Vì sao tác giả bài thơ tiếng Anh hay nhất mọi thời đại sống ẩn dật?

(Dân Việt) “If” được coi là bài thơ tiếng Anh hay nhất mọi thời đại. Tác giả của bài thơ - văn thi sĩ Rudyard Kipling đã chọn cách sống ẩn dật, từ chối mọi vinh dự dù ông từng nhận giải Nobel Văn học.

0

Nhiều người thường nghĩ rằng nhà văn, nhà thơ Rudyard Kipling hiếu chiến, hẹp hòi, phân biệt chủng tộc nhưng sự thực không phải vậy. Kipling luôn là người ngoài cuộc, ông từng nhận giải Nobel nhưng từ chối bất cứ vinh dự nào kể cả Huân chương thành tựu, điều mà sẽ xác định ông gắn với một quốc gia nào.

Nhà thơ, nhà văn Rudyard Kipling

Rudyard Kipling tên đầy đủ là Joseph Rudyard Kipling (1865 –1936), nổi tiếng là người đa tài từ lĩnh vực thơ, truyện ngắn cho đến tiểu thuyết. Năm 1907, Kipling được trao giải Nobel Văn học khi mới 42 tuổi. Ông còn nhận được nhiều phần thưởng danh giá, bằng danh dự của các trường đại học danh tiếng trên thế giới như Oxford, Cambridge, Paris, Toronto…

Nổi tiếng, được biết đến rộng rãi ở khắp các châu lục nhưng văn thi sĩ Rudyard Kipling luôn có cảm giác lạc lõng giữa cuộc đời và nhiều khi tự tách mình ra khỏi thời cuộc. Kipling có cuộc sống lênh đênh khắp các châu lục trên thế giới, từ Á, Âu, Phi đến Mỹ. Ông là người Anh nhưng sinh ra ở Bombay, Ấn Độ; năm lên 6 tuổi, ông được đưa về Anh học. Sau đó, ông kết hôn và sống ở Mỹ một thời gian, từng là phóng viên mặt trận ở Nam Phi và cuối cùng trở về Anh và sống ở đó cho đến cuối đời.

Đặc biệt, thi hào nổi tiếng này từng phải chịu nhiều khốn khổ và tổn thương trong thời gian được cha mẹ gửi sang Anh trọ học. Ông sống nội trú trong một gia đình ở Southsea, Hampshire và phải hứng chịu sự đối xử tàn nhẫn về cơ thể và tinh thần của người bảo mẫu. Những năm tháng cuộc đời đầy cô đơn, lạc lõng, tổn thương hiện lên rõ rệt trong tác phẩm của ông. Một nhóm nhỏ những con người, thậm chí là động vật luôn kiếm tìm nơi trú ẩn trong một thế giới hỗn loạn: Đó là bầy sói Mowgli trong tiểu thuyết “The Jungle Book”, nhóm học sinh trong tiểu thuyết “Stalky and Co” hay truyện ngắn “The Janeites”.

Kipling từ chối nhiều danh hiệu cao quý, những thứ xác định ông gắn bó với một quốc gia nào đó

Không chỉ có vậy, văn thi sĩ Rudyard Kipling cũng không muốn mình gắn bó với bất cứ tổ chức, đảng phái. Ông cũng không muốn gò bó bản thân hay tác phẩm của mình vào bất cứ luật pháp, tôn giáo nào. Ông từ chối Kito giáo và nhân vật trong các tác phẩm của Rudyard Kipling có luật lệ riêng, đó là luật của những người lính, những người thợ săn hay các học sinh ở trường.

Ông từng nhận giải Nobel nhưng từ chối bất cứ niềm vinh dự nào, kể cả Huân chương thành tựu (Order of Merit) – điều mà sẽ xác định ông sẽ gắn bó với một quốc gia. Nhiều người cho rằng ông hẹp hòi, hiếu chiến, phân biệt chủng tộc. Trái lại, ông luôn tự tách mình ra khỏi thời cuộc, không gắn bó với bất cứ tổ chức, đảng phái, quyền lực nào.

Trên đỉnh cao vinh quang, Kipling bỏ qua cả những phê bình thù nghịch, tránh công chúng và từ chối nhiều danh hiệu. Trong "Bài ca tiễn" (Recessional), bài thơ ông sáng tác nhân dịp kỉ niệm 60 năm trị vì của Nữ hoàng Victoria vừa nói lên tinh thần tự hào dân tộc, đồng thời nó truyền tải lời cảnh báo về sự nguy hiểm của tính kiêu ngạo thái quá của một dân tộc.

 Tác phẩm của Rudyard Kipling

Rudyard Kipling có nhiều tác phẩm được dịch ra tiếng Việt và được nhiều độc giả yêu mến như “If” (Nếu – thơ), “The jungle book” (Sách rừng – tiểu thuyết), “Kim” (tiểu thuyết). Đặc biệt, bài thơ “If” là bài thơ nổi tiếng nhất của Rudyard Kipling và được coi là bài thơ tiếng Anh hay nhất mọi thời đại. Bài thơ nói về tinh thần chiến đấu bất khuất của người lính ngoài mặt trận và cũng là tinh thần chiến đầu ngoan cường của một con người giữa sóng gió cuộc đời.

Bài thơ "If" của Rudyard Kipling

“Nếu con có thể bình tâm khi mà tất cả

Hết thảy kinh hoàng và đổ lỗi cho con

Nếu con vẫn vững tin khi mọi người nghi kỵ

Mặc ai đó không tin nhưng con vẫn vững lòng

Nếu con biết đợi chờ và kiên nhẫn chờ trông

Không lấy điều dối gian đáp lại điều gian dối

Hoặc bị căm ghét mà không căm ghét lại

Không nói những lời khôn, không ra vẻ thánh thần.

Nếu con mơ ước mà không để ước mơ làm chủ đời con

Nếu con có thể suy tư mà không lấy nó làm mục đích

Nếu cả Thành công, Thất bại trên đường đời con gặp

Mà vẫn như nhau - đối xử một tấm lòng

Nếu con biết nghe sự thật những lời của con

Bị kẻ bất lương làm bẫy lừa kẻ dại

Hoặc nhìn đời con đổ vỡ, đành làm lại

Và con cúi xuống dựng nên với công cụ đã mòn.

Nếu con dám đem những đồng vốn của mình

Đổ hết vào một trận ăn thua úp ngửa

Đành làm lại từ đầu vì đã mất tất cả

Mất mát của mình không một chút thở than

Nếu con ép được con tim, thớ thịt đường gân

Phục vụ cho mình để giành mục đích

Và cố níu giữ, dù chẳng còn sức lực

Nhưng ý chí vẫn đòi: "Hãy giữ vững lòng tin!".

Nếu con giữ tư cách khi nói chuyện với mọi người

Hay khi ngồi với Vua – thường dân không gián đoạn

Nếu không để thiệt cho mình – dù với thù hay bạn

Không còn để ai nợ nần hay còn nợ gì ai

Nếu mỗi phút giây con có được trong đời

Không để phí hoài mà luôn luôn đặt trên đường chạy

Thì thế giới này sẽ là của con, cùng tất cả những gì trong đấy

Và – quan trọng hơn – con trai, con là một Con Người!”

(Bản dịch của Nguyễn Viết Thắng)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]