốc. Khi uống thuốc da cháu trở lại bình thường nhưng ngưng thuốc thì bị tái trở lại.

Trong câu hỏi bạn không nêu rõ trên mụn có nổi mủ không và uống thuốc bao nhiêu ngày thì các mụn này biến mất. Có thể cháu có thể tạng dễ bị kích ứng ở da, từ đó dễ bị viêm da và nhiễm trùng da. Bạn nên xem lại xem cháu có tiếp xúc với những chất gì ở ngoài môi trường (tã- bỉm, bụi, phân, nước tiểu...) có thể gây ra tình trạng này không. Nếu có thì bạn phải tránh cho bé và sử dụng các sản phẩm thích hợp. Chẳng hạn như: chọn tã (bỉm) và quần áo thích hợp cho trẻ... Điều quan trọng là phải chú ý giữ gìn vệ sinh thật tốt cho bé, thay tã ngay sau khi cháu vừa đi vệ sinh...

Nếu cháu có hiện tượng viêm da với các mụn mủ thì bạn nên tiếp tục cho cháu đi khám bác sĩ để được điều trị bằng thuốc thích hợp.

- Con em tháng đầu cháu rất lười ăn, lưỡi lại nhiều mụn trắng. Xin cho hỏi làm thế nào để xử lý giúp cho bé ăn tốt hơn? (Nguyễn Thị Hồng Mơ, 25 tuổi, An Khê - Thanh Khê - Đà Nẵng)

- Bác sĩ Xuân: Con bạn trong tháng đầu mà lưỡi lại có nhiều đốm trắng thì có thể là con bạn đã bị đẹn (tưa) lưỡi. Nguyên nhân thường là do nấm gây ra. Bạn có thể sử dụng các sản phẩm kháng nấm như: Daktarin gel, Nystatin giã nhỏ pha nước để rơ lưỡi cho bé. Khi hết đẹn thì bé sẽ ăn uống tốt hơn.

- Xin chào Tiến sĩ Xuân và chị Thanh Thúy, gia đình tôi sắp sinh em bé, vì là con đầu lòng nên vợ chồng tôi còn lúng túng trong việc chăm sóc con cũng như chuẩn bị các vật dụng cần thiết cho bé và mẹ trong tháng đầu. Xin giáo sư và chị tư vấn cho tôi, xin chân thành cám ơn, (Huỳnh Tấn Lực, 40 tuổi, Lâm Đồng)

- Bác sĩ Xuân và diễn viên Thanh Thúy: Chúc mừng bạn sắp có bé đầu lòng! Đầu tiên bạn hãy sẵn sàng tâm lý để chuẩn bị làm mẹ. Về việc chuẩn bị các vật dụng cần thiết: quần áo, mũ, khăn, tã (bỉm) dành riêng cho trẻ sơ sinh... thì không khó và bạn nên hỏi kinh nghiệm của những người trong gia đình đã từng sinh em bé.

Đối với mẹ, việc quan trọng nhất là phải cố gắng ăn uống và dinh dưỡng tốt để có thể có sữa sớm cho cháu bú ngay trong giờ đầu tiên sau sinh. Bạn nên tìm đọc những tài liệu hướng dẫn việc chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (sổ tay hoặc cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh) để có kiến thức chăm sóc, theo dõi trẻ. Các vật dụng bà mẹ cần gồm: quần áo, băng vệ sinh, bình thủy, vớ, bông gòn... Tất cả những vật dụng trên, bạn nên chuẩn bị sẵn trước khi sinh, để khi có dấu sinh thì bạn có thể nhanh chóng nhập viện, kể cả trong đêm.

Ngoài ra, bạn cũng cần phải chuẩn bị riêng toàn bộ hồ sơ khám thai và chuẩn bị sẵn nguồn tài chính cho việc sinh con. Khi em bé ra đời, tất cả vật dụng trên bạn nên để gần bên mình để tiện tìm kiếm và sử dụng. Bạn nên để con nằm cạnh mình để tiện cho việc theo dõi và chăm sóc hơn.

- Nhờ bác Xuân và Thanh Thúy cho những lời khuyên cụ thể để chăm sóc bé trong 3 tháng đầu (rất quan trọng), đặc biệt là làm thế nào chăm sóc da bé tốt trong thời tiết nắng nóng hiện nay. Cám ơn bác sĩ và Thúy. (Mỵ, 32 tuổi, TP HCM)

- Thanh Thúy: Thúy thường xuyên để cho nhà cửa và phòng của con được thông thoáng. Nếu thời tiết nóng, Thúy cho Cà Phê mặc áo thun ba lỗ để bé thoáng mát. Ban ngày, Thúy dùng loại tã miếng lót cho con, còn ban đêm dùng tã quần. Vệ sinh cho con thường xuyên để bé không bị hăm. Sau khi vệ sinh xong thì Thúy dùng kem chống hăm cho con.

- Bác sĩ Xuân: Vấn đề quan trọng là phải giữ vệ sinh thật tốt cho trẻ. Bạn hoặc những người chăm sóc bé cần phải rửa tay thật sạch trước khi chăm sóc, để tránh nguy cơ lây nhiễm cho bé. Bạn phải chú ý cho bé bú đủ sữa, tạo môi trường thuận lợi cho bé được ngủ tốt, ví dụ: tránh tiếng ồn, ánh sáng dịu, thay tã ngay cho bé sau khi bé vừa đi vệ sinh...

Việc chăm sóc da của bé rất quan trọng. Trẻ cần phải được tắm và chăm sóc da hàng ngày bằng nước ấm. Nên chọn loại tã, quần áo thích hợp cho bé. Nên để nhiệt độ phòng khoảng 28-30 độ C và giữ ấm cho bé. Nếu thời tiết quá nóng, bạn có thể sử dụng máy điều hòa nhiệt độ nhưng không để nhiệt độ quá thấp dưới 28 độ C. Máy điều hòa này cần phải được vệ sinh thường xuyên để tránh tình trạng trẻ dễ bị nhiễm bệnh do các mầm bệnh từ máy điều hòa nhiệt độ bị bụi bẩn.

Chúc bạn thành công và chào độc giả VnExpress.net.

Đời Sống

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]