Tục lệ đón năm mới rợn tóc gáy nhất thế giới

Bạn có bao giờ nghĩ sẽ đón giao thừa ở nghĩa trang âm u? Tục lệ rợn tóc gáy này lại tồn tại ở một số khu vực tại Chile hay Iraq.

0

Talca là một thị trấn nhỏ ở Chile với phong tục đón năm mới đầy kỳ bí trong nghĩa trang. Vào đêm giao thừa, thị trưởng sẽ cho mở cửa các nghĩa trang lúc 23h đêm. Trong bóng tối âm u, người dân lục đục kéo nhau đến đây. Không gian bừng sáng với ánh nến lung linh và nghĩa trang trở thành nơi tiệc tùng lý tưởng. Người dân nơi đây tin rằng những thân nhân đã khuất đang chờ họ đến cùng tận hưởng năm mới.

Truyền thống này được bắt đầu từ năm 1995 khi một gia đình ở địa phương này trèo rào vào nghĩa trang đúng đêm giao thừa để đón năm mới cùng cha của họ. Từ đó nhiều gia đình cũng hưởng ứng cách đón chào năm mới kỳ lạ này. Giờ đây năm nào cũng có hơn 5.000 người đến các nghĩa trang ở thị trấn để tận hưởng khoảnh khắc chào năm mới.

Những người phụ nữ ở cộng đồng Yezidi (phía bắc Iraq) cũng phải đón giao thừa giữa... các nấm mộ. Năm mới của người Yezidi có nghĩa là bắt đầu một bàn tiệc tưởng nhớ người đã khuất. Khi bóng đêm ập xuống, những người phụ nữ lặng lẽ tới nghĩa trang gần đó với các khay đựng thức ăn trong khi cánh đàn ông vẫn ở trong làng. Các nấm mồ nhanh chóng biến thành bàn ăn với những quả trứng màu sắc, hoa màu đỏ và khung ảnh của người đã khuất.

Theo quan niệm của họ, vị thần Công Tawsu Melek đã đem màu sắc trên bộ lông công sặc sỡ của mình rải khắp thế giới. Chính vì thế những quả trứng được tô màu thể hiện bảy sắc cầu vồng của Tawsu Melek đã ban phước cho thế giới. Trong khi đi từ ngôi mộ này sang ngôi mộ khác, những người phụ nữ khóc than sầu thảm giữa không gian u tịch lạnh lẽo. Sau đó họ trải hăn lên nền đất giữa các nấm mộ và ăn đồ vừa cúng lễ. Còn nam giới ở nhà chúc tụng nhau nhân dịp năm mới.

Đêm giao thừa cũng là thời điểm người dân Mexico tin rằng tốt nhất để người còn sống giao tiếp với người đã khuất. Chính vì thế họ tìm cách trò chuyện với người thân. Nghi thức này không được người Mexico thực hiện ở nhà nhưng được thực hiện một cách hợp pháp tại các cơ sở tâm linh. Cơ sở Taos Unn ở New Mexico thu 15 USD cho 15 phút trò chuyện này. Người còn sống thường gửi những thông điệp hoặc xin lời chỉ dẫn cho năm mới.

Đốt ảnh chân dung được coi là điều kiêng kỵ ở một số tín ngưỡng nhưng lại là tục lệ phổ biến ở Ecuador vào đêm giao thừa. Khi chuông điểm 12h, người dân tụ tập bên ngoài nhà, cầm trên tay những bức ảnh nhắc họ nhớ lại những tai nạn, sự cố hoặc những điều không may trong năm qua. Họ đem đốt những bức ảnh này với niềm tin rằng sẽ giúp họ xua đuổi vận đen trong quá khứ và tiến tới tương lai tốt đẹp.

Một số người khác còn nhảy qua ngọn lửa 12 lần, tượng trưng cho 12 tháng để loại bỏ vận đen. Tục lệ này được cho là có từ năm 1895 khi xảy ra đại dịch sốt vàng da vào thời điểm đo, thi thể các nạn nhân được hỏa thiêu.

Post by Báo Tiền Phong.

Theo Người Đưa Tin

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]