Vận động hiến giác mạc: Khó, nhưng đã ló cách hay!

619 người đăng ký hiến giác mạc là kết quả của dự án "Truyền thông vận động hiến giác mạc" đang được triển khai tại Hải Phòng.

15.6014

Con số còn khiêm tốn so với mong muốn của những người thực hiện dự án. Nguyên nhân chính vẫn là ở quan niệm không động chạm đến thi thể người đã khuất đã ăn sâu trong tiềm thức của nhiều người dân...

       Theo các chuyên gia về mắt, việc ghép giác mạc không đòi hỏi phải lấy tạng ngay khi người bệnh còn sống như đối với các ghép tạng khác. Giác mạc cho có thể lấy từ người đã chết 6 giờ, thậm chí là sau 12-14 giờ.

Ông Nguyễn Đức Trang, thôn 6, xã Thủy Sơn (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) là người đầu tiên tình nguyện hiến giác mạc sau khi qua đời. Ông đưa tâm nguyện này của mình vào bản di chúc cho con cháu, có xác nhận của chính quyền địa phương với mong muốn khi mất đi vẫn có thể làm một việc có ích cho cuộc đời này. Nhưng tấm lòng cao cả như ông Trang không nhiều. Chị Bùi Thị Nga, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ phường Lương Khánh Thiện (quận Ngô Quyền) cho biết: "Phần lớn người dân chưa chấp nhận việc hiến mô, tạng và các bộ phận trên cơ thể người và quan niệm xã hội coi trọng những gì cha mẹ đã ban cho khi còn sống cũng như khi đã chết là trở ngại lớn trong việc tạo nguồn giác mạc để cứu hàng nghìn người thoát khỏi cảnh mù lòa. Tôi cùng tình nguyện viên xuống từng gia đình tuyên truyền vận động để họ thấy được ý nghĩa nhân văn của dự án, sau nhiều lần đi lại, thậm chí còn bị xua đuổi, mới vận động được 6 người trên địa bàn phường đăng ký hiến giác mạc".

 Nhiều người mong mỏi tìm lại ánh sáng. Ảnh: Minh Đức

Trong số hơn 1 triệu người khiếm thị ở Việt Nam hiện nay, có tới 300 nghìn người khiếm thị do các bệnh lý giác mạc và mỗi năm tăng thêm khoảng 15 nghìn người. Trong đó 400 - 500 bệnh nhân đã khám, điều trị, được chỉ định và chờ ghép. Với mục tiêu tổng quát là giảm số người khiếm thị ở Việt Nam, dự án "Truyền thông vận động hiến giác mạc ở Việt Nam" do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Bệnh viện Mắt Trung ương phối hợp với Tổ chức ORBIS tại Việt Nam triển khai từ tháng 11/2007 đến 31/12/2010 là hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Việc thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn do quan niệm "chết toàn thây" đã ăn sâu trong tiềm thức của mỗi người dân. Mặt khác Luật Hiến ghép mô tạng tuy đã được Quốc hội thông qua nhưng văn bản dưới Luật và các hướng dẫn cụ thể liên quan đang trong quá trình hoàn thiện. Hiện chỉ có 15,7% số người dân được hỏi đồng ý hiến tặng bộ phận cơ thể, mô và giác mạc khi còn sống; tỷ lệ đồng ý hiến tặng sau khi tử vong là 45%. Từ năm 2005 đến tháng 7/2007, nguồn giác mạc ghép được sử dụng ở VN chủ yếu do Tổ chức Orbis tài trợ. Từ khi Ngân hàng Mắt khởi động (1/7/2007, sau khi Luật Hiến mô ghép tạng có hiệu lực chính thức), đến nay mới chỉ thu nhận được 138 giác mạc từ 70 người hiến. Nhu cầu nhiều, nhưng khả năng đáp ứng còn rất hạn chế. Thời gian hoạt động trong gần 3 năm qua, nguồn vốn của ngân hàng chưa khi nào dồi dào; nhưng không vì thế mà ngân hàng không tiền này quá lo lắng vì sự nghèo ấy

 Do đó, để thực hiện có hiệu quả dự án "Truyền thông vận động hiến giác mạc ở Việt Nam" cần có một đội ngũ tuyên truyền viên giàu nhiệt huyết, có trách nhiệm và quan trọng là cần có thêm nhiều tấm lòng nhân ái hướng tới mục tiêu mang lại nguồn sáng quy giá cho người khiếm thị.

Đức Kiên

Theo Suckhoedoisong

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]