Ung thư phổi: Những triệu chứng không thể bỏ qua

Với những triệu chứng như ho kéo dài, ho ra máu, đau ngực... bệnh nhân cần nghĩ ngay đến các triệu chứng của ung thư phổi để có thể phát hiện bệnh sớm nhất.

0

Ảnh minh họa.

Khàn tiếng do ung thư phổi

Tại Bệnh viện Lao phổi Trung ương, ông Nguyễn Thế Việt quê Thái Bình, 56 tuổi, cho biết: Từ Tết ông có cảm giác khàn tiếng, nói khó. Người nhà cho rằng ông bị viêm họng, viêm dây thanh quản nên đã mua thuốc về uống. Tuy nhiên, giọng ông càng ngày càng khàn nặng.

Ông đi kiểm tra tại Bệnh viện tỉnh bác sĩ chụp ảnh phát hiện có khối u trong phổi nhưng chưa rõ khối u lành tính hay ác tính. Ông Việt lên Bệnh viện Lao phổi Trung ương, tại đây bác sĩ chẩn đoán ông bị u phổi trái. Qua điều trị bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật và xét nghiệm tế bào. kết quả, ông Việt bị ung thư phổi.

Từ khi biết mình bị ung thư phổi, ông Việt suy sụp tinh thần, không ăn không ngủ. Đang tiến hành xạ trị nhưng lúc nào ông cũng thở dài vì cầm cái án “cá nằm trên thớt” không biết khi nào thì chết.

Cùng hoàn cảnh, ông Đinh Quang Nam 54 tuổi, trú tại Hà Nội có triệu chứng ho kéo dài. Khi vào viện ông Nam mới biết mình có khối u ở phổi trái và ung thư đã đi vào giai đoạn 3B. Dù là giai đoạn muộn nhưng ông Nam vẫn hi vọng có thể điều trị được bệnh để kéo dài sự sống cho mình. Hiện ông đang điều trị theo phác đồ hóa xạ trị đồng thời. Đến nay khối u ở phổi trái đã mờ hẳn chỉ còn dải xơ. 

Bệnh ung thư phổi tiên lượng còn rất yếu

Bệnh ung thư phổi là một trong những bệnh ung thư hàng đầu ở Việt Nam chỉ đứng sau ung thư vú. Điều khó khăn nhất là bệnh phát hiện ở giai đoạn muộn, bệnh nhân tử vong chiếm tỷ lệ cao.

Theo Giáo sư Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc Bệnh viện Lao Phổi Trung ương, ung thư phổi là một trong những căn bệnh gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam cũng như một vài nước khác. Ở Mỹ, tỷ lệ bệnh nhân mắc ung thư phổi và tử vong gấp 4 lần các bệnh ung thư khác. 

Đa số bệnh nhân ung thư phổi đều liên quan đến thuốc lá. Tình hình bệnh ở Việt Nam vẫn còn khá nặng nề, số bệnh nhân đang ngày càng tăng lên trong khi đó tiên lượng của điều trị ung thư phổi còn rất khiêm tốn.

So với ung thư vú, ung thư trực tràng, ung thư tiền liệt tuyến dù tỷ lệ mắc cao nhưng tỷ lệ giải quyết được bệnh cũng rất cao còn ung thư phổi thì tỷ lệ người mắc và tỷ lệ tử vong xấp xỉ ngang nhau. Thời gian sống thêm của bệnh nhân chỉ chiếm 2%.

Giáo sư Nhung cho rằng giống như nhiều loại ung thư khác, ung thư phổi nếu phát hiện sớm thì câu chuyện lại khác. Tuy nhiên để phát hiện sớm cũng không dễ dàng. Theo thống kê của các chuyên gia y tế, với người bị ung thư phổi ở giai đoạn 1, tỷ lệ sống sót lên tới 70%. Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân tại Việt Nam lại phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, không còn khả năng điều trị triệt để; rất ít người còn có khả năng cắt khối u. 

Các triệu chứng của bệnh ở giai đoạn sớm thường không đặc hiệu. Ho là biểu hiện thường gặp nhất nhưng nó cũng là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác. Ngoài ra, một số người có thể thấy đau ngực, khó thở, ho ra máu, sụt cân, khàn tiếng, sốt, ho ra máu, đau khớp. Trong đó biểu hiện ho kéo dài chiếm 87% số bệnh nhân đến khám, ngoài ra đau ngực chiếm 86 %, sụt cân 68%.

Bác sĩ chuyên khoa II Tạ Chi Phương - Trưởng khoa Ung thư - Bệnh viện Lao Phổi Trung ương cho biết, hiện nay phương pháp điều trị ung thư phổi cơ bản là phẫu thuật, xạ trị, hóa trị liệu. 

Đối với phẫu thuật, bác sĩ Phương cho biết chỉ thực hiện được ở bệnh nhân phát hiện sớm, khối u còn khu trú. Giai đoạn muộn hơn phẫu thuật không thể lấy hết được các khối u vì đã xâm lấn, lan rộng ra xung quanh. Nếu phẫu thuật dễ dẫn đến tái phát và di căn xa. Đối với phương pháp xạ trị được chỉ định khá rộng tiêu diệt được các tế bào ung thư đã xâm lấn rộng ra các tế bào ung thư nguyên phát là nơi phẫu thuật sẽ không lấy hết.

Còn đối với hóa trị liệu, bác sĩ Phương cho rằng đối với ung thư phổi sẽ hóa trị liệu toàn thân tiêu diệt tất cả tế bào ung thư đã và đang lưu hành trên cơ thể bệnh nhân. Tuy nhiên, phương pháp này gây hủy hoại nhiều tế bào lành tính và tác dụng phụ ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe toàn diện của bệnh nhân nên liều lượng hóa chất đưa vào cơ thể bị hạn chế. 

Ngoài ra, còn có liệu pháp nhắm trúng đích đây là liệu pháp can thiệp vào các phân tử đặc hiệu trong cơ chế sinh ung và gia tăng sự phát triển của khối bướu, các phân tử này là các đích phân tử. Phương pháp này không có tác dụng điều trị triệt căn. 

Bác sĩ Phương cho biết với mỗi phương pháp trên chỉ giải quyết được 1 khâu trong quá trình điều trị, các phương pháp sẽ bổ sung hỗ trợ cho nhau tạo thành một quá trình điều trị hoàn chỉnh giải quyết một cách triệt để nhất bệnh ung thư. 

Phương Thúy

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]