1. Chất vải

Khi bị lạc vào ma trận của những con phố hàng thùng nổi tiếng như chợ Đông Tác (Hà Nội), hay chợ Hoàng Hoa Thám, chợ Bà Chiểu (TP.HCM) thì điều đầu tiên bạn cảm thấy là rối trí, không phân biệt được chất lượng sản phẩm tốt – xấu. Vì thế, chiêu đầu tiên mà chị em hay mách nhỏ với nhau cách lựa đồ chuẩn xác là chất vải. Một chiếc áo, quần dù kiểu dáng đẹp mà chất vải bèo nhèo lên dáng xấu thì nên bỏ qua ngay lập tức. Cách thử chất vải đơn giản vẫn được áp dụng phổ biến là vò nhẹ và kéo căng. Nếu vải nhăn nhiều và không bị kéo căng chứng tỏ ít pha sợi nilong, ngược lại bạn nên tránh loại vải dễ bị kéo giãn bởi độ bền không cao.

 

2. Xem kỹ màu ở chỗ sáng tự nhiên nhất

Sau kiểu dáng thì màu sắc sản phẩm là điều đáng được quan tâm khi đi mua hàng. Hầu hết các cửa hàng bán quần áo đều được lắp đèn vàng dịu mắt điều này sẽ làm sai lệch màu thật của món hàng. Tốt hơn hết đi mua hàng ban ngày và soi sản phẩm dưới ánh sáng tự nhiên của mặt trời.

3. Mặc đồ càng đơn càng tốt khi đi thử đồ

Nhiều cửa hàng bán hàng thùng vẫn thường đổ đống quần áo ra một tấm bạt ven đường hay giữa sàn nhà, người đến mua thoải mái chọn đồ. Nhưng điểm yếu của hình thức này chính là việc không có phòng thay đồ riêng. Khách hàng chỉ được ướm lên người hoặc khoác ngoài bộ trang phục đang mặc, khi bạn mặc chiếc áo gọn gàng, việc khoác thử sẽ chính xác hơn. Riêng với quần có thể thử bằng phương pháp cổ điển, đo vòng bụng quần lên cổ nếu vừa vòng cổ thì chiếc quần đó sẽ vừa với cơ thể bạn.  

4 Kiểm tra kỹ phần nách áo.

Để biết một chiếc áo còn tốt hay không nhất định khách mua cần kiểm tra kỹ phần nách áo. Chiếc áo dù chất tốt, kiểu dáng đẹp mà nách bị rách, chắp vá hay bị ố màu do mồ hôi thì hãy bỏ qua.

 

5. Cỡ (size) quần áo của bản thân

Đây gần như nguyên tắc hàng đầu để chọn mua hàng thùng, bạn nên nhớ hàng thùng chủ yếu là sản phẩm đã qua sử dụng của người nước ngoài nhập khẩu về Việt Nam. Cho nên, kích cỡ có sự khác biệt khá lớn so với thể hình người Việt. Quần áo cũ không phải lúc nào cũng còn nguyên vẹn nhãn mác size nên nhớ chính xác số đo cơ thể thì bạn mới mua được sản phẩm ưng ý. Nếu cần hãy mang theo một chiếc thước dây nhỏ khi đi mua hàng bởi nhiều nơi không cho khách thử quần áo trước khi mua.

6. Kiểm tra đường may

Một sản phẩm chất lượng đồng nghĩa với việc có đường may cẩn thận, được sử dụng loại chỉ dai sợi. Ngược lại, sản phẩm kém thường có đường may hời hợt, không liền mạch và rất dễ bung khi gặp nước. Cách đơn giản kéo nhẹ chỉ khâu để kiểm tra độ bền của đường may.

 

7. Cẩn thận với hàng tem mác còn nguyên vẹn

Một trong những mánh khóe của người đi buôn là trộn lẫn cả sản phẩm tuy còn mới nhưng chất lượng kém vào để đánh lừa khách hàng với những sản phẩm có giá cao như đồ da, hàng dạ.   

8. Cân nhắc giá tiền bỏ ra khi mua đồ cũ về sửa

Biến một dáng áo, kiểu váy lại cho vừa với cơ thể là việc cần thiết khi nó quá rộng hoặc chưa vừa ý chủ nhân. Nhiều người mua về rồi tháo ra chỉnh sửa hay  bóp eo, cắt ngắn gấu, đính thêm ren, thay vải lót, sửa kiểu dáng cổ áo... Nhưng nếu giá tiền sửa còn đắt hơn tiền mua thì bạn nên xem xét cẩn thận. Bởi sản phẩm khi sửa chưa hẳn đã đẹp hơn lúc còn nguyên trạng.

9. Chọn giờ đi mua hàng

Buổi chiều là thời điểm tuyệt vời để khách hàng có thể trả giá thoải mái khi người bán tính tình dễ chịu hơn buổi sáng lúc mở hàng rất nhiều.

10. Kiểm tra vết ố

Có hàng chục nguyên nhân gây nên vết ố trên quần áo và không phải vết ố nào cũng được đánh bay bằng cách thông thường, có vết sẽ lưu lại mãi không bị mất đi. Cho nên, nhiều người chủ quan chấp nhận bỏ tiền mua món đồ đẹp với hy vọng về nhà giặt sẽ hết vết bẩn là một sai lầm, nhất là ố do mồ hôi gây ra trên quần áo sáng màu.

11. Kiên trì lựa chọn

Mua đồ secondhand phải chấp nhận bỏ ra nhiều thời gian tìm kiếm trong la liệt các kiện hàng bị xếp lẫn lộn với nhau việc tìm thấy món đồ ưng ý không hề dễ. Thậm chí bạn phải mất nhiều ngày đi “săn” lùng ở nhiều cửa hàng mới có cơ hội sở hữu trong tay một sản phẩm chất lượng độc, lạ.