Từ trại trẻ mồ côi đến Hợp xướng Kỳ diệu

TP - Nghệ sĩ piano Trang Trịnh và phu quân- ca sĩ Pak Sung Min, trở lại với dự án âm nhạc miễn phí dành cho trẻ em khó khăn tại Hà Nội.

15.599
Hợp xướng Kỳ diệu biểu diễn ra mắt báo giới. Ảnh: BTC cung cấp

Dự án dựa theo mô hình El Sistema của Venezuela đã được áp dụng thành công ở Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Úc, Canada... Thành quả đầu tiên của dự án tại Việt Nam là buổi biểu diễn của Hợp xướng Kỳ diệu vào 17h30 ngày 14/6 tại trường BVIS- 72A Nguyễn Trãi, Hà Nội.

Hợp xướng gồm 18 em nhỏ ở lứa tuổi tiểu học đến từ 3 trung tâm: Làng trẻ SOS, Trung tâm Đào tạo việc làm cho Trẻ em Tàn tật Việt Nam và Trung tâm Bảo trợ Trẻ em số 3. Sùng A Lự - cậu bé người rừng trước đây sống trong hang đá cùng cha và em trai qua hai năm được sống và chăm sóc ở Hà Nội, nay trở thành lớp trưởng của Hợp xướng.

Mùa hè năm ngoái, các tình nguyện viên của dự án đã đến hầu hết các trung tâm bảo trợ và nuôi dưỡng trẻ em ở Hà Nội để đặt vấn đề tuyển chọn và đưa các em đến trường quốc tế Anh Việt BVIS học nhạc vào mỗi chiều Chủ Nhật, nhưng hầu hết nhận được cái lắc đầu nghi ngờ. Chỉ có 3 nơi kể trên tin tưởng gửi gắm các em nhỏ. 

Nếu các chương trình nhân đạo khác thường có xu hướng truyền thụ kiến thức âm nhạc cho vui, thì Hợp xướng Kỳ diệu đặt chất lượng âm nhạc lên hàng đầu với mong muốn thông qua giáo dục âm nhạc thay đổi cuộc sống, tính cách của các em nhỏ. 

“Việc tập luyện trong một dàn hợp xướng dạy các em bài học về cuộc sống”, Trang Trịnh chia sẻ. “Giọng hát như nhạc cụ riêng của mỗi người. Khi tập luyện, các em sẽ biết cách lắng nghe nhau, hòa hợp cùng nhau tạo thành bản nhạc. Chúng tôi không từ chối bất cứ một em nhỏ nào không có tiền trả học phí”.

Trang Trịnh đi thăm một số nơi ở Mỹ (New York và Boston) có dự án El Sistema. Ở đó họ tổ chức cho các em nhỏ học nhạc cụ theo nhóm. BTC thông qua các trường học, cụm dân cư để tìm kiếm các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Và có thể các em phải nộp học phí với mức tùy theo thu nhập của cha mẹ.

El Sistema không ràng buộc về tài chính nhưng có hỗ trợ về chiến lược, giáo trình, chia sẻ kinh nghiệm với 56 nước ứng dụng mô hình này. Các giáo viên của dự án ở Việt Nam được chuyên gia từ Boston sang huấn luyện cách dạy học theo nhóm. 

Trang Trịnh và chồng tự tìm kiếm tài trợ cho dự án. Họ đã nhận được sự giúp đỡ ban đầu của Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc, cùng một số nhà hảo tâm giấu tên. Buổi diễn chiều 14/6 cũng là để gây quỹ cho các khóa đào tạo tiếp theo: Làm quen với các nhạc cụ dân tộc Việt Nam và dàn nhạc giao hưởng.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]