Bài 1: “Cải lão hoàn đồng” cho di tích

Sững sờ, bàng hoàng. Đó là cảm giác của chúng tôi khi có mặt tại đình làng Bồng Lai ngày 24.7 vừa qua. Ngôi đình cũ hàng trăm năm tuổi đã biến mất, thay vào đó là tòa tiền tế mới đã dựng xong, chói chang màu gỗ đỏ, ngói đỏ và tòa hậu cung đang được gấp rút thi công.

Di tích trăm năm
Đình làng Bồng Lai thờ Yết Kiêu - một danh tướng thời Trần thông thạo về thủy chiến. Đình có 4 tòa, kết cấu theo kiểu “tiền chữ nhất, hậu chữ công”, được xác định xây từ thời Lê, trùng tu vào thời Nguyễn, nhưng vẫn còn giữ được rất nhiều mảng chạm mềm mại, uyển chuyển từ thời Lê. Trong đó, tòa tiền tế tập trung nhiều mảng chạm khắc tinh tế nhất. 
Ngoài ra, đình còn lưu giữ được 13 sắc phong của các triều Lê, Tây Sơn, Nguyễn. Lễ hội chính của làng Bồng Lai diễn ra từ ngày 13 - 15.2 (âm lịch). Năm 2013, đình được công nhận là di tích cấp tỉnh. 
Vậy nhưng, công trình này đã bị tháo dỡ, xây mới một cách rất nhanh. Tòa tiền tế được khởi công xây mới từ đầu tháng 4.2014, đến tháng 6 khánh thành. Tòa tiền tế mới có rất nhiều điểm khác so với tòa tiền tế cũ: Nền được tôn cao hơn, có bậc thang để đi lên (trước không có); những con rồng trên mái tòa tiền tế mới cũng rất khác so với trước. Mặt trước của tòa tiền tế cũng hoàn toàn đổi khác. Và không biết vô tình hay hữu ý, dân làng ở đây đã treo một tấm ảnh chụp tòa tiền tế cũ ngay trước cổng đình, khiến nhiều người đến đây, lập tức đã nhận ra sự “cải lão hoàn đồng” của di tích này. 
“Làm củi thôi”

 

Sáng 24.7, khi chúng tôi có mặt tại đình, không khí xây dựng tòa hậu cung đang diễn ra khẩn trương, để hết tháng 8 thì hoàn thành. Theo tìm hiểu, để “cải tạo, nâng cấp” đình, dân làng đã góp tiền để mua gỗ, nguyên vật liệu, trả công thợ mộc. Còn nhân lực thì người trong làng tự làm. 


 

Đình Bồng Lai trước khi bị tháo dỡ, xây dựng mới 
Trưởng ban bảo vệ đình - ông Trần Văn Đồng, “tổng chỉ huy” công trình - tóm gọn cách “cải tạo, nâng cấp” là nâng nền, cái gì cũ hỏng thì thay mới; phần mái thì làm mới; phần còn tốt thì giữ. “Nếu có bộ phận gỗ nào làm mới thì cũng phải “tạc ra” giống như các cụ làm, rồi “in” vào đúng như thế” - ông Đồng nói. Khi được hỏi: “Nếu làm mà sai nguyên mẫu của các cụ thì sao”?, ông Đồng khẳng định: “Sao mà sai được. Mình làm theo hồ sơ, theo ảnh đã chụp chứ”. 
Cũng phải ghi nhận một điều, những cấu kiện gỗ còn tốt từ đình cũ được người dân giữ lại và lắp vào công trình mới. Tuy nhiên, “điểm sáng” ấy không thể che mờ một điều: Dân làng đang xâm hại di tích, phớt lờ quy định của pháp luật.
Khắp khuôn viên đình ngổn ngang gỗ mới, gỗ cũ, gạch mới lẫn gạch cũ. Rất nhiều gỗ bị rỗng, hỏng được hạ giải từ đình cũ nằm “phơi sương, dầm nắng” nơi sân đình. Khi được hỏi sẽ làm gì với số gỗ cũ này, ông Đồng cho biết: “Gỗ hỏng rồi, làm củi thôi, cho đấu thầu, được đồng nào hay đồng ấy”. 
Dân làng, với lòng nhiệt thành, nhưng lại phớt các quy định, xâm hại di tích đã là điều đáng nói. Nhưng đáng nói hơn là sự quan liêu, thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương và cơ quan quản lý...
Bài cuối: Như là... chuyện đùa