Từ gánh nặng nghèo đói phải bỏ học đi bán hàng dạo, tỷ phú Lý Gia Thành đã gây dựng cơ đồ thế nào?

Từ thân phận người nhập cư nghèo khổ, khởi đầu bằng công việc bán hoa nhựa những năm 1950, tỷ phú giàu nhất Hong Kong - Lý Gia Thành - chứng minh cho thế giới thấy làm việc chăm chỉ, bền bỉ là bí quyết để dẫn tới thành công và giàu có.

15.6131

Tuổi thơ cơ cực, tha hương

Lý Gia Thành sinh ngày 13/6/1928 tại Triều Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Dù cha là hiệu trưởng một trường tiểu học, con đường học vấn của ông gặp trắc trở. Năm 12 tuổi, cả gia đình di cư sang Hong Kong, cha ông qua đời vì bệnh lao 3 năm sau đó.

"Ký ức thời thơ ấu đau buồn nhất của tôi là khi chứng kiến cảnh cha đau đớn và chết vì bệnh lao. Chính tôi cũng bị lây bệnh. Gánh nặng của nghèo đói và tủi nhục khi bị cô lập bởi những người xung quanh mãi in lên trái tim tôi những câu hỏi: Liệu tôi có thể thay đổi số phận? Liệu tôi có thể vươn lên bằng những kế hoạch vạch ra cho cuộc đời thật tỉ mỉ?", ông Lý chia sẻ với Forbes trong bài phỏng vấn năm 2010.

Để đỡ đần gia đình đang trong cảnh cùng cực, Lý Gia Thành bỏ dở việc học và bán dây đồng hồ đeo tay và thắt lưng dạo. Gánh nặng gia đình và những vất vả đầu đời giúp chàng trai trẻ có được một tinh thần thép và ý chí quyết tâm rất lớn.

Trong quãng thời gian đó, ông cũng bắt đầu học nghề để trở thành công nhân trong tiệm đồng hồ và sau đó làm trong một xưởng sản xuất đồ nhựa. Do làm việc rất chăm chỉ và thật thà, ông được đề bạt lên vị trí giám đốc xưởng sản xuất khi mới 20 tuổi.

Năm 1950, Lý thành lập nhà máy nhựa của riêng mình tại Hong Kong. Năm 1958, ông là chủ của công ty Cheung Kong Industries chuyên sản xuất hoa nhựa.

Từ công ty nhựa tới ông chủ tập đoàn

Năm 1958, khi chủ xưởng sản xuất nâng giá cho thuê, Lý Gia Thành đã có đủ tiền mặt để mua lại toàn bộ nhà máy. Đây cũng là thương vụ đầu tư vào bất động sản đầu tiên của ông. Cheung Kong Industries đổi tên thành Cheung Kong Holdings vào năm 1971, phát cổ phiếu lần đầu ra công chúng một năm sau đó. Năm 1979, ông Lý là chủ doanh nghiệp tư nhất lớn nhất Hong Kong.

Nối tiếp thành công ban đầu, ông Lý mở rộng hoạt động của công ty theo hướng mới, thông qua việc mua lại công ty đầu tư Hutchison Whampoa của Anh vào năm 1979. Ông trở thành người Trung Quốc đầu tiên kiểm soát một trong những công ty lâu đời của Anh vốn thống trị nền kinh tế Hong Kong.

Những năm 1980, Lý chuyển hướng Hutchison Whampoa sang mảng viễn thông.

Ông cũng mạnh dạn đưa Hutchison Whampoa tiếp cận một loạt doanh nghiệp khác. Những thỏa thuận, hợp đồng liên tục được ký kết. Khi đó, ông được người trong giới gán biệt danh “Superman" (Siêu nhân).

Trong những năm 1980, Hutchison Whampoa mở rộng hoạt động của các cảng container. Năm 1985, công ty đã mua lại 33% cố phần của Hongkong Electric Holdings. Từ đó, ông bắt đầu mở rộng đế chế kinh doanh của mình ra bên ngoài châu Á, bắt đầu ở Canada.

Năm 1985, Lý cho ra mắt Hutchison Telecommunications, dịch vụ điện thoại di động. Ngay lập tức, nó trở thành đối thủ tầm cỡ trong ngành viễn thông Hong Kong những năm 1990.

