Trọng bệnh… ung thư!

(PetroTimes) - Bản báo cáo mới đây mà Liên Hiệp Quốc vừa lưu hành do Viện Nghiên cứu quốc tế về ung thư thực hiện một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng này. Số người bị ung thư và tử vong vào năm 2012 là 14 triệu người và sẽ tăng lên 22 triệu người sau 20 năm nữa, tức khoảng 60%. Đồng nghĩa với việc số người chết vì ung thư tăng từ 8,2 triệu người mỗi năm lên đến 13 triệu người.

0

Năng lượng Mới số 298

Bệnh nặng, chi phí cao

Cũng theo bản báo cáo, trong số các loại ung thư thì ung thư phổi là đứng hàng đầu về số người mắc và tử vong với 1,8 triệu ca riêng trong năm 2012; Tiếp đến là ung thư vú có 1,7 triệu ca, chiếm 11,9%; Thứ 3 là ung thư ruột già với 1,4 triệu bệnh nhân, chiếm xấp xỉ 10%; Thứ 4 là ung thư gan có 800 nghìn người mắc và ung thư dạ dày có 700 nghìn người mắc… Tuy nhiên, sau ung thư phổi, ung thư dạ dày là nguyên nhân gây tử vong nhiều thứ 2 dù số người mắc bệnh không phải cao nhất. Và điều đáng lưu ý là tỷ lệ số người mắc ung thư và tử vong cao nhất tập trung ở các quốc gia châu Á, châu Phi, Trung và Nam Mỹ.

Trẻ em bị ung thư tại Bệnh viện Nhi Trung ương

Theo phân tích của các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế về ung thư, nguyên nhân dẫn đến gia tăng tình trạng này trước hết là do tuổi thọ của dân số trên thế giới tăng, làm cho con người ở vào giai đoạn cuối của cuộc đời, có sức đề kháng kém nhất dễ mắc ung thư. Nguyên nhân thứ 2 là do lối sống công nghiệp, sinh hoạt bừa bãi, tác động đến cơ quan nội tạng gây ung thư và nguyên nhân thứ 3 là môi trường, chế độ cũng như chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm… trở thành “cơ chế” gây bệnh ung thư ở con người. Và theo ông Christopher Wild, Giám đốc Cơ quan Quốc tế nghiên cứu ung thư cho biết, chi phí để điều trị bệnh ung thư vô cùng tốn kém, ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế không chỉ nước nghèo mà cả nước giàu. Bởi tính riêng năm 2010, phí tổn điều trị ung thư lên đến 1,16 triệu tỉ đôla trên toàn thế giới. Bởi vậy, ông Christopher Wild khẳng định: “Chúng ta không thể né tránh các vấn đề ung thư. Cần nhiều hơn những cuộc hội thảo về ngăn ngừa và phát hiện sớm để cải thiện khả năng điều trị và truyển tải đi những thông điệp cảnh báo về sự gia tăng của ung thư toàn cầu tới khắp nơi trên thế giới, trong đó đặc biệt là những khu vực có tỷ lệ ung thư cao nhất”.

Quá tải nhất nước

Bộ Y tế cũng đã thống kê, mỗi năm nước ta có khoảng 150 nghìn người mới mắc ung thư và 100 nghìn người tử vong vì căn bệnh ấy. Bác sĩ Mai Trọng Khoa, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Ở Việt Nam, “dẫn đầu” là 15 loại bệnh ung thư thường gặp gồm: ung thư phổi, vú, đại trực tràng, dạ dày, gan, tiền liệt tuyến, khoang miệng, thực quản, tử cung… Trong đó tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung ở TP Hồ Chí Minh cao gấp 6 lần Hà Nội. Nhưng ung thư vú ở Hà Nội lại cao gấp rưỡi TP Hồ Chí Minh. Nam giới ở TP Hồ Chí Minh mắc ung thư gan nhiều, nhưng nam giới ở Hà Nội mắc ung thư phổi nhiều hơn hẳn. Đây cũng là hai thành phố có số bệnh nhân ung thư thuộc hàng cao nhất toàn quốc. Còn ung thư vú, theo thống kê của Bộ Y tế, cứ 10 phụ nữ Việt thí có 1 người mắc ung thư vú và khi đến viện, phần lớn người bệnh đã ở giai đoạn khó có thể chữa trị nên tỷ lệ tử vong khoảng 40-50%. Cho nên, ung thư vú là căn bệnh được ngành y tế nhận định có tỷ lệ tử vong cao sau ung thư phổi, dạ dày và gan.

