Vàng - rủi ro nhưng hấp dẫn

Sau một thời gian dài giao dịch ảm đạm, nhiều ý kiến cho rằng vàng đã dần kém sức hấp dẫn. Tuy nhiên, trao đổi với báo Đầu tư tài chính, ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc công ty cổ phần kinh doanh và đầu tư Vàng Việt Nam, cho rằng dù có nhiều rủi ro nhưng sức mua vẫn có thể phục hồi nếu có yếu tố kích thích. Tweet

15.5822

Ảnh minh họa: LONG THANH.

Ông nhận định thế nào về sự bứt phá của giá vàng thế giới tuần qua?

Ông TRẦN THANH HẢI: - Sự bứt phá của giá vàng trong tuần qua là hệ quả từ việc nâng trần nợ công của Hoa Kỳ, cụ thể Quốc hội Hoa Kỳ bất ngờ cho phép nâng trần nợ công lên trên 17.300 tỷ USD và quyết định này không gặp phải một sự phản ứng nào. Nâng trần nợ công đồng nghĩa với việc cung tiền ra sẽ tăng mạnh. Khi Hoa Kỳ, một quốc gia lớn nhất thế giới tăng cung tiền, chắc chắn sẽ dẫn đến việc tiền nhiều, hàng ít và hàng hóa sẽ tăng giá. Mặt khác, trong bối cảnh Hoa Kỳ tăng cung tiền thì Nhật Bản, châu Âu cũng tăng cung tiền ra.

Vừa qua, giá vàng tăng vọt từ 1.200USD/ounce lên trên 1.300USD/ounce, sức mua đã bật tăng mạnh. Giá vàng trong nước vào cuối tuần qua cũng tăng hơn 600.000 đồng/lượng so với ngày trước đó. Như vậy, có thể thấy một khi có những yếu tố kích thích như giá vàng thế giới tăng đột biến, tỷ giá thay đổi, NHNN “bật đèn xanh” mua vàng chứ không bán thì sức mua sẽ phục hồi mạnh. 

Chính vì thế giá vàng đã tăng vọt từ trên 1.200USD/ounce đã vượt 1.318USD/ounce, giá vàng trong nước đang từ dưới 35 triệu đồng/lượng đã vọt lên trên 36 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, tốc độ tăng giá của giá vàng trong nước chậm hơn giá vàng thế giới đã làm cho khoảng cách chênh lệch hiện nay còn 2,5 triệu đồng/lượng.Như vậy với lượng tiền ra quá nhiều, tạo ra tâm lý cho nhà đầu cơ và đầu tư trên thế giới là gửi một ít vào trong vàng - một loại hàng hóa đặc biệt có chức năng đảm bảo được giá trị tài sản.

Theo ông năm 2014 vàng có còn hấp dẫn?

Vàng lúc nào cũng hấp dẫn. Tuy nhiên ở đây cần hiểu rõ, đối với những quốc gia có kinh tế thị trường hoàn chỉnh vàng luôn luôn hấp dẫn, còn ở Việt Nam, vàng dù vẫn hấp dẫn nhưng việc lướt sóng, đầu tư vàng cực kỳ rủi ro bởi chúng ta đang ở trong một môi trường cạnh tranh chưa hoàn hảo. Thể hiện ở chỗ các đầu mối kinh doanh vàng miếng đã thu hẹp đáng kể sau khi Nghị định 24 ra đời.

Hơn nữa, thị trường không còn được tự do cung ứng vàng miếng nữa, ngoài chuyện bán lại của hộ dân cư, các tổ chức và cá nhân, hiện nay đầu mối cung ứng chỉ còn một nơi duy nhất là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) qua các phiên đấu thầu. Điều này dẫn đến việc dù giá vàng thế giới rất hấp dẫn nhưng việc quản lý cung ứng, phân phối, cộng với một số chính sách vĩ mô đã làm cho việc lướt sóng vàng có nhiều rủi ro.

Thí dụ tuần rồi giá vàng thế giới lên, USD cũng không giảm, nhưng giá vàng trong nước tăng chậm hơn. Nếu như một người đầu tư kinh doanh bình thường, họ biết rằng Hoa Kỳ sẽ nâng trần nợ công lên sẽ đầu tư theo hướng lên. Theo quy luật thông thường, vàng thế giới lên 100USD/ounce, trong nước sẽ “đánh” lên được 2 triệu đồng/lượng, nhưng hiện nay áp theo tiêu chí này sẽ rất rủi ro.

Thời gian gần đây, sức mua vàng của người dân đang có dấu hiệu chững lại, theo ông đâu là nguyên nhân?

Có 3 nguyên nhân. Thứ nhất, vàng trải qua một thời kỳ giảm giá cực mạnh, từ đầu năm đến giờ vàng giảm giá trên 20%. Vàng đang từ đỉnh cao tháng 9/2011 là 49 triệu đồng/lượng nay xuống còn 35 triệu đồng/lượng. Do vậy thời gian vừa rồi khi giá vàng xuống đáy, nhiều người không dám mua nữa vì sợ giá sẽ tiếp tục giảm.

Thứ hai, trong hơn 2 năm qua, kinh tế khó khăn, thu nhập dân cư giảm sút, điều đó cũng ảnh hưởng đến vấn đề tiền đâu để mua vàng tích trữ. Thứ ba, những đợt sóng vừa rồi cộng với sự can thiệp của NHNN làm cho độ hấp dẫn khi đầu cơ vàng giảm, bởi giá vàng thế giới lên xuống mạnh nhưng giá vàng trong nước biến động chậm hơn, khả năng để chốt lời, sinh lời từ hoạt động lướt sóng không còn hấp dẫn nữa, trừ khi mức độ chênh lệch đủ lớn để họ chiến thắng rủi ro trong đầu cơ thì số lượng mua bán sẽ tăng.

Xin cảm ơn ông.

Theo Sài Gòn đầu tư tài chính

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]