Viêm đường hô hấp: Dấu hiệu trở nặng của trẻ

Suốt những ngày vừa qua, trời nồm khiến cho hệ miễn dịch non nớt của trẻ bị tấn công, nhiều trẻ phải đến viện khám vì mắc các bệnh viêm đường hô hấp.

15.572
Trời nồm: Khắc tinh của bệnh viêm đường hô hấp

Hơn một tuần nay, chị Lan Hương ( Hai Bà Trưng, Hà Nội) phải nghỉ ở nhà trông con. Chồng đi công tác xa, mình chị với bà ngoại đánh vật với hai đứa trẻ. Cậu con trai lớn 4 tuổi vừa bị ho, sổ mũi suốt hai tuần. Thằng anh vừa dứt thì con em 11 tháng tuổi lại bắt đầu sốt kèm theo những cơn ho.

“Cả ngày chỉ quanh ra quanh vào, ăn, uống thuốc, thay quần áo do nôn trớ, quấy khóc cũng hết ngày. Ức chế nhất là khi chúng không khỏe, đứa nào đứa nấy quấy như giòi. Cứ nhèo nhẹo bám mẹ, thằng anh đòi mẹ bế, con em cũng chẳng thua. Mình đã mệt, giờ thêm 2 đứa ốm, chắc chúng khỏi thì mình cũng ốm nốt” – chị Hương phàn nàn.

Theo chị Hương kể, thời điểm này, trẻ nhập viện do viêm đường hô hấp khá đông, con nhà chị cũng chưa phải là nặng nhất nên được bác sĩ cho về điều trị ngoại trú. Tại khoa Nhi, BV Bạch Mai, lượng trẻ đến khám do viêm đường hô hấp cũng tăng vọt trong những ngày gần đây, chiếm 2/3 trong tổng số trẻ đến khám. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại BV Nhi Trung ương và khoa Nhi, BV Xanh Pôn.

TS.BS Lê Thị Hồng Hanh, phó trưởng khoa Hô hấp, bệnh viện Nhi Trung ương cho biết bệnh viêm đường hô hấp là bệnh khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Đường hô hấp chính là nơi mà nhiều mầm bệnh (virus, vi khuẩn) dễ dàng xâm nhập khi trẻ hít thở. Đáng ngại là, đây là loại bệnh dễ tái đi tái lại nên gây ra hậu quả xấu nếu không được điều trị đúng và kịp thời.

Các dấu hiệu bệnh trở nặng

Theo TS Hanh, viêm đường hô hấp được chia thành 2 loại, tùy thuộc vào vị trí tổn thương. Viêm đường hô hấp trên gồm các trường hợp viêm mũi - họng, VA, viêm amidan, viêm tai giữa. Viêm đường hô hấp dưới thường là nặng như viêm thanh quản, khí quản, phế quản, tiểu phế quản và phổi.

Thông thường, trẻ bắt đầu với các triệu chứng ho, sốt, chảy mũi, nghẹt mũi, hoặc khàn tiếng. Trẻ thường sốt cao và thành cơn, nhiệt độ từ 390C trở lên. Tiếp đến trẻ sẽ bị chảy dịch mũi với đặc điểm dịch nhiều, trong, loãng, không có mủ và không có mùi hôi.

Dịch mũi về bản chất là một dịch viêm bảo vệ nhưng nó lại là thủ phạm lan truyền mầm bệnh vì dịch mũi rất nhiều mầm bệnh. Nó chính là thủ phạm lây bệnh từ bộ phận này sang bộ phận khác, từ đường hô hấp trên sang đường hô hấp dưới.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết thêm, một biểu hiện khá phổ biến khác mà trẻ mắc đường hô hấp trên thường gặp là ho – đây là đặc điểm hầu như có mặt trong mọi bệnh viêm đường hô hấp trên.

“Trẻ viêm mũi cũng ho, viêm họng cũng ho mà viêm thanh quản cũng ho. Nguyên nhân là do thành họng của trẻ nhạy cảm khi tình trạng tiết dịch nhiều. Ho là biểu hiện đầu tiên cũng là biểu hiện cuối cùng báo hiệu chấm dứt hoàn toàn đợt viêm nhiễm. Bình thường, ho là có lợi nhưng nếu không kiểm soát tốt, ho lại khiến trẻ khó chịu dễ nôn trớ…” – PGS Dũng nói.

PGS Dũng cũng nhấn mạnh, thông thường đối với cảm lạnh hoặc viêm họng cấp, triệu chứng sẽ lui dần và khỏi bệnh trong vòng 5-7 ngày. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh nhân có sức đề kháng kém bị bội nhiễm viêm đường hô hấp dưới gây viêm tiểu phế quản hoặc viêm phổi, đặc biệt là ở trẻ nhỏ hơn 3 tuổi. Nếu không được xử trí kịp thời có thể gây suy thở, sốt cao, co giật hoặc nhiễm trùng máu, thậm chí gây tử vong.

Do đó, khi trẻ bệnh, cha mẹ cần chú ý theo dõi dấu hiệu bệnh trở nặng để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời. Khi trẻ mắc các bệnh đường hô hấp, cha mẹ cần cho trẻ uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý kê đơn thuốc cho con theo kinh nghiệm bản thân hoặc nghe bạn bè, người bán thuốc mách. Thường xuyên súc họng, xịt rửa mũi cho trẻ bằng nước muối 0,9%.

“Các bậc phụ huynh lưu ý nên duy trì chế độ ăn cho trẻ như bình thường, tránh kiêng cữ quá mức. Cần tăng cường cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho trẻ. Nên cho trẻ ăn nhiều rau xanh, nước hoa quả, thức ăn mềm dễ nuốt” – PGS Dũng nói.

Trong trường hợp trẻ sốt cao liên tục (thân nhiệt lên tới 390C không hạ sau khi đã uống thuốc hạ sốt, nới bớt quần áo, chườm nước ấm); trẻ có biểu hiện co giật, lừ đừ, thở nhanh, thở co lõm lồng ngực hoặc tím tái thì phụ huynh cần phải khẩn trương đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và tư vấn kịp thời.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, để phòng ngừa bệnh viêm đường hô hấp ở trẻ cần hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người, hạn chế cho trẻ ra ngoài đường vào thời khắc chuyển mùa, cho trẻ đi tiêm chủng đầy đủ. Đặc biệt giữ vệ sinh sạch sẽ hàng ngày cho trẻ bằng cách rửa mũi, xúc họng bằng nước muối sinh lý mỗi ngày.

Khi ngủ cần lưu ý giữ ấm cho trẻ, không cho trẻ ăn đồ quá lạnh. Nước uống cũng nên pha ấm cho con. Một chế độ dinh dưỡng đầy đủ và chủ động tăng sức đề kháng kết hợp với chế độ sinh hoạt hàng ngày hợp lý, khoa học sẽ giúp trẻ vượt qua giai đoạn chuyển mùa như hiện nay.

Theo Ngô Châu Anh - Infonet

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]