Từ điên rồ đến thành công của CEO công ty giá 3 tỷ USD

Ở tuổi 26, Keith Krach trở thành Phó chủ tịch trẻ nhất trong lịch sử của General Motors. Bốn năm sau, ông từ chối lời đề nghị thăng chức để xây dựng công ty của riêng mình. Và từ đó, thế giới đã thực sự thay đổi khi những "đứa con" của Keith Krach lần lượt ra đời...

0

Phó Chủ tịch 26 tuổi của GM

Krach bắt đầu sự nghiệp của mình ở tuổi 19, khi còn là sinh viên năm hai tại Đại học Purdue trong vai trò nghiên cứu viên tại Tập đoàn General Motors (GM). Tại nhà máy sản xuất ôtô của GM ở Detroit, Krach phải làm việc ca đêm với những đòi hỏi rất khắt khe nhưng ông có được một thứ vô cùng tuyệt vời: “Tôi có khoảng 30 người giỏi nhất trong số những người mà bạn có dịp gặp trong đời cùng làm việc cho tôi”.

Sau khi tốt nghiệp, ông được GM giữ lại làm kỹ sư. Nhưng Krach đang bị cuốn hút bởi lĩnh vực kinh doanh nên thay vì được nhận vào GM cùng chương trình học bổng hấp dẫn gồm học phí, tiền sách vở và một nửa tiền lương, ông lại từ chối để đến học trường kinh doanh Harvard trước khi quay lại GM và làm việc dưới quyền của Rick Wagoner, người sau đó đã trở thành CEO của GM trong vòng 10 năm.

Keith Krach - CEO của công ty Docusign

Krach trở nên nổi tiếng khi dẫn dắt liên minh chiến lược giữa GM và Fanuc, một công ty về robot với thiết bị được sử dụng để sản xuất các sản phẩm của Tesla và Apple và có giá trị hàng tỉ đô la. Liên doanh này nhanh chóng trở thành “người đứng đầu” trong ngành công nghiệp và giúp đưa Krach lên vị trí Phó Chủ tịch trẻ nhất của GM khi mới 26 tuổi.

“Mọi người nghĩ rằng tôi bị điên”

Có thể nói, Krach đã có một sự nghiệp tuyệt vời tại GM. Ông cùng đội ngũ của mình đã từng đánh bại các đối thủ cạnh tranh “sừng sỏ” như GE và IBM. Và hẳn nhiên, ông có một tương lai đầy hứa hẹn tại công ty. Nhưng đó lại là lúc Krach bắt đầu muốn kinh doanh riêng.

Ông từng làm việc với rất nhiều công ty tại thung lũng Silicon vào thời điểm đó và nhận thấy hoạt động khởi nghiệp thực sự thú vị đáng để bắt tay vào làm. Vì vậy, khi GM đề nghị thăng chức cho ông, Krach đã từ chối và chỉ nói đơn giản rằng “Tôi muốn xây dựng công ty riêng của tôi”.

 Nói là làm, vào đúng sinh nhật lần thứ 30, Krach rời bỏ công việc của mình tại GM để chuyển đến Thung lũng Silicon. “Mọi người nghĩ rằng tôi bị điên”, ông nói.

Nhận một cái tát rất mạnh vào mặt

Thung lũng Silicon không như những gì Krach đã tưởng tượng. Ông thường tranh cãi với CEO của công ty khởi nghiệp mà ông tham gia, và cuối cùng, Krach đã từ bỏ công việc chỉ một năm sau đó, ngay khi con trai đầu tiên của ông sắp chào đời. “Nó giống như một cái tát rất mạnh vào mặt. Đó là năm khốn khổ nhất của cuộc đời tôi”, ông chia sẻ.

Rasna - "đứa con" 500 triệu USD và suy tư tuổi 35 của Krach

Dù gặp một số khó khăn, nhưng thời gian làm việc ở Thung lũng Silicon cũng đã giúp ông kết nối với rất nhiều người giỏi và cuối cùng ông đã tìm được một nhóm các tiến sĩ sẵn sàng khởi nghiệp kinh doanh cùng ông. Họ cùng ông lập ra một công ty có tên Rasna, chuyên phát triển phần mềm kỹ thuật cơ khí, và vào năm 1995, Krach đã bán lại Rasna cho Parametric Technology với giá 500 triệu USD.

Đó cũng là lúc Krach phải tiếp tục một chặng đường mới. Tuy nhiên, khi đó, ông bắt đầu băn khoăn: “Tôi ngồi đó, ở độ tuổi 35, với nhiều tiền trong tay hơn tôi từng nghĩ rằng mình sẽ kiếm được, suy nghĩ xem mình sẽ làm gì tiếp theo?”

