Tỷ phú Jimmy Choo: “Dạy con một kỹ năng còn hơn cho một nghìn đồng vàng”

Từ nghèo hèn trở nên giàu có, nhiều doanh nhân mặc dù có xuất phát điểm khiêm tốn nhưng họ không để đói nghèo trở thành vật cản trên con đường đi tới thành công. Cuộc đời của tỷ phú Jimmy Choo - người đứng sau một trong những thương hiệu giày cao cấp nhất thế giới để lại cho chúng ta nhiều bài học sâu sắc về cuộc sống cũng như kinh doanh.

15.607

Sinh năm 1961 tại Georgetown, Penang, Maylaysia, ngay từ nhỏ, Choo đã được tiếp xúc với nghệ thuật đóng giày. Cha ông là người đã dạy ông các kỹ năng và kỹ xảo trong nghề, và năm 11 tuổi, Choo đã tự làm ra được đôi giày đầu tiên.

Đầu những năm 1980, Choo quyết định học lên cao hơn và tới Anh để theo đuổi nghề thiết kế giày tại Cordwainers Technical College ở Hackney (nay là một phần của Học viện thời trang London). Để trả tiền học phí, Choo đã làm một số công việc bán thời gian tại các nhà hàng và làm nhân viên dọn dẹp vệ sinh tại một nhà máy giày.

Năm 1986, sau khi tốt nghiệp, ông mở một cửa hàng ở Hackney bằng cách thuê một tòa nhà bệnh viện cũ. Bước ngoặt đến với ông khi sản phẩm do ông thiết kế gây được tiếng vang trên tạp chí Vogue số ra năm 1988. Khoảng những năm 1990, ngay cả công nương Diana cũng để mắt tới các sản phẩm của ông và nhanh chóng trở thành khách hàng trung thành.

Thương hiệu do Choo sáng lập giờ đã nổi danh trên toàn thế giới với những khách hàng lớn như Phu nhân Tổng thống Mỹ Michelle Obama, ca sĩ Beyoncé, cùng các hệ thống bán lẻ cao cấp như Harrods và Saks Fifth Avenue. Thương hiệu Choo cũng đã mở rộng sang lĩnh vực sản xuất túi xách và phụ kiện.

Hiện tại, Choo đang tham gia vào một dự án thành lập một học viện đào tạo về nghề giày ở Malaysia. Dưới đây là một số bài học về cuộc sống và kinh doanh mà chúng ta có thể học hỏi từ Jimmy Choo:

1. Hãy sáng tạo, nuôi dưỡng tài năng và yêu những việc bạn làm

Choo đi khắp thế giới để tìm kiếm các nghệ nhân trẻ, những người có khả năng thiết kế và tạo ra những đôi giày. Ví dụ, nhà thiết kế Illiza Hồ từng làm việc với vai trò trợ lý thiết kế cho ông từ năm 2011 và bà đã ra mắt thương hiệu riêng tại Malaysia. Choo cũng mở một lớp học tại Đại học Curtin (Australia) để đào tạo các nhà thiết kế trẻ, dạy họ các kỹ năng của nghề giày thủ công.

"Nếu không tạo ra được một thứ gì đó mới mẻ và không yêu những gì bạn làm, bạn sẽ rất khó đạt được thành công. Tôi không lo sợ người khác sao chép thiết kế, ý tưởng hay cảm hứng của tôi. Tôi chỉ lo ngại họ sẽ trở nên lười biếng và không tạo ra được những mẫu thiết kế mới", Choo chia sẻ trên Korea Times.

2. Muốn phát triển mạnh mẽ, bạn phải có một nền tảng vững chắc

Choo chia sẻ một đôi giày tốt được thiết kế với phần cốt vững chắc, và mỗi người chúng ta cũng nên áp dụng nguyên tắc này trong cuộc sống thường ngày. Ngay cả trong kinh doanh, điều này cũng giúp bạn xây dựng được một doanh nghiệp dựa trên các nguyên tắc, niềm tin và mục tiêu của bạn. Nền tảng đủ mạnh mẽ sẽ giúp bạn đứng vững khi khó khăn ập đến.

