Michael Platten, 43 tuổi, là bác sỹ,
phó Ban Thần kinh-Ung thư
thuộc Bệnh viện ĐH Heidelberg.
GS Michael Platten, chuyên gia người Đức về miễn dịch thần kinh và ung thư, cùng với nhóm nghiên cứu của mình đang phát triển một loại vắc-xin có khả năng ngăn khối u phát triển. Công trình đã được thử nghiệm thành công ở động vật và vừa được công bố trên tạp chí “Nature”. Dưới đây là trao đổi giữa GS Michael Platten và Tuần báo Kinh tế.
Thưa GS Platten, ông đã phát triển một loại vắc- xin tiêm phòng ung thư. Xin giáo sư cho biết cơ chế hoạt động của vắc-xin này?

Vắc-xin của chúng tôi làm cho hệ miễn dịch trong cơ thể phát hiện một trật tự nhất định của thành phần protein không gặp ở tế bào khỏe mạnh mà chỉ có trong tế bào khối u. Chúng tôi nhận thấy, trong khối u ở não thường xuất hiện sự thay đổi về gien, dẫn đến thay đổi protein. Chúng tôi đã tạo ra các protein biến dạng, hay còn gọi là peptide, trong phòng thí nghiệm, kết hợp với chất tăng cường vắc-xin, chất này vốn dĩ có trong vắc-xin đã lưu hành trên thị trường. Chúng tôi đã tiêm loại vắc-xin này vào chuột thí nghiệm.

Những con chuột đó có khối u?

Đúng thế, chúng tôi đã tiến hành một phương pháp rất phức tạp: tạo ra những khối u có đột biến gien đặc biệt ở những con chuột có những gien miễn dịch đặc trưng thường thấy ở người. Sau đó, chúng tôi cấy các khối u này vào chúng để thử nghiệm xem tiêm chủngtác dụng hay không.

Xin giáo sư cho biết kết quả ra sao?

Rất tốt. Ở hầu hết số chuột được tiêm chủng thì các khối u đã ngừng phát triển. Ở nhóm đối chứng, được tiêm chủng với một loại vắc-xin giả, thì các khối u vẫn tiếp tục phát triển. Điều đó có nghĩa là việc tiêm chủng đã phát huy tác dụng.

Ở chuột là như vậy, khi nào giáo sư sẽ cho thử nghiệm ở người?

Chúng tôi mới đề nghị cho phép tiến hành nghiên cứu lâm sàng đầu tiên ở người. Tôi cho rằng, đầu năm 2015 chúng tôi có thể bắt đầu.

Liệu đến một ngày nào đó con người khi được tiêm phòng loại vắc-xin của giáo sư sẽ được bảo vệ và không còn sợ bị u não?

Không phải như vậy, đây là một dạng tiêm phòng điều trị điển hình, chỉ áp dụng đối với những người đã bị bệnh. Tuy nhiên đây là một biện pháp điều trị rất hữu ích đối với những người bị u não, bởi nó ngăn chặn sự tái phát thường gặp ở gần như tất cả các khối u.

Cách tiếp cận của giáo sư có gì khác so với các biện pháp tiêm chủng điều trị khác, thí dụ biện pháp của doanh nghiệp công nghệ sinh học Immatics ở Tübingen?

Vắc-xin của chúng tôi chứa protein biến dạng peptide chỉ có ở tế bào khối u chứ không hề có ở các tế bào khoẻ mạnh. Trong khi đó, vắc-xin phòng ung thư của hãng Immatics và các hãng khác thường chống lại các protein tích tụ nhiều nhưng không chỉ có ở tế bào ung thư. Vì thế chúng tôi cho rằng loại vắc-xin của mình nhằm trúng mục tiêu hơn.

Việc tiêm chủng này chỉ có tác dụng đối với u não?

Nếu việc tiêm chủng này cũng có tác dụng ở người thì cũng có thể điều trị các bệnh ung thư khác. Bởi vì đột biến gien tạo ra mẫu protein đặc trưng này cũng xuất hiện ở các khối u khác, thí dụ ở nhiều dạng ung thư tuỷ xương ác tính (bệnh bạch cầu cấp myeloid) hay ung thư ống mật, v.v.

Giáo sư đã hợp tác với doanh nghiệp nào để thương mại hóa vắc-xin này chưa?

Hiện chúng tôi chưa coi điều này là một trọng tâm. Khi đang tiến hành nghiên cứu bước đầu về lâm sàng chúng tôi chưa cần sự tham gia của giới công nghiệp. Nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ cần có một đối tác thuộc giới công nghiệp khi việc tiêm chủng ở người được chứng minh là có hiệu quả và khi cần có một quyết định tiến hành nghiên cứu chung cuộc.

Xuân Hoài lược dịch theo “Tuần kinh tế” (Đức) - Tia Sáng