Ung thư nội mạc tử cung: Chẩn đoán và điều trị

Ung thư nội mạc tử cung thường xuất hiện sau tuổi mãn kinh với triệu chứng phổ biến nhất là ra máu âm đạo bất thường. Chảy máu lúc đầu dưới dạng loãng có những vệt máu sau đó số lượng máu sẽ tăng dần.

0

Theo thông tin trên trang điện tử của Bệnh viện K:

Ung thư nội mạc tử cung: Chẩn đoán

Nếu 1 phụ nữ có những biểu hiện gợi ý đến ung thư nội mạc tử cung, bác sỹ sẽ khám xét cẩn thận và có thể yêu cầu làm xét nghiệm kiểm tra máu và nước tiểu. Dưới đây là các biện pháp khám và xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán:Khám tiểu khung để kiểm tra âm đạo, tử cung bàng quang và trực tràng. Bác sỹ sẽ sờ nắn để phát hiện khối u hoặc thay đổi về hình dạng, kích thước nếu có. Để có thể quan sát phần trên của âm đạo và cổ tử cung, bác sỹ sẽ đưa một dụng cụ gọi là mỏ vịt vào trong âm đạo.

Siêu âm qua đường âm đạo: Bác sỹ đưa một dụng cụ vào trong âm đạo, dụng cụ này phát ra sóng siêu âm hướng về phía tử cung, sau khi đi qua các cơ quan, sóng siêu âm dội trở lại và tạo hình ảnh được ghi lại trên máy. Nếu phát hiện lớp nội mạc tử cung dầy, bác sỹ có thể sẽ bấm sinh thiết.

Sinh thiết: là thủ thuật lấy ra một mẫu tổ chức nội mạc tử cung để làm xét nghiệm giải phẫu bệnh lý để tìm tế bào ung thư, quá sản hay các bệnh khác. Trong một số trường hợp, bác sỹ phải tiến hành nạo buồng tử cung. Việc nạo buồng tử cung phải thực hiện dưới gây mê và sẽ gây chảy máu đôi chút.

Xếp giai đoạn và lập kế hoạch điều trị ung thư nội mạc tử cung

Sau khi đã chẩn đoán ung thư nội mạc tử cung, bác sỹ cần phải đánh giá xem giai đoạn bệnh để có thể lập kế hoạch điều trị. Đây là quá trình xem xét cẩn thận xem bệnh có lan tràn đến cơ quan khác hay không, và nếu có thì là cơ quan nào. Bác sỹ có thể yêu cầu làm các xét nghiệm máu, nước tiểu, chụp phim X quang, soi trực tràng...

Bệnh được chia làm 4 giai đoạn tuỳ thuộc vào mức độ lan tràn của tế bào ung thư.

Điều trị ung thư nội mạc tử cung

Khi được chẩn đoán là ung thư nội mạc tử cung, người bệnh thường lo sợ, mất bình tĩnh và bối rối, bên cạnh đó kế hoạch điều trị lại phức tạp, vì vậy khi trao đổi với bác sỹ về kế hoạch điều trị nên có phương tiện để ghi lại những ý kiến của bác sỹ hoặc có người thân đi cùng.

Hầu hết các bệnh nhân được điều trị bằng phẫu thuật, một số được điều trị bằng tia xạ (còn gọi là xạ trị), một số được điều trị bằng nội tiết tố, một số lại được điều trị phối hợp các phương pháp này. Bác sỹ sẽ trao đổi với bệnh nhân về chi tiết của các phương pháp điều trị và kết quả sẽ đạt được.

Phẫu thuật điều trị ung thư nội mạc tử cung gồm có cắt bỏ tử cung, buồng trứng và vòi trứng hai bên, lấy đi các hạch bạch huyết để kiểm tra xem ung thư đã lan đến hạch hay chưa. Nếu ung thư chỉ giới hạn ở lớp nội mạc tử cung, bệnh nhân sẽ không cần điều trị gì thêm.

Xạ trị là phương pháp sử dụng các chùm tia có năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Giống như phẫu thuật, đây là phương pháp điều trị tại chỗ nghĩa là chỉ tác động đến những tế bào ở trong vùng điều trị. Có 2 hình thức xạ trị:

Xạ ngoài: sử dụng một máy phát tia lớn ở ngoài cơ thể để chiếu tia vào vùng điều trị. Bệnh nhân thường được điều trị 5 ngày mỗi tuần trong vòng vài tháng. Có thể bệnh nhân chỉ cần điều trị ngoại trú mà không phải nằm viện.

Xạ trong: sử dụng một ống nhỏ chứa chất phóng xạ đưa vào âm đạo và lưu ở đó trong vài ngày. Bệnh nhân sẽ phải nằm viện và hạn chế sự thăm viếng trong những ngày điều trị.

Điều trị nội tiết là phương pháp dùng các thuốc để ngăn chặn các tế bào ung thư tiếp xúc với các nội tiết tố mà chúng cần có để phát triển. Trước khi điều trị nội tiết, bác sỹ sẽ yêu cầu làm xét nghiệm về nội tiết để biết được bệnh nhân có khả năng đáp ứng với phương pháp điều trị này hay không. Đây là phương pháp điều trị toàn thân. Thuốc thường dùng có tên là progesteron, dạng viên. Điều trị nội tiết có thể được chỉ định cho những bệnh nhân không mổ được, đã di căn hoặc tái phát sau điều trị.

Phẫu thuật

Bệnh nhân thường đau và cảm giác rất mệt mỏi sau phẫu thuật. Thời gian để phục hồi thường kéo dài 4-8 tuần sau phẫu thuật. Một số bệnh nhân sẽ xuất hiện buồn nôn, nôn hay các biểu hiện về tiêu hoá khác. Cần tuân thủ chế độ ăn chuyển dần từ lỏng sang đặc.

Do mổ cắt tử cung và buồng trứng 2 bên nên bệnh nhân sẽ không còn kinh nguyệt, không có khả năng có thai và có các biểu hiện của mãn kinh. Tuy nhiên không nên dùng nội tiết tố thay thế để điều chỉnh các triệu chứng của mãn kinh vì như trên đã nêu, đây là 1 yếu tố nguy cơ.

Xạ trị

Các tác dụng phụ tuỳ thuộc vào liều xạ và vùng được chiếu xạ. Các biểu hiện thông thường là đỏ da, khô da, rụng lông vùng chiếu xạ, chán ăn và mệt mỏi. Một số bệnh nhân có biểu hiện khô, kích thích nóng rát âm đạo. Tia xạ cũng có thể gây nên một số rối loạn về đại, tiểu tiện.

Điều trị nội tiết

Có thể gây ra các biểu hiện ứ nước trong cơ thể, tăng cảm giác ăn ngon, lên cân.

Vấn đề dinh dưỡng

Bệnh nhân cần ăn uống đầy đủ trong quá trình điều trị để giữ được sức khoẻ, giúp cho quá trình liền vết mổ diễ ra thuận lợi.

Theo dõi sau điều trị

Theo dõi sau điều trị là rất quan trọng trong điêù trị ung thư nói chung và ung thư nội mạc tử cung nói riêng. Nó giúp cho việc phát hiện và xử lý kịp thời các vấn đề mới phát sinh. Mỗi lần đến kiểm tra, bệnh nhân sẽ được khám lâm sàng bao gồm cả thăm khám khung chậu, chụp phim X quang và làm các xét nghiệm khác.

Nên đọc

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]