Ung thư ở trẻ em: Không còn là cửa tử

Khoa Nhi của Bệnh viện K, Hà Nội giờ đây khác một trời một vực so với cơ sở cũ. Trẻ mắc bệnh ung thư không còn cảnh nằm gốc cây truyền dịch, chui gầm giường trốn nóng.

15.6004
Bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện K cơ sở 3

Trẻ quên đi nỗi đau bệnh tật

Khi Thạc sĩ Phạm Thị Việt Hương dẫn phóng viên đi thăm một vòng khoa Nhi của bệnh viện K, Hà Nội cơ sở tại Tân Triều, Thanh Trì, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi, bệnh viện là một nơi sạch sẽ, rộng rãi và trẻ em được điều trị ở môi trường tốt nhất.

Anh Nguyễn Văn Thiệu trú tại Lạng Sơn có con đang điều trị bệnh ung thư máu tâm sự: “Từ ngày cháu điều trị ở đây hai bố con chưa bao giờ phải nằm ghép hay ngủ ở hành lang. Tôi nghe nói ngày xưa ở bên cơ sở cũ khổ lắm. Cũng may khi cháu bị bệnh được sang cơ sở mới rộng rãi, sạch sẽ hơn”.

Khu phòng bố con anh Thiệu ở có nhà tắm riêng, nhà vệ sinh riêng. Mỗi phòng được trang bị quạt trần, điều hòa. Đầu giường có tủ đồ và ổ cắm điện để gia đình có thể cắm sạc điện thoại, máy tính. Những đứa trẻ đầu trọc lóc, có em bị cắt chân, cắt tay vì bệnh ung thư xương nhưng ở đây họ không còn quá ám ảnh về ngày tận thế.

Đang ngồi ở khu phòng chơi đa năng cho trẻ, vợ chồng chị Quý từ Nghệ An đưa con ra điều trị cảm thấy vui hơn khi cháu bé đang nô đùa cùng bạn bè. Ánh mắt trẻ thơ không còn trĩu nặng mà chúng gần gũi nhau, thân thiết nhau hơn chia sẻ từng món đồ chơi. 

Với chị Quý như thế là quá đủ với một đứa trẻ ở chốn bệnh viện. “Người ta bảo sảy nhà ra thất nghiệp nhưng đến đây rồi tôi thấy yên tâm lắm. Chưa biết cháu như thế nào nhưng các con có giường nằm, nóng quá có điều hòa nên ba mẹ cũng bớt lo lắng cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của các con”.

Còn bé Đậu Sỹ H. quê Thanh Lương, Nghệ An bị ung thư xương. Cháu đã bị cắt hai chân vừa điều trị xong đợt hóa chất trước đến nhập viện để điều trị lần hai. Khi vào đây, chị Mai mẹ cháu H. cảm thấy thoải mái. Tối đến hai mẹ con nằm trên giường. Điều chị yên tâm nhất là khả năng khỏi bệnh của cháu gần như 100%.

Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thị Việt Hương

Ngày trước, chị Mai cũng có người thân điều trị ung thư ở khoa Nhi của Bệnh viện K cơ sở cũ ở Văn Điển, chị nhận xét, thấy cảnh chật chội, trẻ nheo nhóc quấy khóc vì nóng bức, vì ồn ào mà sợ.

Khi bác sĩ ở bệnh viện Nghệ An chẩn đoán ung thư xương, gia đình chị suy sụp. Nhìn đứa con chị không cầm được nước mắt. Chị đưa con ra Hà Nội điều trị trong lòng lo sợ. Chỉ nghĩ đến cảnh 4 – 5 cháu nằm một giường, cha mẹ nằm ngoài ghế đá rồi ốm đau mà không được nghỉ ngơi, chị càng thương con gấp vạn lần. 

Khi đến khám tại Quán Sứ, cháu bé được chuyển xuống đây. Cảm giác đầu tiên của chị về nơi đây khác hẳn trong suy nghĩ.

Bệnh ung thư trẻ em không còn đáng sợ

Bác sĩ Hương cho biết ung thư trẻ hiện nay tỷ lệ điều trị thành công rất cao. Ở Mỹ, trong các cuốn sách y khoa dành cho bệnh ung thư có viết “Không được để một đứa trẻ bị ung thư phải chết” vì người ta đã coi ung thư là một bệnh thông thường như viêm phổi tiêu chảy. 

Cho đến nay, chỉ còn một vài bệnh ung thư là khó điều trị. Các cháu nhỏ bị ung thư thường là các bệnh nhạy cảm với hóa chất. Loại bệnh nhạy cảm với điều trị tức là có khả năng chữa khỏi.

Riêng đối với ung thư trẻ em ở Việt Nam, sau 15 năm thành lập khoa Ung bướu Nhi các bác sĩ đã thấy ung thư trẻ em ở Việt Nam đạt tỷ lệ thành công rất khả quan. Đối với ung thư nguyên bào võng mạc điều trị ở bệnh viện K đã sống thêm được không bệnh và bảo tồn được mắt, thị lực trên 5 năm đạt được 68%. Các cháu đến với giai đoạn sớm tỷ lệ thành công cao hơn.  

Còn bệnh bạch cầu cấp dòng lympho (ung thư máu) ở trẻ em ở Việt Nam hiện nay đã đạt được trên 70%. Mặc dù các bệnh nhân đến viện trong giai đoạn muộn. Đối với u lympho ác tính không Hodgkin, một dạng ung thư hệ thống tạo huyết, bệnh nhân có thể sống chung và sống thêm toàn bộ 68%, sống không bệnh đạt 64%. 

Bệnh ung thư xương, theo tổng kết của Khoa Nhi Bệnh viện K, trẻ sống thêm không bệnh trên 5 năm đạt 85%. Một bệnh ung thư còn nan giải là u nguyên bào thần kinh việc điều trị còn nan giải vì nguyên nhân gây bệnh là do đột biến gen. 

Tuy nhiên, bệnh nhân vào viện đều ở giai đoạn muộn nhưng khi điều trị đáp ứng hoàn toàn thì tỷ lệ thành công cũng rất cao, u tan. Tuy nhiên chưa có tổng kết về trẻ sống thêm 5 năm. Ung thư nguyên bào thận tỷ lệ sống thêm 5 năm đạt trên 70%. Bác sĩ Hương cho biết với điều kiện như hiện nay bệnh nhân đến bệnh viện hầu như ở giai đoạn muộn thì tỷ lệ thành công như trên rất đáng khích lệ.

Ph. Thúy

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]