"Tôi thiết kế giày giống như một kiến trúc sư.

"Đó là một nghệ thuật độc đáo và thú vị, những đôi giày cũng giống như nền móng của các tòa nhà. Nếu nền móng không vững chắc, tòa nhà sẽ không thể đứng vững, và nếu một người phụ nữ không thể đứng vững (trên đôi giày của họ) thì không còn chuyện gì để nói nữa" - Nguồn: The SocialPages

3. Sống đam mê, sống dại khờ

Choo thường dành thời gian rảnh rỗi để học hỏi những kỹ năng mới. Mặc dù được công nhận là một trong những nhà thiết kế thành công trên thế giới, ông vẫn luôn hứng thú với việc học hỏi.

“Tôi không bao giờ tự nhận mình là người thành công bởi điều này cho tôi lý do để tiếp tục học hỏi và trở thành một sinh viên giỏi” - Nguồn: Malaysia Wills

4. Hãy cho đi theo cách bạn đã nhận được

Một trong những cách phổ biến để báo đáp cho cộng đồng là quyên tiền cho các tổ chức từ thiện địa phương. Đồng thời, bạn cũng có thể truyền dạy lại các kỹ năng của bạn cho thế hệ trẻ. Ví dụ, Choo đang có kế hoạch khởi động một học viện đào tạo về nghề giày trên toàn thế giới, với cơ sở đầu tiên được mở tại Malaysia.

"Tôi vẫn tiếp tục với công việc thiết kế giày và vẽ phác thảo. Tôi không thể sống mà không thiết kế giày. Tôi vẫn đang đào tạo những người trẻ tuổi và làm việc mật thiết cùng với họ. Năm ngoái, tôi đã trở lại Học viện Thời trang London và giúp đỡ để quyên tiền cho các sinh viên trẻ. Đó là những gì tôi đang làm - quyên tiền cho các tổ chức từ thiện và giáo dục. Nhưng tôi vẫn thiết kế giày. Tôi không thể ngừng công việc đó" - Nguồn: Vogue

5. Dạy con một kỹ năng tốt hơn là cho một ngàn đồng vàng

Nắm vững kỹ năng và chuyên môn của bạn chính là một cách để kiếm tiền. Cho dù đó là kỹ năng viết hay nói, bạn đều có thể sử dụng nó để tạo ra thu nhập. Trong trường hợp của Choo, đó là kỹ năng để tạo ra những đôi giày.

 "Cha tôi không bao giờ ép buộc tôi phải thiết kế hoặc làm ra những đôi giày. Ông nói nếu tôi có kỹ năng, tôi có thể có được việc làm dù đi tới bất cứ nơi nào trong tương lai. Ông khuyến khích tôi học hỏi những điều thực sự tốt, như cách để tạo ra những đôi giày" - Nguồn: KoreaTimes

6. Khám phá và du lịch, đó là khoản đầu tư cho chính mình

Là một trong những Đại sứ Du lịch của Malaysia, Choo di chuyển liên tục, không chỉ phục vụ cho công việc kinh doanh, mà còn cho các cuộc hội thảo và đàm phán. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Telegraph, Choo chia sẻ một trong những nguồn cảm hứng cho các thiết kế của ông đến từ việc đi du lịch, phám phá các nền văn hóa, kiến trúc và con người của mỗi quốc gia.

"Tôi may mắn có cơ hội được tới thăm thủ đô của các nước trên thế giới. Tôi thích gặp gỡ tất cả các ngôi sao, người nổi tiếng, qua đó được cùng nhau chia sẻ các quan điểm và ý tưởng. Được gặp những tài năng mới, năng động trong lĩnh vực sáng tạo qua mỗi chuyến đi là điều thực sự mới mẻ. Mỗi người tôi gặp hay mỗi điểm đến đều đem lại cho tôi những nguồn cảm hứng mới, điều đó giúp tôi luôn tràn đầy năng lượng” - Nguồn: Fireflyz

Dịch từ: Vulcan Post

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]