Những thảm kịch gia đình xẩy ra dồn dập trong xã hội và rộ lên trên báo chí những năm gần đây. Chỉ điểm một ngày, một tuần hay một tháng vừa trôi qua thôi, thiên hạ đã quá sửng sốt vì những bi kịch đau lòng vốn trước đây thuộc loại “xưa nay hiếm”.
Hai bà mẹ nông dân hiền lành, chưa có tiền án tiền sự bỗng dưng giết chết con mình. Một trẻ lên tám và đứa kia, mới hai tháng tuổi. 
Hai ông thông gia đang mặn nồng tình nghĩa, cũng bỗng dưng giết nhau, một người bị đâm, người kia tự sát và cả hai cùng chết vì “tranh cãi bóng đá”, trong một cuộc nhậu gia đình. 
Chuyện vợ chồng giết nhau, nghịch tử giết cha mẹ hay ngược lại, xẩy ra khá nhiều cũng đều vì những lý do lãng nhách không thể hình dung nổi. Cũng không chỉ trong tầng lớp nghèo, ít học mà cả trong lớp khá giả trí thức.
 
 Những thảm kịch gia đình xảy ra ngày càng nhiều trong xã hội - Ảnh: Minh họa (TL)
Vì ghen? Vì sinh kế quẫn bách? Vì bế tắc trong cuộc sống? Vì thiếu một lẽ sống vững vàng? 
Nhưng làm sao lý giải được nếu như chỉ vì những nguyên nhân trời ơi đất hỡi và muôn thuở như thế mà một người mẹ có thể tự tay đâm chết hay ghì con vào ngực đến chết vì nghẹt thở? Phải chăng tình làng nghĩa xóm, tình sui gia, đạo hiếu ngàn năm, luân lý thông thường nhất không còn là chất kết dính, chất nuôi dưỡng tâm hồn con người nữa.
Theo nghiên cứu của cố BS Nguyễn Khắc Viện, xã hội ta có tới 28% số người có triệu chứng tâm thần từ thấp tới cao.
Chuyện khó hiểu, bất thường, hy hữu mấy cũng có nguyên do, gốc rễ. 
Không ai phủ nhận nguyên nhân hàng đầu là những bất cập, bất ổn hay khủng hoảng của xã hội, đặc biệt là sinh kế bức xúc, bế tắc trong đời sống, nạn thất nghiệp, sự tuyệt vọng trong cuộc tìm cho mình con đường đến tương lai. 
Tóm lại là khủng hoảng của thế giới, khủng hoảng của xã hội Việt Nam với sự xuống cấp văn hóa, giáo dục, y tế và nhiều mặt khác đã giáng những đòn choáng váng đến tâm lý não trạng nhiều người, rất nhiều người.
Nhưng chúng ta đã nhìn nhận vấn đề tâm lý, não trạng của con người hiện đại như thế nào? 
Có thể nói là một khoảng trống đáng sợ. Từ rất lâu trước đây quả thật chúng ta đã quay lưng lại với học thuyết Freud cũng như thuyết di truyền, một thời ấu trĩ tuy đã được sửa sai nhưng cũng đã kịp gây hậu quả không nhỏ. 
Rồi chiến tranh, đi đôi với đói nghèo, người ta đôn đáo lo ăn mặc mà lãng quên cuộc sống tinh thần vốn có đòi hỏi cao gấp ngàn lần thể xác. Cuộc sống đô thị hóa nhanh chóng, cộng với hiện đại hóa trên cơ sở mới thoát nghèo cùng những đổ vỡ hàng loạt khái niệm đạo đức, luân lý cổ truyền đã gây ra những bức bối tâm lý.
 
Đã đến lúc ở các bệnh viện lớn cần có khoa tâm lý chứ không chỉ có ở bệnh viện tâm thần 
Hãy lấy bối cảnh một số gia đình hiện đại. Thanh niên lũ lượt rời quê ra thành phố làm ăn, để lại cảnh cô đơn của người già. Ngay ở thành phố, hiếm khi có những cặp vợ chồng được ăn cơm thường xuyên với nhau. Trẻ con bị nhốt trong nhà mình rồi trong nhà trẻ. Trẻ con thành phố - và ngay cả nông thôn thời nay - không có bạn chơi, bạn của chúng là bố hoặc mẹ, những người không biết chơi ú tim, đánh đáo mà chỉ luôn mồm răn dạy chúng phải thế này, thế kia.
Đến trường là đụng phải một chương trình giáo dục nặng như chì, với áp lực thi cử căng thẳng quanh năm. Lớn lên không phải trong một gia đình vui vẻ, bình thường mà trong “cái chuồng” như thế, trẻ con rất dễ bị bệnh tâm lý tự kỷ (autism) - “đặc sản” thường gặp của thời hiện đại, mỗi ngày một nhiều trong nước ta. 
Khủng khoảng cao độ hơn thì dẫn tới các loại bệnh tâm thần nặng nhẹ từ rối loạn tâm thần thể nhẹ đến tâm thần phân liệt thể nặng. Có lần, gặp cố BS Nguyễn Khắc Viện, ông có nói với tôi rằng, theo nghiên cứu của ông, xã hội ta có tới 28% số người có triệu chứng tâm thần từ thấp tới cao. Con số có thể tranh cãi nhưng vấn đề “triệu chứng tâm thần” nhìn đâu cũng thấy hiển nhiên là có.
 