Một minh chứng thiết thực khác cho thấy Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ người mắc và tử vong vì ung thư cao nhất thế giới ấy là: nếu 5 năm trước, mỗi ngày phòng khám Bệnh viện K tiếp nhận khoảng 700-800 bệnh nhân, nhưng gầy đây con số ngày tăng vọt lên đến hơn 1.000 bệnh nhân/ngày. Chưa kể hai cơ sở điều trị của bệnh viện luôn có khoảng 2.000 bệnh nhân điều trị nội trú. Bác sĩ Trần Văn Thuấn, Phó giám đốc Bệnh viện K chia sẻ: “Bệnh viện K là một trong những cơ sở y tế quá tải nhất nước, có lúc chịu đựng tới gần 300% so với năng lực. Mỗi năm, lượng bệnh nhân ung thư vào Bệnh viện K tăng 10-20%”. Còn bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh nói, bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện của ông năm sau luôn tăng hơn năm trước, như năm 2009, bệnh nhân đến khám và điều trị nội trú được bệnh viện quản lý là 7.000 bệnh nhân thì năm nay đã lên đến 10 nghìn bệnh nhân. Như vậy, số bệnh nhân ung thư tăng lên tới mức… chóng mặt, cho thấy Việt Nam thuộc quốc gia có tỷ lệ ung thư cao nhất thế giới là không sai.

Môi trường sống ô nhiễm, đặc biệt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang là một trong những nguyên nhân chính gây bệnh ung thư ở Việt Nam. Bác sĩ Vượng nói: “Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm không bảo đảm, cụ thể bị nhiễm hóa chất có thể gây ngộ độc lập tức nhưng nếu tích tụ lâu dài trong cơ thể, đến một lúc nào đó, đủ lượng sẽ gây đột biến tế bào. Nếu đột biến nhẹ, tế bào có thể tự điều chỉnh. Nhưng bị đi bị lại nhiều lần, tế bào sẽ “nhờn”, mất khả năng điều chỉnh trở thành tế bào đột biến ác tính”.

Và thực tế, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm Việt Nam hiện nay đang ở mức báo động trầm trọng, không một loại thực phẩm nào từ rau củ quả đến thịt động vật, gia súc… đặc biệt là loại nhập khẩu từ Trung Quốc là không nhiễm hóa chất, chỉ ít hay nhiều mà thôi. Tất cả những hóa chất ấy đều có thể gây ung thư. Ngoài ra cách chế biến hay thói quen trong sinh hoạt ăn uống cũng vô tình tạo ra những chất gây ung thư như nướng, rán cháy thực phẩm, muối hoặc ủ một số thực phẩm để lên men, ăn nhiều mỡ, thịt động vật…

Có thể phòng ngừa ung thư

Do vậy, để phòng ngừa ung thư không phải là “lực bất tòng tâm”, ngược lại còn đơn giản đến mức không tưởng tượng được. Như Viện Nghiên cứu quốc tế về ung thư khuyến cáo, 50% các loại ung thư có thể ngăn ngừa và tránh được bằng những kiến thức y học hiện đại. Cụ thể đối với những bệnh ung thư liên quan đến lối sống như nghiện thuốc lá, nghiện chất cồn, ăn uống có thể ngừa được hay những bệnh ung thư liên quan tới viêm nhiễm như ung thử cổ tử cung, ung thư gan có thể phòng bằng vắc-xin. TS Walter Curran, Trưởng khoa Xạ trị ở ĐH Y Emorry, Atlanta, Mỹ đã đưa ra một so sánh: Nếu một người Mỹ 20 tuổi không hút thuốc, có chế độ dinh dưỡng hợp lý, một lối sống lành mạnh, thậm chí có thể uống rượu vừa phải, thường xuyên kiểm tra định kỳ sức khỏe sẽ có nguy cơ mắc ung thư ít hơn một người không có lối sống như vậy.

Còn tại Việt Nam, cách phòng ngừa ung thư, đặc biệt từ ăn uống dường như cho thấy khó thực hiện được vào thời điểm này bởi vệ sinh thực phẩm vẫn là vấn đề chưa biết bao giờ giải quyết được! Cho nên vị trí “đầu bảng” về ung thư trong tương lai gần dự đoán vẫn thuộc về… Việt Nam.

Anh Tú

Nguồn:
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]