Tự truyện Nick Vujicic (P9): Cách trao yêu thương

(GDVN) -Khi tôi thừa nhận rằng Chúa yêu thương tôi và có mục đích dành cho tôi, sự tự nhận thức về bản thân của tôi thay đổi và cả thái độ, hành động của tôi cũng vậy.

0
LTS: "Cuộc sống không giới hạn" và "Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng" là hai cuốn tự truyện của chàng trai không tay không chân kỳ diệu nhất hành tinh Nick Vujicic. Không có tay, Nick Vujicic vẫn chạm tới trái tim của hàng triệu người mỗi khi hiện diện. Không có chân, Nick vẫn đi tới khắp mọi nơi trên toàn thế giới.

Nhân sự kiện Nick Vujicic đến Việt Nam vào tháng 5 tới, Báo Giáo dục Việt Nam đăng tải một số đoạn trích chọn lọc trong hai cuốn tự truyện của anh.

Từ nhỏ, Nick Vujicic đã mang nặng mặc cảm về khuyết tật của mình và nhiều lúc chỉ muốn chết. Nhiều lần tự tử không thành, Nick trở về với cuộc sống thực tại với những câu hỏi đầy ám ảnh như: "Tại sao cậu không có chân tay?"...

Nick Vujicic là người Australia, khi được sinh ra đã không có tay và chân. Nick bị hội chứng tetra-amelia bẩm sinh, một loại rối loạn hiếm gặp, gây ra sự thiếu vắng cả 4 chi. Khi còn thơ ấu, Nick đã phải đấu tranh cả về tinh thần, tình cảm cũng như thể xác.


Khi tôi thừa nhận rằng Chúa yêu thương tôi và có mục đích dành cho tôi, sự tự nhận thức về bản thân của tôi thay đổi và cả thái độ, hành động của tôi cũng vậy. Điều đó không xảy ra chỉ sau một đêm, nhưng qua thời gian tôi đã không né tránh việc giao tiếp với các bạn học ở trường và ở nơi tôi sống nữa. Tôi không còn trốn trong phòng dạy nhạc một mình để khỏi phải giao lưu với các bạn học trong giờ nghỉ ăn trưa. Tôi thôi không giấu mình sau bụi cây ở sân trường. Cha mẹ tôi đã khuyến khích tôi bắt chuyện với bạn bè thay vì đợi họ tìm đến tôi trước. Cuối cùng tôi đã bước ra khỏi cái vỏ ốc của mình và tôi phát hiện ra rằng khi mọi người biết và hiểu tôi, họ chấp nhận tôi và phát hiện ra tôi là người có thể khích lệ người khác. Quan trọng hơn, tôi đã chấp nhận bản thân mình.

Khi tôi chưa thoát ra khỏi nỗi sợ bị từ chối, không ai có thể biết con người Nick thực sự. Tôi cảm thấy thương cho bản thân mình, và mọi người cảm thấy thương hại tôi. Nhưng khi tôi chia sẻ những gì tôi đã đạt được với các bạn học, họ cùng khen ngợi những thành tích đó. Khi tôi cởi mở trước sự tò mò và những câu hỏi của họ về tình trạng thiếu chân tay của tôi, nói chuyện một cách thoải mái với họ, cười với họ, họ trở thành bạn của tôi.

Nick Vucijic hạnh phúc cùng vợ

Sự tôn trọng của bạn bè giúp tôi nâng cao sự tự ý thức về bản thân và khiến tôi thêm tự tin để trở nên cởi mở hơn. Tôi hiểu ra rằng sự khác biệt về hình thể chỉ trở thành trở ngại nếu như tôi cho phép nó như vậy. Có một số việc tôi không thể làm, nhưng tôi thường khiến chính bản thân mình và người khác ngạc nhiên bằng cách tìm ra những cách khá khéo léo để vượt qua thách thức. Tôi trượt ván, bơi, vượt nhiều bạn học về thành tích học tập, đặc biệt với môn toán và – thật ngạc nhiên – về khả năng diễn thuyết!

