Ung thư: Phát hiện sớm, điều trị hiệu quả

Nếu phát hiện bệnh thật sớm sẽ giúp cho việc điều trị dễ dàng, thường không tốn kém mà kết quả lại rất tốt

0

Cách đây vài số báo, tôi có nhắc mọi người lưu ý một số triệu chứng báo động ung thư. Còn một cách hay hơn nữa để có thể biết bệnh ung thư thật sớm là phải lưu ý rà soát khi chưa thấy triệu chứng gì. Biết bệnh thật sớm thì kết quả điều trị rất tốt.


Kiểm tra sức khỏe toàn diện có lưu ý về ung thư: Cần thực hiện cứ khoảng 3 năm/lần ở lứa tuổi 20 – 40 và mỗi năm một lần nếu trên 40 tuổi. Việc kiểm tra ung thư còn tùy thuộc tuổi tác và nhằm vào tuyến giáp, miệng, da, các hạch bạch huyết, tinh hoàn và buồng trứng. Cũng lưu ý luôn các bệnh không ác tính.


Cổ tử cung: Phụ nữ đã lập gia đình hoặc đã có quan hệ tình dục nên đi thử tế bào (xét nghiệm Pap) và khám phụ khoa hằng năm. Nếu đã khám được liên tục 3 lần hoặc nhiều hơn mà có kết quả bình thường thì có thể thử Pap cách khoảng lâu hơn. Khám phụ khoa định kỳ hằng năm là việc rất tốt chẳng những có thể phát hiện sớm mà còn phòng ngừa được ung thư cổ tử cung vì sớm trị các bệnh viêm nhiễm liên hệ virus HPV, nguyên nhân chính của loại ung thư này và phát hiện bệnh giai đoạn tiền ung thư.


Vú: Phụ nữ trong lứa tuổi 20-39 nên tự khám vú hằng tháng và được khám lâm sàng (có thể kèm siêu âm) kiểm tra bộ ngực mỗi năm một lần. Phụ nữ tuổi 40 trở lên nên tự khám vú hằng tháng, đi khám lâm sàng kiểm tra bộ ngực và nếu có điều kiện xin chụp nhũ ảnh cứ 1-2 năm/lần. Lưu ý hỏi bác sĩ vì ép vú làm nhũ ảnh có thể khá đau.


Chụp nhũ ảnh để tầm soát ung thư vú tại Bệnh viện Ung Bướu TPHCM. Ảnh: N.PHƯƠNG


Tuyến giáp: Kiểm tra tuyến giáp bằng siêu âm trong lúc khám sức khỏe tổng quát định kỳ, hằng năm. Có bướu giáp dạng hột, nên kiểm tra bằng siêu âm. Nếu bác sĩ thấy cần thì thử tế bào FNA.


Ruột già (đại tràng và trực tràng): Từ 50 tuổi, cả nam lẫn nữ nếu có điều kiện nên làm một trong các khám nghiệm sau: Thử tìm máu trong phân hằng năm và nội soi đại tràng sigma bằng ống soi mềm mỗi 3 năm. Nội soi ruột già mỗi 5-10 năm. Bác sĩ thăm khám trực tràng (ruột cùng) bằng ngón tay khi thấy có triệu chứng như là trĩ hoặc khám cùng lúc với nội soi ruột. Người nào có nguy cơ vừa hoặc cao (người thân ruột thịt bị ung thư ruột) thì nên hỏi bác sĩ bao lâu nên kiểm tra.


Tuyến tiền liệt: Từ 50 tuổi, đàn ông nên được thử dấu hiệu sinh học PSA 3 năm/lần và có thể kèm thêm thăm khám trực tràng bằng ngón tay.


Phổi: Đàn ông trên 40 tuổi có nguy cơ cao (nghiện thuốc lá nặng trên 10 năm) nên chụp phim phổi 1-2 năm/lần.


Gan:
Người trên 40 tuổi hoặc người có nguy cơ ung thư gan cao (mắc viêm gan siêu vi) nên khám lâm sàng và siêu âm bụng 2-3 năm/lần. Còn nếu có người thân bị ung thư gan thì cả nhà nên xét nghiệm viêm gan siêu vi HBV, HCV để tiêm ngừa hoặc điều trị khi cần.


Bao tử (dạ dày): Từ 40 tuổi hoặc người có bệnh sử viêm loét bao tử nên được nội soi bao tử bằng ống mềm 3-5 năm/lần, có thể kèm thêm thử tìm vi khuẩn Helicobacter Pylori và chụp bao tử có cản quang.


Phát hiện bệnh thật sớm, việc điều trị sẽ dễ dàng, thường không tốn kém mà kết quả lại rất tốt. Nên biết ung thư vú và ung thư cổ tử cung giai đoạn I có tỉ lệ khỏi bệnh khoảng 90%. Hơn nữa, hiện nay các bác sĩ còn có thể điều trị bảo tồn vú hay tái tạo tốt tuyến vú, còn ung thư cổ tử cung giai đoạn 0 (tiền ung thư) nếu trị đúng có kết quả tốt 100%.

Ung thư tuyến giáp thì điều trị khá nhẹ nhàng, kết quả gần 100%. Riêng ung thư tiền liệt tuyến của đàn ông và đại trực tràng ở giai đoạn sớm cũng có kết quả điều trị rất khả quan. Nên nhớ các ung thư bao tử, phổi, gan chỉ điều trị được khi biết bệnh thật sớm.


Nếu mọi người ai cũng chịu theo hướng dẫn rà soát bệnh thì có thể thoát khỏi cảnh “trời kêu ai nấy dạ” mà lúc đó có thể nói là “trời kêu nhưng không chịu dạ”.

Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]