 Trẻ em ngày nay dễ bị bệnh tâm lý tự kỷ - Ảnh: Minh họa (TL)
Chuyện khám bệnh, tư vấn chạy chữa bác sĩ tâm lý là rất phổ biến ở các nước khác. Trong một quốc gia bình thường, người dân có nhiều địa chỉ để xin tư vấn tâm lý. Đó là bác sĩ tâm lý riêng của gia đình hay ở bệnh viện, cha cố, thầy chùa, thầy học và các bậc cao tuổi. Nhưng thường chỉ có bác sĩ tâm lý đào tạo bài bản mới có thể cập nhật thành tựu của khoa học tâm lý để “hóa giải” cho người bệnh những bức xúc thường rất kỳ quái do xã hội hiện đại đưa tới.
Những chuyện bình thường ấy ở xã hội khác đã thành xa xỉ với dân ta. Dân ta chưa được hưởng thành tựu của khoa học tâm lý, hoặc được hưởng rất muộn. Hình như trong suy nghĩ khá nhiều người, bệnh tâm lý chưa chết ai, chưa cấp bách bằng ung thư hay chảy máu dạ dày. 
Nhìn ngoài thì như thế, nhưng khủng hoảng tâm lý có thể dẫn tới tàn phế tinh thần hay phát sinh manh động trong hành vi, cử chỉ nếu không được xử lý chu đáo. Nếu hai người đàn bà vừa giết con được gặp bác sĩ tâm lý, được chia sẻ nỗi niềm và nhận được lời khuyên thì có thể tội ác đã không xẩy ra. Một lời khuyên đúng lúc với kẻ tuyệt vọng còn hiệu quả hơn ôm ngang lưng họ trước khi họ nhảy xuống cầu.

Não trạng một xã hội, một dân tộc quyết định sự tồn vong còn hơn rất nhiều vai trò của các nền kinh tế.
Gần đây nhận thức trong xã hội với bệnh tâm lý có khá hơn trước nhưng chưa đủ. Nhiều cột tư vấn trên báo chí hay các trung tâm tư vấn qua điện thoại có vẻ như chỉ là muối bỏ bể. Vừa ít lại không kịp thời. 
Đã đến lúc ở các bệnh viện lớn cần có khoa tâm lý chứ không chỉ có ở bệnh viện tâm thần. Đó là nơi có thể giúp bệnh nhân rất nhiều và cứu bệnh viện tâm thần khỏi nạn quá tải. 
Những phòng mạch tâm lý cần cho thành thị lẫn nông thôn. Và tại sao những người khá giả chỉ nghĩ tới cho người nghèo mì tôm và áo cũ để làm từ thiện mà chưa thấy ai nghĩ tới giúp đỡ họ giải tỏa những khúc mắc nghiêm trọng của tâm lý. 
Não trạng một xã hội, một dân tộc quyết định sự tồn vong còn hơn rất nhiều vai trò của các nền kinh tế. Rõ ràng là dân ta chưa được hưởng một chiến lược chăm sóc phần hồn có hiệu quả, mang tính nhân văn cao chứ không phải là những “phong trào” hình thức, giả dối và không thực chất kiểu những tấm biển “gia đình văn hóa”, “thôn văn hóa” hay “khu phố văn hóa” treo la liệt khắp nơi. 
Hãy cứu chữa tâm hồn con người từ bản thân đến gia đình để giải quyết tội ác từ gốc chứ không phải chỉ bằng tòa án hay các nhà tù đang quá chật chội và tốn kém.

Tôi không biết Bộ Y tế, Giáo dục & ĐT cùng những cơ quan chức năng hữu quan đã có chiến lược gì với một vấn đề hệ trọng như thế. Nhưng hiện trạng của một xã hội bất an ngày càng gây lo âu cho tất cả chúng ta buộc chúng ta phải đối mặt từng giờ với chúng.

Nguyễn Quang Thân
Ảnh: Tư liệu