Khi tôi hiểu được giá trị của bản thân mình, tôi biết coi trọng người khác hơn. Họ đáp lại sự coi trọng mà tôi dành cho họ bằng cách coi trọng tôi. Kinh Thánh dạy chúng ta hãy yêu hàng xóm như yêu chính bản thân mình. Nếu bạn yêu và chấp nhận bản thân mình, thì bạn sẽ giàu tình yêu thương hơn, dễ chấp nhận người khác hơn. Bạn tạo ra một môi trường trong đó tình bạn và tình yêu dành cho người khác có thể được nuôi dưỡng, vun bồi. 

Bạn đối với bản thân mình như thế nào thì người khác sẽ đối với bạn như thế. Nếu bạn không tôn trọng bản thân mình thì làm sao bạn có thể mong người khác tôn trọng bạn? Nếu bạn không yêu quý bản thân, thì người khác có thể yêu quý bạn được chăng? Tất nhiên là không. Nhưng nếu bạn thoải mái với chính mình, thì người khác sẽ cảm thấy thoải mái về sự có mặt của bạn. Nếu bạn làm cho người khác cảm thấy tốt về bản thân họ bởi sự tin cậy, khích lệ, chấp nhận mà bạn dành cho họ, thì tôi tin tình yêu sẽ tìm thấy bạn. 

Khi tôi diễn thuyết trước đám đông học sinh và các nhóm thanh thiếu niên tại các nhà thờ, tôi luôn nói với họ rằng Chúa yêu họ vì chính bản thân họ. Tôi nói với họ rằng họ đẹp và rằng họ cần coi trọng bản thân mình như Chúa coi trọng họ. Đó là những lời nói đơn giản. Tuy nhiên mỗi lần tôi nói ra những lời đó, tôi thấy nhiều người xúc động đến rơi lệ. Tại sao lại như vậy? Đó là bởi vì những người trẻ tuổi thường nghĩ rằng họ phải trở nên hợp thời (hợp với số đông) nếu không họ sẽ bị loại. Họ cũng thường cảm thấy cần phải có một vẻ ngoài ưa nhìn, quần áo thời trang, phải thế này, thế kia mới được chấp nhận. Nhưng không phải vậy. Chúa chấp nhận tất cả chúng ta như chúng ta vốn có. 

Giờ đây có thể người nào đó mà bạn yêu thương và tin cậy đã làm tan vỡ trái tim bạn. Tôi biết nói điều này chỉ an ủi được bạn chút ít thôi, nhưng tôi cần phải nói rằng nhiều người khác, trong đó có cả tôi, đã từng trải nghiệm cái điều chẳng dễ chịu chút nào đó. Nhưng sự tan vỡ và phản bội không làm cho bạn trở thành người vô giá trị. Một mối quan hệ tan vỡ chỉ có nghĩa rằng đó là một mối quan hệ không thích hợp với bạn mà thôi. Giờ đây tôi biết rằng có thể bạn thấy thật khó hiểu vì sao mọi chuyện lại trở nên tồi tệ như thế, nhưng một ngày nào đó bạn sẽ hiểu. Còn bây giờ bạn đừng nên phạm phải cái việc sai lầm là bấm nút tắt đối với khả năng yêu và được yêu của bạn. Trong một thời gian, tôi đã không tin rằng Chúa tạo ra một người phụ nữ dành cho tôi. Tôi cô đơn và cố thúc đẩy tình bạn thành tình yêu ngay cả khi tình cảm của tôi không được đáp lại. Nhưng Kanae đã dạy tôi về sự cao đẹp của tình yêu thực sự, trong đó cả hai người đều được cho và được nhận tình yêu. Sự cô đơn có thể khiến bạn cảm thấy rằng bạn nên chấp nhận một mối quan hệ tình cảm khiến bạn dễ chịu hơn dù thiếu ánh sáng của tình yêu. Nhưng bạn không nên thỏa hiệp với tình yêu. Thay vì thế, bạn hãy tin ở tình yêu. 

* Còn tiếp


0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]