Trường hợp nào không nên tiêm chủng?

Với văcxin viêm não Nhật Bản, không tiêm cho trẻ sốt cao hoặc có bệnh nhiễm trùng đang tiến triển, bệnh tim, thận, gan, tiểu đường, suy dinh dưỡng, ung thư máu. Người quá mẫn cảm và thai phụ cũng không tiêm văcxin này.

0

Ảnh: Tuổi Trẻ.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Minh Phượng, Viện Pasteur TP HCM, để tránh các tai biến do tiêm chủng, với từng loại văcxin, nên tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Ví dụ, văcxin thương hàn chống chỉ định với trẻ dưới 2 tuổi và phụ nữ đang mang thai (trường hợp bắt buộc phải tiêm cần có ý kiến của bác sĩ điều trị; trẻ 2-5 tuổi cũng cần hỏi ý kiến bác sĩ).

Văcxin bạch hầu - ho gà - uốn ván không tiêm cho trẻ trong các trường hợp: Nhiễm trùng cấp tính, sốt chưa rõ nguyên nhân, các bệnh cấp tính và mãn tính đang ở thời kỳ tiến triển, những trường hợp có rối loạn thần kinh (co giật, viêm não và các bệnh về não), bệnh tim mạch (bẩm sinh hay mắc phải), trẻ suy dinh dưỡng, bị nhiễm HIV.

Văcxin phòng thủy đậu có chống chỉ định với những người quá mẫn toàn thân với neomycin, trong thai kỳ; tránh có thai sau khi tiêm văcxin ba tháng. Có nhà sản xuất khuyên nên tránh dùng thuốc hạ nhiệt loại salicylate (Aspirine, Algotropyl...) sau tiêm thủy đậu ít nhất 6 tuần do có thể gây hội chứng Reye.

Văcxin phòng rubella cũng không nên tiêm cho phụ nữ đang có thai hay nghi ngờ có thai, người dị ứng với neomycin, dị ứng với trứng, suy giảm miễn dịch hoặc đang sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch, người bị bệnh ác tính về máu, bị nhiễm trùng cấp tính hoặc mãn tính...

Theo bác sĩ Phượng, những phản ứng sau tiêm chủng có thể gặp là: đau, sưng, đỏ nơi tiêm; sốt, dễ bị kích thích, cảm giác khó chịu; sốc phản vệ, bị phản ứng quá mẫn (nổi ban, ngứa...). Tùy từng loại văcxin mà có những phản ứng đặc thù.

Nguyên nhân gây các phản ứng trên có thể do bản chất của văcxin; sai sót trong thực hành tiêm chủng; trùng hợp ngẫu nhiên (tức đang bị bệnh tiến triển nhưng tiêm chủng), phản ứng tâm lý (sợ) và nhiều trường hợp không rõ nguyên nhân. Để khắc phục, khi tiêm chủng, y bác sĩ phải tuyên truyền, dặn dò phụ huynh và bệnh nhân thật đầy đủ.

Từ tháng 2, Bộ Y tế đã chuyển các tài liệu hướng dẫn về tiêm chủng đến các cơ sở y tế với thông tin khác như lịch tiêm cho từng loại văcxin, đường tiêm, liều lượng, vị trí tiêm, các bước chuẩn bị, thực hành và đảm bảo an toàn tiêm chủng. Các bà mẹ có thể tham khảo, quan sát người cán bộ y tế làm đúng hay sai để có quyết định tiêm hay từ chối.

Lời khuyên cho các bà mẹ là trước khi tiêm, trẻ phải được kiểm tra. sức khỏe. Đây là một yêu cầu bắt buộc trước mỗi lần tiêm. Trong khi khám, bà mẹ nhớ kể đầy đủ những bất thường về sức khỏe của trẻ như dị ứng thuốc, dị ứng thức ăn trước đó, đang sốt, sổ mũi, ho, suyễn, tiêu chảy... hoặc trẻ đang uống thuốc điều trị một bệnh nào đó. Đối với trẻ sơ sinh, những triệu chứng như khò khè, tiêu chảy... phải được nói cho nhân viên y tế.

Sau tiêm, nên ở lại trong vòng 30 phút để theo dõi. Đối với các trẻ đã có phản ứng với văcxin của lần trước (như viêm gan B, OPV...) thì lần sau có thể chuyển sang tiêm phòng bệnh đó bằng một loại văcxin khác. Tuy nhiên, những trẻ này vẫn phải được cán bộ y tế theo dõi rất kỹ; và tốt nhất là nên tiêm ở các bệnh viện để có thể cấp cứu kịp thời nếu có vấn đề xảy ra.

Khi tiêm phòng, không kiêng tắm, kiêng ăn gì cả... Nếu có phản ứng xảy ra, phải báo ngay cho cán bộ y tế nơi đã tiêm chủng, đưa ngay bé đến cơ sở y tế gần nhất và báo tình trạng bé vừa tiêm chủng...

(Theo Tuổi Trẻ)

 

 

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]