TrustBank tái cơ cấu như thế nào?

Sáng 15/1, Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank) đã tổ chức đại hội cổ đông nhằm thông qua phương án tái cơ cấu ngân hàng.

15.6009

Theo đó, dự kiến cổ đông mới sẽ mua 252.110.151 cổ phiếu (tương ứng với 84,04%) vốn của ngân hàng từ các cổ đông hiện tại. Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh dự kiến sở hữu 9,67% và 20 cổ đông cá nhân khác sở hữu 74,37%.

Hơn 84% vốn của TrustBank sẽ được sở hữu bởi các cổ đông mới, chính thức khép lại những úp mở về việc thay đổi để TrustBank công khai đón nhận nhân tố mới. Quá trình tái cơ cấu được chia thành các bước đi cụ thể.

Cải tổ toàn bộ

Ngân hàng tiến hành chuyển nhượng cổ phần và khoản nợ của cổ đông hiện hữu cho nhóm cổ đông mới giá trị 4.500 tỷ đồng từ 29/2/2012 đến 30/6/2013 thông qua việc mua gần 85% vốn TrustBank. Sau đó, vốn điều lệ sẽ được tăng thêm 2.000 tỷ đồng từ nhóm cổ đông Thiên Thanh và thanh lý tài sản của nhóm Phú Mỹ được định giá từ 1.200 - 1.700 tỷ đồng. Cuối cùng là tiếp tục tăng vốn điều lệ thêm 2.500 tỷ đồng từ thanh lý tài sản của nhóm Phú Mỹ còn lại và nguồn tiền khác từ nhóm cổ đông Thiên Thanh cho tới thời điểm 30/9/2013.

Các giai đoạn tiếp theo từ 2013 - 2015, kế hoạch được bộ máy lãnh đạo mới đặt ra là đẩy mạnh việc tái cấu trúc về cơ cấu tổ chức, chấn chỉnh hệ thống hoạt động, đẩy mạnh triển khai kế hoạch kinh doanh mới, tập trung chủ yếu vào: xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, nông nghiệp, phát triển nông thôn và các ngành công nghiệp phụ trợ và ngân hàng bán lẻ.

TrustBank sẽ đẩy mạnh huy động vốn nhằm đưa tăng trưởng lên tới 50%, đạt 25.349 tỷ đồng vào cuối 2013; giảm dần vay từ liên ngân hàng; các khách hàng là đối tác chiến lược và khách hàng nông nghiệp. Cơ cấu cho vay tập trung phục vụ doanh nghiệp vừa và nhỏ; giảm cho vay bất động sản, phát triển ngân hàng bán lẻ và khách hàng tín dụng do ngân hàng tự tìm kiếm. Mục tiêu của ngân hàng là khắc phục tình trạng mất cân đối thanh khoản, xây dựng lại hệ thống quản trị rủi ro và nâng cao chất lượng hoạt động mạng lưới chi nhánh.

TrustBank là một trong 9 ngân hàng thương mại phải tái cơ cấu bắt buộc theo yêu cầu của NHNN. Theo đó, phương án mà phía ngân hàng đưa ra là chủ yếu dựa vào các nguồn lực trong nước chứ không phụ thuộc sự "trợ giúp" của NHNN hay các tập đoàn nước ngoài. Trong đó, giải pháp, kế hoạch tái cơ cấu và lộ trình tăng vốn đã được NHNN chấp thuận. Để thực hiện mục tiêu tái cơ cấu, TrustBank cơ cấu cổ đông chiến lược có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị để xây dựng lại TrustBank theo hướng an toàn, bền vững.

Mục tiêu mà TrustBank hướng tới là khắc phục tình hình thanh khoản yếu, xử lý chất lượng tài sản đang suy giảm, khắc phục vấn đề dự phòng rủi ro tín dụng tăng cao. Đặc biệt ngân hàng sẽ xử lý triệt để vấn đề kém thanh khoản, đồng thời triệt tiêu việc cho vay các nhóm có lợi ích liên quan.

Vượt qua khó khăn

Theo báo cáo tài chính năm 2011, TrustBank có tổng tài sản 27.130 tỷ đồng, huy động vốn tăng 35% so với năm 2010, lợi nhuận trước thuế đạt 219 tỷ đồng và có 112 điểm giao dịch khắp cả nước. Trong đó, vốn điều lệ đạt 5.000 tỷ đồng, tăng gấp 14.793 lần so với ngày đầu thành lập, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm là 155%. Việc tăng vốn điều lệ tạo điều kiện tăng cường năng lực tài chính, đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng mạng lưới hoạt động, nâng cao khả năng cạnh tranh... Lợi nhuận trước thuế của TrustBank đến cuối năm 2011 đạt 550 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm là 152%.

Tuy nhiên, TrustBank đã rơi vào khó khăn từ năm 2011 khi lạm phát cao, chính sách tài khóa và tiền tệ bị thắt chặt, thị trường bất động sản đóng băng... Ngân hàng đã dành lượng vốn quá lớn để cho vay và đầu tư vào doanh nghiệp bất động sản, nên thanh khoản suy kiệt và nợ xấu tăng cao. Từ đó bộc lộ sự yếu kém của hệ thống quản lý rủi ro cho hệ thống dẫn tới mất cân đối lớn trong bảng cân đối tài chính... Trước thực trạng trên, ngân hàng buộc phải tái cơ cấu toàn diện nhằm khắc phục, chấn chỉnh và củng cố giúp ngân hàng thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện tại.

Với lộ trình đưa ra là ngân hàng sẽ nhanh chóng khắc phục vấn đề dự phòng rủi ro tín dụng tăng cao, thanh khoản kém nhằm bảo đảm an toàn, lành mạnh, hiệu quả và phát triển bền vững ngay từ đầu năm 2013. Trong chiến lược mới của mình, ngân hàng sẽ tập trung vào những thế mạnh của cổ đông mới để triển khai hoạt động tín dụng vào lĩnh vực xây dựng, cơ sở hạ tầng, sản xuất vật liệu xây dựng và thiết bị nội thất và các ngành công nghiệp phụ trợ... Trước đó, ngân hàng này đã tham gia triển khai các sản phẩm và dịch vụ cho ngành xây dựng, nhà ở phục vụ tái định cư, nhà ở xã hội, nhà trả chậm, bán vật liệu xây dựng trả chậm… với hạn trả đến 5 - 15 năm theo từng loại hình sản phẩm.

Đặc biệt trong chuỗi sản phẩm 4 nhà (ngân hàng, chủ đầu tư, nhà thầu, nhà cung ứng, sản xuất VLXD), TrustBank tích cực hướng tới tham gia cung ứng các dịch vụ và sản phẩm liên quan, nhằm cùng các Ngân hàng quốc doanh hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp ngành xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng. Như vậy, từ những định hướng phát triển mới, TrustBank sẽ từng bước chuyển dịch cơ cấu, để tiến tới mục tiêu chuyên biệt hóa dịch vụ ngân hàng mang tính chất đặc thù của riêng mình.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]