Đế chế kinh doanh của "đại gia" họ Lý bao gồm nhiều lĩnh vực, từ bất động sản, cảng biển, điện thoại di động, siêu thị, cho thuê máy bay đến dầu mỏ. CK Hutchison Holdings, công ty lớn nhất của ông Lý (nếu xét theo tài sản phi bất động sản) hoạt động ở 56 quốc gia tính đến cuối năm 2015. Phần lớn tài sản của ông là cổ phần ở các công ty đã niêm yết, bao gồm công ty bất động sản Cheung Kong, công ty Hutchison Whampoa và tập đoàn sản xuất dầu khí Husky Energy (HSE) của Canada.

Hai tập đoàn lớn của ông Lý là Cheung Kong và Hutchison Whampoa hoạt động đan xen. Cheung Kong Holdings có 49,9 % cố phần tại Hutchison Whampoa, và đổi lại Hutchison Whampoa góp 85% cổ phần tại Cheung Kong.

Cheung Kong, với 175.000 nhân viên trên toàn thế giới và hoạt động tại 39 quốc gia, cuối cùng chuyển sang hoạt động trong dịch vụ công nghệ sinh học và Internet. Đầu năm 2004, các công ty khác nhau thuộc Cheung Kong chiếm 11,5% tổng vốn hóa thị trường Hong Kong.

Còn Hutchison Whampoa là nhà khai thác cảng lớn nhất thế giới tính đến năm 2004. Trong khi đó phân khúc bán lẻ và sản xuất chiếm hơn 40% của doanh số của công ty đa nghành này, với hàng nghìn cửa hàng bán lẻ trên khắp châu Âu và châu Á. Tuy vậy, việc kinh doanh của Hutchison Whampoa không phải lúc nào cũng “xuôi chèo mát mái”. Năm 2013, công ty này vướng phải một cuộc đình công lớn và hứng chịu nhiều chỉ trích của các liên đoàn lao động.

Với đế chế kinh doanh hùng mạnh, năm 2001, ông Lý được tạp chí Asiaweek chọn là người đàn ông quyền lực nhất châu Á. Với giá trị tài sản ròng lên đến 29,5 tỷ USD (tính đến ngày 12/1/2016), tỷ phú Lý là người dẫn đầu danh sách 50 người giàu nhất Hong Kong và đứng thứ 31 trong danh sách "Những người quyền lực nhất thế giới năm 2015" do tạp chí Forbes bình chọn.

Chia sẻ về bí quyết làm giàu, tỷ phú họ Lý từng nói: "Chỉ khi nào bản thân nhận thức rõ việc kiếm tiền không phải là chuyện dễ, lúc đó chúng ta mới trở thành một người có trí tuệ, mới thực sự thành công trong lao động. Danh lợi không phải là điều quan trọng nhất; làm kinh tế không có chữ tín sẽ không thành; Sống lương thiện mới là nguồn tài nguyên dồi dào; Bền bỉ là pháp bảo của giàu sang".

Giản dị và nhân ái

Trong một bài báo trên tạp chí Forbes năm 2010, doanh nhân Lý chia sẻ, niềm vui lớn nhất của ông là được làm việc chăm chỉ và kiếm nhiều lợi nhuận hơn.

Sở hữu khối lượng tài sản khổng lồ, song Lý không bao giờ nhận mình là ông trùm của giới tài chính Hong Kong. "Tôi cho rằng việc bạn có là một tỷ phú hay không không quan trọng. Quan trọng hơn cả là cuộc sống của bạn có ý nghĩa và mọi người có tin tưởng, ngưỡng mộ bạn hay không", tỷ phú nay đã 88 tuổi từng chia sẻ.

Trong nhiều năm, ông Lý vẫn đeo chiếc đồng hồ trị giá 500 USD. "Giả sử đồng hồ này có giá vài trăm nghìn USD, tôi sẽ phải rất cẩn trọng. Nhưng khi nó có giá vài trăm USD, tôi có thể chơi golf, bơi lội hay tập thể dục mà không cần phải quá cẩn thận", người đàn ông với nụ cười đôn hậu chia sẻ.

Tỷ phú Lý "khoe" chiếc đồng hồ trị giá 500 USD mà ông đã gắn bó trong nhiều năm. Ảnh: B.I

Quãng thời gian thơ ấu cơ cực luôn in sâu trong tâm trí vị tỷ phú tài năng và thôi thúc ông làm nhiều việc thiện. Quỹ từ thiện mang tên Lý Gia Thành cùng các quỹ khác do ông sáng lập đã hỗ trợ rất nhiều hoạt động nhân đạo trên khắp thế giới.

Ý nghĩa của từ "Siêu nhân" mà mọi người vẫn hay gọi ông từ đó cũng trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết, bởi không chỉ tài năng, tỷ phú họ Lý còn mang trong mình một trái tim nhân hậu.

PV

Theo Trí Thức Trẻ

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]