"Đứa con thứ hai" - Từ con số 0 đến 4,3 tỷ USD

Ở thời điểm đang loay hoay chọn hướng đi mới, Krach nhận được lời đề nghị từ Benchmark Capital để trở thành nhà đầu tư theo diện định cư (entrepreneur-in-residence) đầu tiên của công ty này, một vị trí được trao cho những người muốn phát triển các công ty khởi nghiệp (start-up) khi làm việc cùng các công ty đầu tư mạo hiểm (Venture Capital).

Với mối liên hệ cùng 6 người giỏi nhất của Rasna, ông đã thành lập một công ty start-up mới có tên gọi Ariba. Mục tiêu của Ariba là tạo ra một dịch vụ trực tuyến có thể tăng tốc độ toàn bộ quá trình mua sắm cho các doanh nghiệp, giúp cho những việc như quản lý chuỗi cung ứng, lập hóa đơn thanh toán… trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Nhờ sự tiên phong trong lĩnh vực hợp tác thương mại dựa trên điện toán đám mây, Ariba đã tăng 6 triệu USD chỉ trong hai ngày thành lập vào năm 1996, và biến dòng tiền thành số dương từ quý thứ II. Vài năm sau, vào năm 1999, Ariba trở thành một trong những công ty phần mềm internet đầu tiên chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).

Song, rốt cuộc, Krach cũng rời Ariba vào năm 2001, sau sự suy sụp của các công ty Internet (dot-com). Và sau đó, vào năm 2012, từ một công ty trị giá trên 30 tỷ USD, Ariba được bán cho SAP với giá 4,3 tỷ USD.

Về hưu lưng chừng để trở thành “Ông bố bóng đá”

Sau khi rời Ariba, Krach có 8 năm tận hưởng cuộc sống như một “ông bố bóng đá”, ông dành phần lớn thời gian cho các con, cùng con dành cả năm để đi du lịch khắp thế giới, từ núi Kilimanjaro đến rừng rậm Amazon và sa mạc châu Phi.

Lời mời không thể chối từ của Docusign

Một ngày vào năm 2012, Krach nhận được lời đề nghị tham gia vào Docusign, một công ty phần mềm về chữ ký điện tử. Vào thời điểm đó, Docusign đang tìm kiếm một CEO giỏi giúp đưa công ty lên tầm cao mới, và Krach đã ngay lập tức bị cuốn hút bở ý tưởng kinh doanh đầy tiềm n của Docusign nhưng vẫn dè dặt trong việc quyết định quay trở lại với vị trí CEO, bởi hơn ai hết, ông hiểu rằng công việc đó sẽ khó khăn và vắt kiệt sức đến nhường nào.  

Và chính vợ ông đã khiến ông quyết tâm dấn thân trong vai trò mới khi bà nói: “Tất cả những gì em biết là anh vô cùng hào hứng khi đi dự cuộc họp với hội đồng quản trị của Docusign. Em đã biết Keith trong vai trò người chồng, người cha, hay Keith ở Purdue, nhưng em chưa bao giờ thấy một Keith trong vai trò CEO mà lại vui như vậy”.

Krach đang trải qua quãng đời đẹp nhất của mình cùng Docusign

Thay đổi luật chơi với chữ ký điện tử

“Về cơ bản, hãy nghĩ đến việc bất cứ nơi nào có giấy, thì có đến 9/10 khả năng chúng ta có thể loại bỏ nó”. Điều này nghe có vẻ cường điệu, nhưng nhìn vào danh sách các nhà đầu tư đang muốn mua Docusign như Kleiner Perkins, Accel Partners, Bain Capital, SAP, Microsoft, Salesforce, Intel và Samsung… bạn sẽ phải công nhận Docusign là một trong những công ty khởi nghiệp “hot” nhất trong lĩnh vực công nghệ hiện nay.

Người dùng có thể ký tài liệu điện tử bằng phần mềm Docusign

Một khi trở thành “động từ”, công ty sẽ thực sự thành công

 Krach cho rằng một công ty thực sự thành công khi thương hiệu của nó trở thành “một động từ”, như cách mà từ Google, hay Uber được sử dụng để thay thế cho hoạt động “tìm kiếm trực tuyến”, hoặc “đón taxi”. Ông cho biết, Docusign bây giờ cũng đã trở thành “một động từ”, như trong câu “just docusign it” khi mọi người cần chữ ký điện tử.

Docusign đã nhanh chóng mở rộng sự hiện diện trên toàn thế giới, hiện đạt 50 triệu người sử dụng trên khắp 188 quốc gia với hơn 100.000 công ty sử dụng nó cho việc phê chuẩn tài liệu, giao dịch, cũng như quản lý tiến độ công việc. Hiện Docusign được ước tính trị giá 3 tỷ USD.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]