Trong lớp học, không nên dùng điện thoại

GiadinhNet -Số lượng học sinh, nhất là bậc THPT mang điện thoại đến trường rất lớn. Nhiều em học kém do “ghiền” điện thoại, không nghe giảng…

15.6033
Về vấn đề này, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của nhà giáo Đỗ Tấn Ngọc (Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Quảng Ngãi):
 
Một số trẻ ở lứa tuổi mới lớn, tính bắt chước, thích làm nổi, trưng diện... hễ thấy bạn bè có điện thoại là mình cũng muốn có.  Nhiều em mua sắm điện thoại không phải để gọi, nhắn tin cho cha mẹ, người thân những lúc thật sự cần thiết, mà chủ yếu gọi, nhắn tin nói chuyện, hẹn họ, rủ rê bạn bè đi chơi, làm những việc không đâu như: ghi âm, chụp hình bậy bạ.
 
Nhiều trẻ đã lén dùng điện thoại trong giờ học.

Thậm chí, trong điện thoại di động của nhiều em khi đem tới trường đã cài đặt nhiều nội dung, hình ảnh “đen”, rồi phát tán, truyền nhau xem, bình luận chăm chú lúc ra chơi, kể trong giờ học. Thậm chí, học trò thời nay còn dùng điện thoại di động để “khủng bố”, de dọa giáo viên qua tin nhắn, nhá máy. Nhiều em lơ là, chểnh mảng, học hành càng ngày sa sút, yếu kém... có một phần nguyên nhân từ việc “ghiền”, lạm dụng quá mức điện thoại. Trong tiết học, gặp những thầy cô giáo dễ dãi, ít nghiêm khắc, có học sinh ngang nhiên nhắn tin, xem điện thoại, làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy - học của thầy và trò.

Ngoài tiết học, chúng ta không thể cấm việc học sinh sử dụng điện thoại. Nhưng với những học sinh cố tình sử dụng điện thoại trong giờ học, gây ảnh hưởng xấu đến giờ dạy, lớp học thì các giáo viên, nhà trường nên có biện pháp giáo dục và xử lý nghiêm túc, không để tình trạng đó tái diễn.

Đặc biệt, cần ngăn cấm, xử lý triệt để học sinh lợi dụng điện thoại để phát tán, lan truyền những nội dung không lành mạnh, những hình ảnh, clip mang tính bạo lực, khiêu dâm... Mặt khác, nhà trường cần thông báo sự việc này đến phụ huynh để cùng có trách nhiệm giáo dục con cái, thấy được cái hại khi sử dụng điện thoại trong giờ học và những cái hại khác.  

Đỗ Tấn Ngọc
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]