Tư duy “ăn khoai”

GiadinhNet - Năm ngoái tôi có việc vào miền Trung thăm người bạn thân. Nhà ở miền núi nên ngoài việc làm nông, anh còn tranh thủ nhận khoán mấy héc ta vườn rừng để kiếm thêm tiền cho con cái ăn học.

0

Chỉ tay vào vườn rừng trồng xanh mướt cây cao su, anh hăm hở bảo, chỉ vài năm nữa thôi, con tớ ra Hà Nội học và thứ “vàng trắng” này sẽ là bát cơm, manh áo cho nó kiếm cái bằng cử nhân. Hỏi anh vốn đâu mà làm nhiều vậy, anh bảo “ngân hàng chớ đâu”. Anh cắm cả bìa đất rừng lẫn bìa đất ở, vay mượn lung tung được gần 1 tỷ đồng ném vào cây cao su. Lo lắng thay cho anh về cái độ rủi ro thì anh hớn hở: “Lo gì, Tập đoàn công nghiệp cao su cũng trồng mà”!

Tháng trước, đang ngủ say tôi bị dựng dậy vì tiếng điện thoại réo liên hồi. Số của anh. Tôi ngạc nhiên chắc anh ra Hà Nội chơi hay có tin vui gì đây mới gọi vào cái giờ khuya khoắt này. Nhưng không phải, trong máy là một tiếng nấc dài nghẹn ngào: “Hết rồi! Mất rồi! Cả cánh rừng cao su của tớ đổ như chuối trong bão rồi! Cả tỷ đồng vay ngân hàng đi tong rồi cậu ơi!”. Trời ạ, nghe giọng anh thật thê lương. Giấc mơ cho cô con gái lớn ra Hà Nội học của anh giờ là “giấc mơ anh hàng trứng” thật rồi. Tôi an ủi anh đừng mất niềm tin nhưng chắc chắn anh chẳng thể nào nguôi ngoai được. “Tháng trả gần 20 triệu đồng cả lãi lẫn gốc. Cơ sự này chắc tớ phải bán nhà mất thôi”. Tôi nghe xong, mất luôn cả cơn buồn ngủ!

Ngày hôm qua lại nghe ông phó tổng giám đốc tập đoàn cao su bảo rằng, cái vụ cây cao su gãy đổ vừa rồi ở miền Trung, tập đoàn này chỉ có 2.000 ha trong tổng số 20.000 ha của khu vực này. Nguyên nhân cao su gãy đổ nhiều theo ông là do dân trồng gần biển quá, họ trồng theo kiểu phong trào nên bất chấp điều kiện địa lý, tự nhiên có phù hợp hay không. Chưa hết, ông cũng cho hay, tập đoàn cao su sẽ tiếp tục đưa cây này lên trồng ở khu vực Tây Bắc dẫu cho về quy hoạch hiện tại diện tích trồng đã vượt tới 100.000 ha(?!). Cái “lý” của ông vẫn là theo quy hoạch phân bổ cho tập đoàn chưa đủ và việc trồng được chi phối bởi “thị trường”. Nghĩa là, mấy năm gần đây, cây cao su cho lợi nhuận cao nên phải trồng nhiều nữa.

Cái cơ sở mà ông phó tổng giám đốc tập đoàn cao su đưa ra không phải không có lý. Thế nhưng, nó là một cái “lý” rất khó thực hiện ở đất nước ta. Ở cái nơi mọi quy hoạch chỉ có tầm nhìn ngắn hạn, dẫu có dài cũng chỉ “vài trăm mét”, mọi thứ dễ thành “giấc mơ anh hàng trứng”. Thì đó, câu chuyện toàn dân trồng cà phê ở Tây Nguyên một thời rồi cũng toàn dân đốn hạ cây cà phê một thời có xa đâu. Thì đó, câu chuyện tiêu, điều rớt giá, người dân khóc như ri còn chưa ráo khô trên những khuôn mặt khắc khổ. Cái kiểu “thấy đắt lao vào” của ngành cao su cũng như của người, dễ trở thành một thảm hoạ nợ nần tiền tỷ phải bán nhà như anh bạn tôi vậy.

Buồn thay, cái tư duy “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào” thì lâu nay đã thành “tư duy chung” chẳng của riêng ai. 
 

BLOG rất mong nhận được ý kiến của các bạn xung quanh vấn đề này. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm. Chân thành cảm ơn các bạn.

 
Thường Sơn
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]