Tuyệt chiêu giúp bà bầu giữ vững tâm lý tốt nhất đến ngày "vượt cạn"

Theo các nhà nghiên cứu thì tâm trạng của mẹ trong và sau khi sinh có mối quan hệ chặt chẽ đến hình thành nhân cách của bé sau này.

15.5729
 

 

Thời kỳ mang thai, mẹ bầu sẽ cảm thấy mệt mỏi, buồn nôn, thèm ăn vô cớ, khó chịu trong người, dễ quên, cáu gắt… do sự thay đổi hooc-mon bên trong cơ thể. Bạn nhạy cảm hơn rất nhiều so với khi không mang thai. Vui, buồn, tủi thân, lo lắng… đều là những cảm xúc dễ đến hơn với bạn. Theo các nhà nghiên cứu thì tâm trạng của mẹ trong và sau khi sinh có mối quan hệ chặt chẽ đến hình thành nhân cách của bé sau này.

Khi mang thai bạn rất dễ mắc các chứng bệnh về tâm lý.

Nếu thai phụ rơi vào trạng thái stress trong khi mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kì thì nguy cơ bị sẩy thai, bị lưu thai cao hơn 3 - 4 lần, ảnh hưởng đến sự phát triển hành vi, thần kinh của thai nhi, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn và dị ứng ở trẻ.

Làm sao để luôn luôn giữ tâm trạng lạc quan? Những gợi ý sau đây có thể giúp bạn điều đó.

Tâm sự những lo lắng


Bạn nên chia sẻ những suy nghĩ của bạn với người thân, bạn bè về những khó khăn vướng mắc phát sinh trong cuộc sống. Họ sẽ cho bạn những lời khuyên có ích, chia sẻ và giúp đỡ bạn, hoặc ít nhất thì bạn cũng giải tỏa được suy nghĩ về chúng.

Tạo thời khóa biểu sinh hoạt lành mạnh

Duy trì lối sống khoa học và chia nhiều bữa nhỏ, ăn thường xuyên để đảm bảo đủ dinh dưỡng cho cả mẹ và con, đồng thời cũng giúp bạn cảm thấy mình khỏe khoắn, đầy sức sống.

Dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, giải trí…nhiều hơn. Hãy lên kế hoạch thời gian biểu cho những công việc cần làm, ưu tiên những việc cần làm trước và dành những khoảng thời gian nhất định để thư giãn và chăm sóc bản thân.

Đơn giản hóa mọi việc


Mẹ bầu đừng tự đặt ra những chuẩn mực của cuộc sống và đánh giá bản thân hoặc những người xung quanh theo những thang bậc đó. Chúng sẽ tạo nên áp lực cho cuộc sống của bạn, làm bạn có rất nhiều thứ không thỏa mãn. Điều này hoàn toàn không tốt cho thai nhi đâu nhé.

Giữ hòa khí trong gia đình

Điều này rất quan trọng vì nó ảnh hưởng đến tâm trạng của các thành viên trong gia đình. Bạn nên chủ động điều tiết tâm trạng của mình mặc dù chúng rất nhạy cảm trong giai đoạn này. Điều này giúp các thành viên trong gia đình không bị áp lực, bối rối và lo lắng thêm vì bạn. Nếu có phát sinh bất hòa, “rắc rối”, bạn cũng nên chủ động “làm lành” để giảm tải áp lực nhé.

Luôn nở nụ cười


Ai cũng có điều phải lo, nhưng nếu bạn có suy nghĩ lạc quan thì những mối lo ấy sẽ nhẹ nhàng đi. Thay vì âu sầu với những vấn đề “nan giải”, bạn nên nghĩ ra những giải pháp để ứng phó và làm ngay lập tức. Chẳng hạn như trao đổi với “sếp” hoặc đồng nghiệp rằng công việc này bạn không thể thực hiện trong giai đoạn này, bạn cần hỗ trợ, cần lời khuyên, hướng đi và giải pháp để giải quyết chúng với thái độ thiện chí.

Thay vì lo lắng về các vấn đề liên quan đến thai nhi trong bụng thì bạn nên nghĩ tích cực rằng em bé đang bình thường như bao bé khác.

Dành thời gian tập luyện


Bạn hãy đi bộ, đi bơi, tập yoga … theo sự hướng dẫn của các chuyên gia để giữ cân bằng tâm lý. Tập luyện, vận động cơ thể đều đặn, vừa sức bằng những bài tập nhẹ nhàng không những giúp mẹ duy trì vóc dáng mà còn khiến tinh thần luôn được thoải mái. Ngoài ra, mẹ bầu có thể đến các spa dành cho bà bầu  để được massage thư giãn bầu khi thai nhi đã ngoài 4 tháng tuổi. Những động tác massage đúng cách sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ thai nhi và cả thế chất cũng như tinh thần của mẹ.

Sắp xếp không gian thoáng mát cho ngôi nhà


Để giúp bà bầu có một tâm lý thoải mái, việc sắp xếp không gian trong nhà cũng rất quan trọng. Người chồng có thể giúp vợ sắp xếp đồ đạc trong nhà một cách hợp lý, tạo một không gian mát mẻ và thật sự thoải mái. Người chồng hãy đóng vai trò của một trợ thủ nội trợ xuất sắc, thay vợ đảm nhiệm các công việc hàng ngày, thậm chí những công việc nhỏ nhất, điều đó sẽ làm người vợ nhận thấy trách nhiệm của người cha tương lai của con mình.

 

TUỆ ANH (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]