Tỷ lệ trẻ béo phì tương đương trẻ suy dinh dưỡng

Mặc dù TP.HCM đã đạt được thành tích cao trong việc giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trên địa bàn thành phố nhưng vấn đề thừa cân, béo phì ở trẻ em và người trưởng thành lại đang có xu hướng gia tăng.

15.5995
Năm 2015, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi béo phì sẽ ở mức dưới 12% - Ảnh IT

Trong vòng 10 năm qua, tình trạng dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em tại TP.HCM đã được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 28,5% năm 1996 xuống còn 14,5% vào năm 2000 và 6,8% vào năm 2010. Hiện tỷ lệ này đang thấp nhất trong cả nước, góp phần đáng kể vào việc giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng chung của toàn quốc.

Thay vào đó, tỷ lệ trẻ em béo phì lại gia tăng. Theo ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, dù chưa có con số thống kê cụ thể nhưng tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em đã ở mức ngang bằng thậm chí còn cao hơn so với tỷ lệ suy dinh dưỡng.

Theo đó, UBND TP.HCM vừa có quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến năm 2020 của TP.HCM. Mục tiêu đến năm 2015, bữa ăn của người dân được cải thiện về số lượng, cân đối hơn về chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh, hạn chế tình trạng thừa cân - béo phì.

Khống chế và duy trì tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi ở mức dưới 12%, kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì ở người trưởng thành ở mức dưới 35%.

Ngoài ra, vào năm 2015, 80% bà mẹ có con dưới 2 tuổi sẽ được tập huấn về kiến thức và thực hành dinh dưỡng cho trẻ; 75% nữ thanh niên công nhân các KCN – KCN được huấn luyện về dinh dưỡng hợp lý và kiến thức cơ bản về làm mẹ; 75% số học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông được tập huấn về kiến thức dinh dưỡng hợp lý, phòng chống thừa cân, béo phì.

Và 100% số giáo viên mầm non được tập huấn về kiến thức dinh dưỡng hợp lý, phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi, phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng và phòng chống thừa cân, béo phì.

Duy Nguyên

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]