Túi ni-lông đựng thức ăn có thể gây ung thư, giảm trí thông minh

(Xã hội) - Lâu nay, túi ni-lông được coi là một vật dụng rất quen thuộc trong đời sống của chúng ta. Tuy nhiên, đi đôi với việc rẻ và tiện lợi, liệu túi ni-lông có thực sự an toàn cho sức khỏe của người sử dụng?

15.4414

Túi ni-lông có sạch và an toàn?

Hiện nay, đối với hầu hết việc mua bán đồ dùng, thực phẩm, người Việt đều sử dụng túi ni-lông như một loại vật dụng tối ưu. Đồ ăn sống như: Thịt, tôm, cá, rau, đậu đựng trong túi ni lon để đem về nhà chế biến, đồ ăn chín như các món ăn sẵn mua ngoài chợ, các loại bánh trái ăn trực tiếp cũng đựng trong túi ni-lông.  

Sử dụng túi ni lông tràn lan ảnh hưởng lớn tới sức khỏe.

Nhìn những chiếc túi ni lon đủ màu: Xanh, đỏ, trắng chưa được sử dụng lần nào, người tiêu dùng vẫn quen gọi đó là túi ni-lông sạch. Nhưng bản chất, túi ni-lông được làm bằng chất liệu gì? Liệu có an toàn đối với sức khỏe con người hay không thì không mấy ai quan tâm hoặc chỉ quan tâm một cách nửa vời nên túi ni-lông vẫn được tiêu thụ từng giây, từng phút với một số lượng lớn.

Để tìm hiểu về tác hại của việc sử dụng túi ni lông tràn lan, chúng tôi đã tìm gặp thạc sĩ Phùng Thị Anh Minh (Viện  Kỹ Thuật Hóa Học, Đại học Bách Khoa Hà Nội). Thạc sĩ Minh cho hay: “Túi ni-lông chưa sử dụng mà chúng ta vẫn  quan niệm là túi sạch để đựng tất cả các loại thức ăn từ sống đến chín gồm có hai loại: Loại thứ nhất được sản xuất từ 100% các hạt nhựa PV và PP nguyên sinh. Loại thứ hai là túi ni-lông tái chế gồm nhiều nhựa khác nhau như PP, HDPE, LDPE, ABS, PVC. Chúng có thể được tái chế từ nhiều sản phẩm nhựa khác nhau trong đó thậm chí có cả hộp thùng sơn, lọ tẩy bồn cầu... Trong quá trình tái chế, nhựa thủ công sẽ hấp thu các kim lọại  nặng như cadimi, chì…
Bản thân các hạt nhựa PV, PP khi đun nóng chảy thành màng, không có các màu như chúng ta vẫn thường thấy. Để tạo màu, các hạt nhựa lại được qua công đoạn nhuộm bằng chất hóa học chuyên dụng. Túi ni-lông trắng thì qua công đoạn tẩy. Vậy nên, chính túi ni-lông sạch theo quan niệm của chúng ta thực sự là túi ni-lông  không sạch, một sản phẩm độc hại đối với sức khỏe”.  

Theo thạc sĩ Minh, người Việt đang có thói quen sử dụng túi ni-lông một cách vô tội vạ và điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người tiêu dùng.  “Thực phẩm như thịt cá rau chưa chế biến đựng trong các túi ni-lông tái chế có thể sẽ dính kèm các hạt nhựa nhỏ, các loại kim loại nặng hoặc các loại nấm mốc từ chính các túi ni-lông này. Như vậy thực phẩm đựng trong túi ni-lông có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng. Thực phẩm nhiễm các chất độc trong túi ni-lông có thể gây ung thư và giảm trí thông minh của con người.

Không những thế, khi đựng các sản phẩm thịt, cá và các sản phẩm ăn sẵn như bánh trái, ngay lập tức các chất hóa học trong túi ni-lông sẽ làm biến chất thực phẩm, giảm luôn hàm lượng đạm và các vitamin. Cùng với thói quen khi đi chợ về, thịt cá chưa chế biến, các bà nội trợ bọc trong túi ni-lông và để vào tủ lạnh hoặc đựng thức ăn nóng trong túi ni-lông sẽ đẩy nhanh quá trình thôi nhiễm các chất độc từ túi ni-lông vào thức ăn. Đây là một sai lầm hết sức phổ biến của người tiêu dùng dẫn đến quá tích tụ các chất độc vào cơ thể  ngày càng nhiều dẫn tới nguy cơ suy giảm sức khỏe mà không ai có thể  đoán trước được”, thạc sĩ Minh lo ngại.

Nên từ bỏ thói quen sử dụng túi ni-lông gây hại cho sức khỏe

Theo ý kiến của các chuyên gia, hiện nay ở Việt Nam đã có túi ni-lông sạch. Bản thân các túi ni-lông đó được sản xuất bằng nhựa nguyên sinh có màu trong suốt, có khả năng tự phân hủy hoặc một sản phẩm túi ni-lông được làm từ bột mì có khả năng phân hủy sinh học trên cơ sở phối trộn giữa 60% nhựa thông thường với 30% lượng tinh bột (thường là bột mì).

Đây là một nghiên cứu do TS. Hà Thúc Chí Nhân, khoa Khoa học vật liệu - trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM kết hợp với Công ty TNHH Một Bước Tiến thực hiện. Nhưng các sản phẩm này thường có giá cao hơn từ 5%-15% so với túi ni-lông tái chế nên số lượng các túi ni-lông này rất ít được tiêu thụ trên thị trường và được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Nên dùng làn đi chợ để đảm bảo sức khỏe cho gia đình bạn.

Hơn thế nữa, chúng ta rất khó có thể phân biệt rõ đâu là túi ni-lông làm từ nhựa nguyên sinh đâu là túi ni-lông tái chế. Thế nên, hầu hết chúng ta đang sử dụng túi ni-lông tái chế - túi ni-lông chứa đầy các chất độc hại cho cơ thể con người lẫn môi trường tự nhiên. Bởi, một chiếc túi ni-lông muốn phân hủy phải mất ít nhất 500 năm. Nếu đốt chúng sẽ tạo ra khí thải có chất độc đi-ô-xin gây bệnh ung thư.

Để bảo vệ sức khỏe của chính mình và người thân, Thạc sĩ Minh cho rằng, nên quay lại thời kì mang làn hoặc mang một chiếc túi qua kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm để đi chợ hàng ngày, tất cả thịt cá, rau củ không cần đựng trong túi ni-lông mà để trực tiếp vào làn hoặc túi. “Khi về, nếu chưa chế biến thức ăn ngay, hãy rửa sạch để vào trong các dụng cụ bằng sứ, nhựa chất lượng cao và để vào tủ lạnh. Đó là biện pháp an toàn để đảm bảo vệ sinh và bảo vệ sức khỏe. Hoặc chúng ta có thể dùng túi giấy để đựng thực phẩm…

“Ở các nước phát triển như Sigapore, Hồng Kong, Nhật Bản… người dân vẫn thường sử dụng túi giấy để đựng thức ăn. Tại các nước này, bạn sẽ phải bỏ ra một số tiền rất lớn mới mua được một chiế túi ni-lông vì chúng rất đắt. Đó cũng là cách để bảo vệ người dân khỏi sát thủ giấu mặt mang tên túi ni-lông”, tiến sĩ Minh gợi ý.
 


 

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]