Tuyệt chiêu "thoát xác" độc đáo của mực ống

Tuyệt chiêu "thoát xác" độc đáo của mực ống Chủ Nhật, ngày 12/08/2012 11:00 AM (GMT+7) Cũng giống như thằn lằn vứt bỏ đuôi khi bị kẻ thù tấn công, một vài loài mực ở vùng biển sâu hi sinh xúc tu để đánh lạc hướng kẻ thù.

15.6023

Các nhà khoa học đã quan sát được cơ chế tự vệ độc đáo này ở loài mực ống Octopoteuthis deletron, ngoài khơi vùng biển California (Mỹ).

Stephanie Bush, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Đảo Rhode (Mỹ), cho biết: “Nếu kẻ thù cố tấn công chúng, chúng sẽ móc các xúc tu vào da của kẻ thù, sau đó bỏ chạy, để lại những chiếc xúc tu bám chặt vào kẻ thù. Những chiếc xúc tu phát quang và nhúc nhích sẽ làm cho kẻ thù của mực ống không đủ thời gian để truy đuổi nó.”

Để tìm hiểu xem tại sao xúc tu của nhiều loài mực ống lại có chiều dài không giống nhau, Bush và nhóm của cô đã gắn các thiết bị điều khiển từ xa có trang bị camera trên hẻm núi Monterey dưới biển và kích thích một con mực bằng cây cọ rửa.

“Ngay lần đầu kích thích, con mực đã vươn rộng các xúc tu và phát sáng như pháo hoa. Kế đó nó tiến lại gần, ôm lấy cây cọ rửa rồi nhanh chóng phóng về phía sau, bỏ lại 2 cái xúc tu dính vào cây cọ rửa”, Bush cho biết. “Chúng tôi nghĩ những móc trên xúc tu dính vào lông cây cọ, đủ để chúng lìa khỏi con mực.”

LiveScience cho biết, dù mực có khả năng mọc lại các xúc tu, nhưng chiến thuật này cực kỳ vất vả. Chắc chắn hành động này sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng của mực, nhưng như thế còn hơn là bị kẻ thù giết.

Trong các thí nghiệm sau đó, Bush nhận thấy một vài con trong loài mực này không vứt bỏ các xúc tu và một vài con thì làm như thế sau vài lần bị kích thích. Bush cũng tiến hành nghiên cứu trên 7 con mực thuộc các loài mực khác, tuy nhiên cô không thấy cơ chế tự vệ kỳ lạ này.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]